- Các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô nguồn vốn đầu tư: + Quy mô nguồn vốn chủ sở hữu:
Đây là một nguồn quan trọng tác động đến quy mô nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn chủ sở hữu càng lớn thì quy mô nguồn vốn đầu tư có thể huy động càng lớn. Theo luật định, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoài phần đã sử dụng để ký quỹ tại ngân hàng và phần đầu tư vào tài sản cố định và tài sản lưu động có thể được sử dụng để đầu tư.
+ Quy mô phí bảo hiểm huy động:
Có thể thấy nhân tố trực tiếp tác động đến quy mô của quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm chính là quy mô lượng phí bảo hiểm huy động được. Khi nguồn phí bảo hiểm huy động được tăng lên sẽ là điều kiện tiên quyết làm tăng quỹ dự phòng
nghiệp vụ bảo hiểm, từ đó tăng quy mô nguồn vốn có thể đầu tư của DNBH. Chính vì vậy, xét sâu xa, các chính sách sản phẩm, bán hàng, khuyếch trương mở rộng quy mô bảo hiểm gốc sẽ là nhân tố có tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
+ Phí bảo hiểm gốc thực giữ lại:
Nếu một doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu bảo hiểm gốc lớn nhưng phí thực giữ lạ chiếm tỷ trọng ít (phần nhượng tái lớn) dẫn đến quy mô của các dự phòng nghiệp vụ nhỏ, nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư sẽ nhỏ.
+ Trình độ quản lý
Nếu doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu lớn nhưng quản lý không tốt, các khoản về nợ phí bảo hiểm, tạm ứng cao, hoặc việc quản lý dòng tiền không hiệu quả (vì thường các doanh nghiệp bảo hiểm có các chi nhánh nằm rải rác trên một địa bàn rộng lớn), bồi thường quá lớn, cũng là nhân tố ảnh hưởng tới quy mô của nguồn tiền để đầu tư.
- Tính chất nguồn vốn có thể đầu tư:
Nếu doanh nghiệp có nguồn vốn chủ sở hữu lớn thì sẽ chủ động hơn trong quyết định đầu tư, bởi nguồn vốn chủ sở hữu là nguồn vốn ít chịu sự hạn chế của pháp luật nhất nên sẽ ảnh hưởng tích cực tới tính chủ động trong lựa chọn dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Nguồn vốn từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm chịu sự kiểm soát của luật pháp về loại hình cũng như hạn mức đầu tư. Phí bảo hiểm của DNBH PNT thường có tính chất ngắn hạn hơn và ít ổn định hơn vì hợp đồng bảo hiểm PNT thường có thời hạn một năm và khách hàng thường có xu hướng thay đổi doanh nghiệp bảo hiểm nhiều hơn nên việc đầu tư cũng khác hơn so với DNBHNT.
- Tổ chức hoạt động đầu tư:
Để có một hình thức tổ chức hoạt động đầu tư hợp lý đòi hỏi phải xem xét nhiều nhân tố, đặc biệt là quy mô DNBH, tính chất nghiệp vụ bảo hiểm và quy định của pháp luật.
Tuỳ theo đặc điểm và điều kiện riêng có của mình, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ lựa chọn cho mình một mô hình tổ chức hoạt động đầu tư thích hợp. Nếu tổ chức hoạt động đầu tư hợp lý sẽ giúp làm tăng hiệu quả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và ngược lại.
- Quan điểm đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm:
Trên cơ sở các quy định của luật pháp, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm lại có một quan điểm đầu tư khác nhau, tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động đầu tư. Với các quan điểm đầu tư khác nhau, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có một danh mục đầu tư khác nhau.
Với quan điểm đầu tư thận trọng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chú trọng đầu tư vào các khoản mục có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ, các khoản cho vay với các tổ chức có khả năng tài chính tốt ... Còn với quan điểm đầu tư mạo hiểm hơn, họ có thể thực hiện những khoản đầu tư hứa hẹn khả năng sinh lời cao nhưng lại ẩn chứa độ rủi ro lớn như đầu tư chứng khoán, bất động sản...
Các quan điểm đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm thường được thể hiện qua chiến lược đầu tư, các chính sách đầu tư của doanh nghiệp. Nếu xây dựng được chiến lược và chính sách đầu tư đúng đắn thì hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sẽ có hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển được nguồn vốn.
- Khả năng của đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ thực hiện đầu tư:
Đây cũng là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Hoạt động đầu tư của DNBH được thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực rất đa dạng và chịu nhiều rủi ro. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ đầu tư phải có năng lực, có sự phán đoán nhanh nhạy để từ đó có các đối sách phù hợp, kịp thời.
- Khả năng thu thập thông tin:
Thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ là cơ sở giúp cho việc phân tích hoạt động đầu tư được tốt, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Thông tin là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng đối với bộ phận làm công tác đầu tư, là cơ sở để họ phân tích và ra quyết định đầu tư đúng đắn. Thông tin của nhà đầu tư có thể
được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như qua tìm hiểu thị trường, thông tin từ đối tác, từ hồ sơ của đối tượng đầu tư, từ các công trình nghiên cứu, các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài)… .