Kiểm tra, thanh tra là một trong những công cụ quan trọng nhất để quản lý rủi ro về thuế. Hơn thế nữa, yêu cầu của cải cách và hiện đại hoá công tác kiểm tra, thanh tra thuế là phải đổi mới cách thức, phương pháp và quy trình quản lý rủi ro về thuế dưới sự hỗ trợ của công nghệ máy tính. Nói cách khác, kỹ thuật quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra, thanh tra thuế là những cách thức, phương pháp,công nghệ và quy trình quản lý rủi ro được áp dụng trong công tác kiểm tra, thanh tra thuế.
1.2.5.1 Rủi ro và phân loại rủi ro
Để quản lý rủi ro, người ta thường phân loại rủi ro theo các cách thức khác nhau. Phân theo hình thức rủi ro: có loại rủi ro từ chính sách thuế, từ thủ tục hành chính thuế, từ đối tượng nộp thuế, từ cán bộ thuế; hoặc loại rủi ro từ cấp mã số thuế, từ kê khai thuế, từ hoàn thuế, miễn giảm thuế... Phân theo mức độ rủi ro: có loại rủi ro cao, rủi ro vừa, rủi ro thấp, loại không đáng kể. Phân theo mức độ tuân thủ: đối tượng tuân thủ thấp thì rủi ro cao và ngược lại đối tượng tuân thủ cao thì rủi ro thấp.
Phân loại rủi ro theo đối tượng nộp thuế: theo quy mô có rủi ro từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân không kinh doanh; theo loại hình doanh nghiệp có rủi ro từ doanh nghiệp nhà nước, từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ
27
doanh nghiệp ngoài quốc doanh; theo ngành kinh tế có rủi ro từ ngành điện, ngành than, ngành xây dựng, ngành cơ khí... Tuy nhiên, theo cách thức tiếp cận hiện đại thì rủi ro trong công tác kiểm tra, thanh tra thuế được phân loại theo 4 tiêu thức chuẩn tắc sau đây:
- Rủi ro tiềm tàng (còn gọi là rủi ro cố hữu – IR): là rủi ro tiềm ẩn có khả năng xảy ra trong một môi trường nhất định. Chẳng hạn ngành xây dựng luôn tiềm ẩn rủi ro tạo ra các báo cáo tài chính gian lận; và nếu hoạt động xây dựng trong môi trường thanh toán bằng tiền mặt khả năng xảy ra rủi ro cao hơn so với hoạt động xây dựng trong môi trường thanh toán qua ngân hàng. Để nhận dạng rủi ro tiềm tàng người ta thường đưa ra những định mức kinh tế, kỹ thuật của một ngành; trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành đó không đảm bảo định mức thì nguy cơ rủi ro có khả năng xảy ra.
- Rủi ro kiểm soát (CR): là rủi ro về khả năng kiểm soát tại chỗ không chặt chẽ nên không ngăn ngừa được những sai phạm có thể xảy ra. Chẳng hạn sự phân định nhiệm vụ không rõ ràng giữa các nhân viên kế toán của một Công ty sẽ không ngăn ngừa được việc chuẩn bị các báo cáo tài chính gian lận.
- Rủi ro phát hiện (DR): là rủi ro mà kiểm tra, thanh tra thuế sẽ không phát hiện được qua các báo cáo tài chính gian lận.
- Rủi ro kiểm tra, thanh tra (AR): là rủi ro mà các báo cáo tài chính gian lận được chấp nhận như các báo cáo tài chính trung thực.
Mỗi loại rủi ro được biểu hiện như một tỷ lệ phần trăm về khả năng xảy ra. Các loại rủi ro nêu trên, có mối quan hệ về toán học như sau:
AR = IR X CR X DR
Như vậy, rủi ro kiểm tra, thanh tra là một chuỗi rủi ro với các nhân tử từ rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro phát hiện mà trong quá trình kiểm tra, thanh tra người nộp thuế không được phát hiện.
28
Thường được tiến hành theo trình tự các bước sau:
Trước hết sử dụng các phương pháp phân tích để phát hiện và nhận dạng rủi ro từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp:
Phân tích theo chiều ngang: là phân tích diễn biến của từng chỉ tiêu (theo số tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ) trong bản cân đối kế toán, báo cáo thu nhập qua một số năm (thường là từ 3 đến 5 năm). Sự phân tích này cho thấy xu hướng biến đổi của từng chỉ tiêu qua các năm. Từ đó phát hiện những bất hợp lý hoặc những bất thường trong từng chỉ tiêu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra rủi ro về thuế.
Phân tích theo chiều dọc: là sự phân tích diễn biến của mỗi chỉ tiêu trong bản cân đối kế toán bằng tỷ lệ % trên tổng tài sản và diễn biến của mỗi chỉ tiêu trong báo cáo thu nhập bằng tỷ lệ % trên doanh thu. Phân tích theo chiều dọc có thể sử dụng cho một năm (biểu hiện quan hệ cơ cấu giữa các chỉ tiêu trong năm), có thể sử dụng cho một giai đoạn nhiều năm (biểu hiện xu hướng chuyển dịch cơ cấu giữa các chỉ tiêu qua các năm). Qua phân tích xu hướng biến đổi cơ cấu trong nhiều năm có thể xác định được các thay đổi căn bản trong xu thế, các bất hợp lý trong cơ cấu, trong từng chỉ tiêu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra rủi ro về thuế.
Phân tích tỷ suất là phân tích mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều mục trong báo cáo tài chính. Tỷ suất tài chính thường được phản ánh bằng tỷ lệ phần trăm hoặc số lần. Tỷ suất thường rất có ích khi so sánh chính người nộp thuế này qua các thời kỳ khác nhau hoặc so sánh cùng thời kỳ với các người nộp thuế khác hoặc số liệu chuẩn của ngành. Các tỷ suất thường được áp dụng: Các hệ số thanh khoản (đo lường khả năng đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn của công ty); Các tỷ suất sinh lời (đo lường khả năng quản lý trong kiểm soát chi phí và thu lợi nhuận đối với các nguồn lực dành cho kinh doanh); Các tỷ suất đòn bẩy (đo lường mức độ bảo hộ của việc cung cấp nguồn tài chính dài hạn và cũng là công cụ trợ giúp cho việc đánh giá khả năng của công ty trong việc huy động các khoản vay nợ bổ sung và năng lực trả nợ kịp
29
thời của công ty); Các tỷ suất hiệu quả (cung cấp thông tin về khả năng quản lý trong kiểm soát chi phí và thu lợi nhuận từ các nguồn lực dành cho kinh doanh); các tỷ suất về thuế (cung cấp thông tin về tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp).
Ngoài ra còn sử dụng phương pháp phân tích đồ thị (đồ thị hình sin, đồ thị hình khối, đồ thị hình tròn) để phân tích sự biến đổi của các chỉ tiêu theo số tuyệt đối và số tương đối và sự biến đổi của cơ cấu theo tỷ lệ. Từ đó nhận dạng các rủi ro về thuế có khả năng xảy ra.
Thứ hai là xếp hạng rủi ro: Sau khi phân tích và nhận dạng rủi ro, tiến hành xếp hạng rủi ro tổng thể và rủi ro từng hồ sơ doanh nghiệp:
Rủi ro tổng thể được xếp hạng theo nhóm gồm: Nhóm có rủi ro cao là các doanh nghiệp có một số chỉ tiêu phân tích biến đổi bất thường, hoặc lỗ kinh doanh và lỗ chuyển nhượng tài sản cao, hoặc tỷ trọng giao dịch giữa các bên liên kết cao, giá trị giao dịch lớn, đột biến, nhất là giao dịch quốc tế, hoặc có nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức...Nhóm có rủi ro trung bình là các doanh nghiệp có một số chỉ tiêu phân tích bất hợp lý nhưng không có sự biến đổi lớn, hoặc số lỗ chuyển sang kỳ sau không lớn, hoặc các giao dịch giữa các bên liên kết có giá trị không cao, hoặc doanh nghiệp được mua lại, sát nhập... Nhóm có rủi ro thấp là những doanh nghiệp không có sự biến động bất thường từ các chỉ tiêu phân tích, hoặc các giao dịch giữa các bên liên kết có giá trị thấp, hoặc số lỗ chuyển sang kỳ sau ít...
Rủi ro theo từng hồ sơ: Xếp hạng từng hồ sơ doanh nghiệp với những vi phạm rủi ro cụ thể, chi tiết theo mức độ rủi ro, loại rủi ro và tính chất rủi ro làm cơ sở cho việc kiểm tra ban đầu các rủi ro phát hiện.
Thứ ba kiểm tra rủi ro: Các doanh nghiệp được xếp vào các nhóm rủi ro đều phải tiến hành kiểm tra chi tiết các rủi ro đã phát hiện tại cơ quan thuế (kiểm tra tại bàn) trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin để đánh giá tính xác thực và mức độ của các rủi ro. Đặc biệt các doanh nghiệp đã được xếp loại vào đối tượng có độ rủi ro cao phải được tiến hành kiểm tra ở mức độ chi tiết, cụ thể hơn các rủi ro đã phát
30
hiện qua bước phân tích. Thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thu thập các thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến rủi ro phát hiện như: các hợp đồng, các chứng từ giao dịch, các thông tin về bảo hiểm xã hội, về giao dịch ngân hàng và các tổ chức tín dụng, về xuất nhập khẩu...Từ đó kiểm tra xác định mức độ của từng rủi ro và định lượng từng rủi ro để tiến hành các phương án xử lý trên cơ sở nguồn lực sẵn có.
Thứ tư lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra rủi ro tại doanh nghiệp: Các doanh nghiệp đã xác định được các rủi ro và định lượng được mức độ rủi ro cao hoặc trung bình đều phải đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Các nhóm phân tích tiếp tục tiến hành phân tích đánh giá tính xác thực và mức độ của các rủi ro đối với các doanh nghiệp đã lập kế hoạch trên cơ sở các thông tin tài liệu thu thập được từ bên ngoài hoặc trực tiếp làm việc với doanh nghiệp tại cơ quan thuế (kiểm tra tại bàn). Đối với các doanh nghiệp không giải trình được các nghi vấn trên thì tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp.
1.2.5.3 Công nghệ kiểm tra, thanh tra
Tất cả các công việc từ phân tích nhận dạng rủi ro, xếp hạng rủi ro, kiểm tra rủi ro đến việc thanh tra, kiểm tra rủi ro tại doanh nghiệp đều phải có sự hỗ trợ của công nghệ máy tính. Thực tế cho thấy, mức độ thành công của công tác kiểm tra, thanh tra theo kỹ thuật rủi ro phụ thuộc chủ yếu vào mức độ ứng dụng công nghệ máy tính hỗ trợ cho công tác kiểm tra, thanh tra. Các ứng dụng tin học hỗ trợ đều được xây dựng theo kiến trúc tin học dạng mở; tức hệ thống tin học cung cấp cơ sở dữ liệu tích hợp và các ứng dụng cơ bản làm công cụ tính toán và phân tích dữ liệu. Các ứng dụng hỗ trợ đều được xây dựng trên yêu cầu nghiệp vụ và kỹ thuật thanh tra, kiểm tra. Ứng dụng tin học hỗ trợ công tác kiểm tra, thanh tra thường gồm 3 phần: Ứng dụng chuyển đổi dữ liệu đầu vào – có các phần mềm cơ sở AutoImport, Monarch, Link and Load, Software Bridge...cho phép chuyển đổi dữ liệu đầu vào mà không bị sai lệch; Ứng dụng phân tích rủi ro – có các phần mềm cơ sở SAS, IDEA, ACL, Excel, Access, ASCII... sử dụng toán kinh tế và thống kê vào ứng dụng trong phân tích kinh tế, tài chính; Ứng dụng về truy tìm hoặc khôi phục chứng
31
từ điện tử dựa trên công nghệ truy tìm tội phạm trên mạng và công nghệ chống Hacker để khôi phục và truy tìm dữ liệu từ hệ điều hành.