6. Cấu trúc luận văn
1.6 Sự cần thiết phải tái cấu trúc vốn
Một cấu trúc vốn tối ưu phải nhằm đến mục tiêu tối đa hóa giá trị cổ phần mà cổ đông đang nắm giữ. Theo định đề 2 (có thuế) trong lý thuyết MM, tỉ suất sinh lợi của cổ phần tỷ lệ thuận với nợ vay, điều này có nghĩa là nợ vay càng nhiều thì tỉ suất sinh lợi cổ phần càng tăng. Tuy vậy, MM đã chưa kể đến các chi phí phá sản và các chi phí khác khi kiệt quệ tài chính xảy ra. Ngoài ra, trong mỗi thời kỳ phát triển của công ty thì tỉ suất sinh lợi vốn cổ phần hoàn toàn khác nhau đối với công ty có tài trợ nợ và công ty không có tài trợ nợ. Trong thời kỳ tăng trưởng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ khuyếch đại tỷ suất sinh lợi cổ phần và ngược lại trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay thì tỷ lệ lỗ cũng được khuyếch đại khi công ty sử dụng đòn bẩy tài chính. Nợ luôn có tính đáo hạn vì nợ phải được chi trả (gồm nợ gốc và lãi) vào thời gian quy định trong hợp đồng giữa DN và chủ nợ. Quy mô nợ càng cao thì rủi ro đối với DN càng lớn, và rủi ro đã đến với các DN Việt Nam từ những tháng cuối năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ nước Mỹ lây lan vào Việt Nam.
Từ đổ vỡ của các DN trên nền kinh tế tài chính tiền tệ (kinh tế ảo, kinh tế bong bóng) dẫn đến sụp đổ của các DN ở các khu vực kinh tế thực. Những con nợ gặp khó khăn phải nộp đơn xin phá sản. Các công ty kinh doanh không thể bán sản phẩm, buộc
phải cắt giảm chi phí lao động, sa thải nhân viên, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ. Sự ngưng trệ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản lan sang ngành chế tạo, điện tử, viễn thông, hàng không, du lịch. Đặc biệt là 3 đại gia lớn trong ngành sản xuất ôtô Mỹ cũng đang đứng trên bờ vực phá sản. Khủng hoảng nền kinh tế Mỹ nhanh chóng lan nhanh ra các nền kinh tế trên khắp các châu lục trong đó có Việt Nam.
Cấu trúc vốn của các DN Việt Nam trong thời kỳ này hầu hết đều có vốn vay quá nhiều, tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần cao. Thêm nữa, các công ty lại chú trọng đến đầu tư tài chính nên dễ bị vỡ nợ, phá sản khi có khủng hoảng kinh tế xảy ra mà bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính.
Khi khủng hoảng xảy ra, chỉ có các công ty có vốn chủ sở hữu cao thì mới có thể đứng vững. Do vậy, bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế lần này các DN Việt Nam cần phải tái cấu trúc vốn để có thể có được cấu trúc vốn tối ưu và an toàn. Mục đích của việc tái cấu trúc vốn:
Tiết kiệm chi phí sử dụng vốn.
Chi phí sử dụng vốn là cái giá mà DN phải trả cho việc sử dụng các nguồn tài trợ, đó là nợ vay, cổ phần ưu đãi, thu nhập giữ lại, cổ phần thường và DN sử dụng những nguồn tài trợ này để tài trợ cho các dự án đầu tư mới.
Chi phí sử dụng vốn cũng có thể được xem như tỷ số sinh lời mà các nhà đầu tư trên thị trường yêu cầu khi đầu tư vào chứng khoán của công ty. Như vậy, chi phí sử dụng vốn của DN được xác định từ thị trường vốn và nó có quan hệ trực tiếp đến mức độ rủi ro của những dự án đầu tư mới, đến những tài sản hiện hữu và cấu trúc vốn của công ty. Nói chung, khi nhà đầu tư nhận thấy rủi ro của DN lớn hơn thì họ sẽ đòi hỏi một tỷ suất sinh lời lớn hơn tương ứng và chi phí sử dụng vốn của DN cũng vì vậy mà sẽ cao hơn.
Chi phí sử dụng vốn có một ảnh hưởng rất quan trọng đến giá trị của DN. Hai DN có cùng thu nhập từ đầu tư, DN nào có chi phí sử dụng vốn thấp hơn sẽ được đánh giá cao hơn vì phần thu nhập còn lại để chia cho cổ đông là lớn hơn. Bởi thế, việc sử dụng tái cấu trúc vốn để tiết kiệm chi phí sử dụng vốn là việc làm cần thiết cho các công ty muốn tồn tại trên thị trường. Một công ty có chi phí sử dụng vốn thấp thì lợi nhuận sẽ tăng và như vậy thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các cổ đông cũng tăng tương ứng.
So sánh chi phí sử dụng vốn bình quân của ngành đối với chi phí vốn đặc thù riêng, ban quản trị sẽ có những nhận định tốt hơn về vị thế công ty trên thị trường.
Hình 1.1. Đồ thị quan hệ giữa chi phí sử dụng vốn và tỷ lệ nợ.
Từ một quan điểm thực tế rằng: việc sử dụng vốn vay có lợi thế vì việc trả lãi được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, sử dụng vốn vay càng nhiều, chi phí lãi vay càng lớn thì xác suất các DN sẽ không có khả năng thanh toán chi phí trả tiền vay càng cao. Thông qua hình vẽ ta thấy, chi phí của DN lúc đầu giảm dần khi tỷ lệ vốn vay trên tổng vốn tăng. Tuy nhiên sau một điểm nhất định (được đánh dấu X trên hình vẽ) chi phí sử dụng vốn tăng lên khi tỷ lệ vốn vay trên tổng vốn tăng. Điều này cho thấy là việc tăng sử dụng tài trợ vốn vay thuận lợi cho đến một điểm mà tại điểm này xác suất vỡ nợ trở nên đủ lớn đủ để bù trừ lợi thế thuế của việc sử dụng vốn vay. Đi quá điểm đó sẽ làm gia tăng thêm chi phí sử dụng vốn toàn bộ của DN.
Bởi thế, cấu trúc vốn tối ưu tùy thuộc vào đặc tính của mỗi DN. Các DN có lưu lượng tiền tệ ổn định hơn sẽ có khả năng thanh toán các khoản chi trả lãi định kỳ lớn hơn do đó có lợi thế hơn trong việc lựa chọn cấu trúc vốn.
Kiểm soát và hạn chế chi phí kiệt quệ tài chính.
Kiệt quệ tài chính xảy ra khi không thể đáp ứng các hứa hẹn với các chủ nợ hay đáp ứng một cách khó khăn. Kiệt quệ tài chính có thể làm công ty khó khăn tài chính hoặc phá sản. Khi công ty rơi vào kiệt quệ tài chính thì phát sinh rất nhiều sự bất lợi cho công ty như niềm tin của người lao động bị giảm dẫn tới năng suất lao động thấp, ngân hàng không cho vay hoặc cho vay với lãi suất cao, chủ nợ thắt chặt tín dụng thương mại, các nhà đầu tư rút vốn, chi phí vốn gia tăng sẽ làm cho công ty gặp càng nhiều khó khăn hơn cho việc tái cấu trúc DN và hậu quả là công ty sẽ khó thoát khỏi
tình trạng phá sản. Như vậy, hầu hết mọi trường hợp kiệt quệ tài chính đều gây ra sự khó khăn cho công ty và giá trị của công ty bị sụt giảm.
Hình 1.2. Đồ thị giá trị DN khi có lá chắn thuế và chi phí kiệt quệ tài chính
Nhìn vào đồ thị 1.2, ta thấy: Giá trị DN tăng khi công ty tăng thêm nợ cho đến điểm tối ưu X khi đó giá trị DN là cao nhất. Tại điểm X thì hiện giá của tiết kiệm thuế do vay nợ thêm vừa đủ bù trừ cho gia tăng trong hiện giá của chi phí kiệt quệ tài chính bởi thế để đạt được giá trị cao nhất và hạn chế được chi phí kiệt quệ tài chính xảy ra thì DN cần phải xác định được điểm tối ưu X. Như thế cấu trúc vốn tối ưu có mục đích nhằm kiểm soát và hạn chế chi phí kiệt quệ tài chính có thể xảy ra.
Gia tăng lợi nhuận và giảm rủi ro
Lợi nhuận tính thuế = Doanh thu tính thuế – chi phí tính thuế
Nếu DN đạt được cấu trúc vốn tối ưu thì lãi vay sẽ là chi phí hợp lý khi tính thuế như thế lợi nhuận tính thuế của DN giảm và giúp DN tiết kiệm được thuế thu nhập DN.
Một cấu trúc vốn tối ưu không chỉ làm giảm chi phí thuế thu nhập DN mà còn gián tiếp tăng doanh thu bởi nó sẽ tạo điều kiện cho các DN có thể đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao và chiếm lĩnh thị trường nhanh trong những trường hợp cần thiết như có thể giảm giá bán, tăng cường các công tác tiếp thị quảng cáo….
Khi DN sử dụng đòn bẩy tài chính thì chi phí lãi vay được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế do đó sẽ làm giảm thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế như vậy sẽ tiết kiệm được khoản thuế thu nhập DN phải trả.
Kiểm soát vấn đề người đại diện.
Việc vay nợ nhiều có thể làm giảm chi phí ủy quyền giữa ban quản trị và cổ đông vì nợ sẽ giúp cho các định chế trung gian tham gia vào quá trình kiểm soát công ty như thế sẽ giảm bớt chi phí kiểm soát. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì việc vay nợ nhiều sẽ dễ dẫn tới nguy cơ kiệt quệ tài chính và phá sản cho nên các giám đốc tài chính của các CTCP là những người phải tính toán chính xác được mức nợ tối ưu nhất để thỏa mãn được nhu cầu của cổ đông của công ty và định chế trung gian.
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Cấu trúc vốn của công ty chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố như tình hình kinh tế, quy mô của công ty và nhiều yếu tố khác. Cấu trúc vốn tối ưu sẽ làm gia tăng giá trị của công ty và giá trị của cổ phần. Chương 1 của luận văn đã trình bày các lý luận cơ bản về cấu trúc vốn, trên cơ sở lý luận này, luận văn sẽ đi vào nghiên cứu về cấu trúc vốn của các công ty ngành dệt may để từ đó đưa ra định hướng cho tái cấu trúc vốn của các công ty dệt may trong tương lai.
CHƯƠNG II: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẤU TRÚC VỐN
Cấu trúc vốn có ảnh hưởng đến lợi nhuận dành cho cổ đông và giá trị DN nên cần hoạch định một cấu trúc vốn mục tiêu – đó là một sự kết hợp hợp lý giữa nợ vay và vốn cổ phần trong tổng nguồn vốn của DN để đạt được mục tiêu đề ra. Việc đưa ra quyết định về cấu trúc vốn liên quan đến sự đánh đổi giữa lợi nhuận – rủi ro vì nếu nợ cao sẽ đưa đến lợi nhuận kỳ vọng cao, đồng thời gia tăng nguy cơ phá sản của DN. Dựa trên phân tích về mặt lý luận ở chương 1, từ đó tiến hành xây dựng mô hình kinh tế lượng nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn của DN trong ngành dệt may của Việt Nam.