Hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật điều chỉnh về chế định miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng thương mại và thực tiến áp dụng tại công ty Cổ Phần Giao Thông Công Chính Thạch Thành (Trang 56)

Như vậy, về vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm trong hợp đồng thương mại, quy định của pháp luật thương mại Việt Nam còn chưa đầy đủ và mang tính chung chung. Do đó, để khắc phục được những tồn tại này, trước tiên, các nhà làm luật trong nước cần dành thêm những quan tâm đối với nội dung này để có thể bổ sung những quy định cần thiết hơn. Từ những hạn chế còn tồn tại của pháp luật thương mại Việt Nam trong các quy định về vấn đề miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại, một vài đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, về trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên, Luật Thương mại 2005 cần quy định rõ ràng hơn về nội dung thảo thuận của các bên nhằm tránh các trường hợp các thỏa thuận này có thể trái với nghĩa vụ trong hợp đồng hay các quy định của pháp luật. Quy định này có thể theo hướng các bên có thể được miễn trách nhiệm trên cơ sở thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại trong hợp đồng trừ trường hợp các bên phạm lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng. Chúng ta có thể xem xét các quy định tương tự trong pháp luật quốc gia khác chẳng hạn như tại khoản 4, Điều 401 Bộ luật dân sự Cộng hòa liên bang Nga quy

định về việc thỏa thuận trước về hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm, tuy nhiên trong trường hợp bên vi phạm có lỗi cố ý thì thỏa thuận đó không có giá trị pháp lý.

Thứ hai, Luật Thương mại 2005 cần đưa ra được một định nghĩa cụ thể, thống nhất thế nào là sự kiện bất khả kháng dựa trên những dấu hiệu xác định nó. Định nghĩa này cần phù hợp với cách hiểu chung về bất khả kháng được quy định trong các văn bản pháp luật quốc tế [20, Suy nghĩ về miễn trách nhiệm do bất khả kháng trong HĐMBHHQT hiện nay, Ths. Trần Văn Duy, 20/02/2013]. Đồng thời cách giải thích về sư kiện bất khả kháng cũng cần được đưa ra rõ ràng, cụ thể hơn.

Thứ ba, so sánh với quy định trong CISG, pháp luật thương mại Việt Nam vẫn chưa phù hợp về các trường hợp miễn trách nhiệm, do vậy, cần bổ sung căn cứ người thứ ba có quan hệ với một bên trong hợp đồng gặp bất khả kháng làm căn cứ miễn trách nhiệm. Đây là trường hợp xảy ra khá phổ biến trên thực tế đồng thời đây cũng là một nội dung hợp lý được ghi nhận trong CISG. Chúng ta có thể bổ sung quy định này vào Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 theo hướng: “Hành vi vi phạm của một bên do bên thứ ba được họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó do gặp phải sự kiện bất khả kháng”.

Thứ tư, pháp luật thương mại Việt Nam cần bổ sung những quy định, giải thích về hoàn cảnh khó khăn (hardship) để có thể phân biệt nó với trường hợp bất khả kháng trên thực tế. Cụ thể, chúng ta có thể dựa vào quy định tại Điều 6.2.1, Điều 6.2.2 và Điều 6.2.3 của Bộ nguyên tắc PICC của UNIDROIT 2004 để có cách hiểu đúng đắn cũng như các quy định phù hợp về hoàn cảnh khó khăn.

Thứ năm, cần quy định rõ ràng hơn về trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm. Cụ thể, pháp luật thương mại Việt Nam cần quy định tách bạch cụ thể về trường hợp vi phạm hợp đồng do lỗi của cả hai bên và trường hợp hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm. Theo đó, nếu trường hợp lỗi do cả hai bên xảy ra, dựa trên mức độ lỗi và thiệt hại tương ứng từ lỗi của các bên, mỗi bên sẽ phải gánh chịu các chế tài tương ứng. Như vậy, bên vi phạm sẽ được miễn trừ tương ứng với phần lỗi của bên bị

vi phạm. Còn khi lỗi hoàn toàn từ phía bên bị vi phạm thì hậu quả pháp lý sẽ áp dụng các quy định hiện hành.

Thứ sáu, đối với quy định về trường hợp miễn trách nhiệm do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, pháp luật thương mại Việt Nam cần xác định cụ thể những cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần quy định về việc nhà nước có trách nhiệm bù đắp một phần thiệt hại cho bên bị vi phạm trong trường hợp này. Bởi vì, khi sư kiện này xảy ra, bên vi phạm sẽ được giải thoát khỏi chế tài do vi phạm hợp đồng trong khi đó bên bị vi phạm phải tự mình gánh chịu các hậu quả do hành vi vi phạm đó gây ra. Do vậy, bên bị vi phạm cần được bồi hoàn hoặc bù đắp một phần hay toàn bộ thiệt hại nhằm đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi cho các bên trong hợp đồng.

Thứ bảy, cần cụ thể hóa các nghĩa vụ mà bên vi phạm phải thực hiện để được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại. Cụ thể, đối với nghĩa vụ thông báo, các văn bản luật cần quy định rõ khoảng thời gian hợp lý là bao lâu. Ví dụ, khoảng thời gian này chỉ được giới hạn tối đa là bảy ngày kể từ khi sự kiện bất khả kháng diễn ra thì bên vi phạm phải gửi thông báo cho bên bị vi phạm (ngày gửi có thể được xác định theo dấu bưu điện). Điều này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho bên bị vi phạm. Đối với nghĩa vụ chứng minh, Luật Thương mại 2005 cũng cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền xác nhận sự kiện bất khả kháng xảy ra là cơ quan nào, các nội dung cũng như giấy tờ cần thiết để chứng minh gồm những gì để tạo được sự thống nhất trong thực tiễn. Thiết nghĩa, đó nên là Cơ quan dự báo thủy văn trung ương hoặc Cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp huyện trở lên nhằm đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của giấy tờ chứng minh.

Thứ tám, về hậu quả pháp lý khi xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại. Chúng ta nên sửa đổi quy định này trên cơ sở xem xét quy định tương tự của CISG. Cụ thể, trong trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng hoặc bên thứ ba gặp bất khả kháng và vi phạm hợp đồng do thực hiện hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, bên vi phạm chỉ

được giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm; trong trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi hoàn toàn của bên bị vi phạm thì bên bị vi phạm sẽ được giải thoát khỏi toàn bộ các chế tài do vi phạm hợp đồng; còn đối với trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên, các chế tài được miễn sẽ được xác định theo thỏa thuận đó.

Một phần của tài liệu Pháp luật điều chỉnh về chế định miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng thương mại và thực tiến áp dụng tại công ty Cổ Phần Giao Thông Công Chính Thạch Thành (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(65 trang)
w