quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyết mà bên vi phạm không thể biết trước được vào thời điểm ký kết hợp đồng và mối quan hệ nhân quả giữa việc thực hiện quyết định đó với việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
2.2.5 Miễn trách nhiệm khi người thứ ba có quan hệ với một bên trong hợpđồng đồng
gặp sự kiện bất khả kháng
Trường hợp này được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 79 CISG nhưng không được quy định trong pháp luật liên quan của Việt Nam.
2.2.5.1 Căn cứ miễn trách nhiệm
Tại Khoản 2 Điều 79 CISG quy định: “Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp:
a. Ðược miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên, và
b. Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ”.
Trong trường hợp này, bên vi phạm cũng được miễn trách nhiệm trên cơ sở sự tồn tại của một sự kiện bất khả kháng nhưng sự kiện đó không xảy ra trực tiếp với họ mà là “bên thứ ba” có quan hệ với bên vi phạm. Ở đây, “người thứ ba” được hiểu là bên độc lập nhưng có quan hệ hợp đồng với bên vi phạm và việc thực hiện hợp đồng giữa người thứ ba và bên vi phạm có liên quan mật thiết đến việc thực hiện hợp đồng giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm. Người thứ ba này không phải là người có quan hệ lao động với bên vi phạm, ví dụ như công nhân, người làm thuê của bên vi phạm, bởi lẽ bên vi phạm luôn có trách nhiệm đối với nhân viên của mình nên những thiếu sót và hoạt động kém hiệu quả của cá nhân người lao động không thể giải thoát được bên vi phạm khỏi trách nhiệm do vi phạm hợp đồng của mình. Bên thứ ba tham gia quan hệ hợp đồng với một bên trong hợp đồng giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm để thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng đó. Chính sự không thực hiện hợp đồng của bên thứ ba là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng của bên vi phạm.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bên thứ ba không thực hiện hợp đồng thì tương ứng bên vi phạm cũng được giải thoát khỏi trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
đối với bên bị vi phạm. Việc miễn trách nhiệm chỉ xảy ra khi bên thứ ba gặp bất khả kháng mà bên vi phạm không thể biết trước hay lường trước được vào lúc kí kết hợp đồng. Thông thường, nếu bên thứ ba vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm trước bên vi phạm và bên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm. Tuy nhiên, khi bên thứ ba gặp phải trường hợp bất khả kháng và được miễn trách nhiệm trước bên vi phạm thì bên vi phạm cũng tương ứng được miễn trách nhiệm trước bên bị vi phạm.
2.2.5.2 Nghĩa vụ của bên vi phạm
Để được miễn trách nhiệm trong trường hợp này, bên vi phạm cũng cần phải thực hiện hai nghĩa vụ đó là: nghĩa vụ thông báo và nghĩa vụ chứng minh.
Nghĩa vụ thông báo
Để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra cho bên bị vi phạm do không biết hợp đồng đã bị vi phạm, bên vi phạm cần kịp thời thông báo cho bên bị vi phạm biết về sự kiện bất khả kháng đã xảy ra cụ thể về thời gian địa điểm cũng như những tác động của nó đến việc thực hiện hợp đồng và khi trường hợp đó kết thúc. Do việc xác định một thời gian hợp lý không được công ước xác định cụ thể nên thông thường, việc này thường được quyết định theo đánh giá chủ quan của thẩm phán, chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Nghĩa vụ chứng minh
Khi có sự vi phạm hợp đồng, bên vi phạm được mặc nhiên là có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước bên bị thiệt hại. Do đó, thể được miễn trách nhiệm trong trường hợp này, bên vi phạm cần chứng minh mình không có lỗi với những nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, chứng minh bên thứ ba gặp bất khả kháng là bên có quan hệ hợp đồng với bên vi phạm. Cụ thể, quan hệ hợp đồng này được thiết lập có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm với bên bị vi phạm mà bên thứ ba được coi là một nhà cung cấp thứ cấp. Điều này cho thấy việc xảy ra với bên thứ ba sẽ có liên hệ mật thiết đối với việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm, nhằm tránh trường hợp thực tế có một bên có quan hệ hợp đồng với bên vi phạm gặp phải sự kiện bất khả kháng nhưng quan hệ này không liên quan tới việc thực hiện hợp đồng giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm.
Thứ hai, chứng minh bên thứ ba có quan hệ với bên vi phạm gặp phải sự kiện bất khả kháng. Có nghĩa là bên vi phạm phải cung cấp đủ căn cứ chứng minh sự kiện mà bên thứ ba đã gặp phải đáp ứng đủ ba dấu hiệu của sự kiện bất khả kháng: đó là sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các bên; các bên không thể tính toán được trở ngại đó vào lúc kí kết hợp đồng; và không thể tránh hay khắc phục được hậu quả của nó. Việc cung cấp các căn cứ này cũng cần phải do một cơ quan có thẩm quyền xác minh nhưng CISG không quy định cụ thể về vấn đề này. Trên thực tế, bên thứ ba khi muốn được miễn trách nhiệm trước bên vi phạm thì họ phải cung cấp được các bằng chứng về sự kiện bất khả kháng, khi đó, các bằng chứng này cũng đồng thời là căn cứ để bên vi phạm được miễn trách nhiệm trước bên bị vi phạm. Bên vi phạm phải cung cấp các bằng chứng này một cách đầy đủ cho bên bị vi phạm. Không chỉ vậy, bên vi phạm cũng phải tự mình chứng minh sự kiên bất khả kháng với bên thứ ba cũng phải không được bên vi phạm biết trước hoặc có thể lường trước vào thờiđiểm giao kết hợp đồng.
Thứ ba, chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng mà bên thứ ba gặp phải với việc vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Sự kiên bất khả kháng của bên thứ ba phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Khi sư kiện đó xảy ra với bên thứ ba, bên vi phạm đã tìm mọi cách hạn chế, khắc phục hậu quả của nó đối với việc thực hiện hợp đồng nhưng vẫn không tránh khỏi việc vi phạm. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng với bên thứ ba nhưng việc đó không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng thì đó không được coi là cơ sở để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm.