2.1.3.1. Toà án giải thích pháp luật thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền
Toà án giải thích pháp luật được thể hiện rõ nét nhất qua các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối Cao, Thông tư liên tịch của Toà án nhân dân Tối Cao với các chủ thể khác theo thẩm quyền.
Mặc dù theo quy định của pháp luật, thì TANDTC không trực tiếp được giao quyền giải thích pháp luật, tuy nhiên, nếu theo dõi nội dung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền mà TANDTC ban hành, sẽ thấy trong các văn bản đó có nhiều nội dung nhằm diễn giải, “làm cho hiểu rõ pháp luật”. Nếu thừa nhận các “yếu tố” đó là giải thích pháp luật theo nghĩa rộng nhất của hoạt động này, thì có thể thấy, các nội dung giải thích pháp luật trong những văn bản trên của TANDTC là những nội dung hướng dẫn, quy định chi tiết tuy không phải là giải thích pháp luật chính thức (vì không có thẩm quyền) nhưng lại rất gần với giải thích pháp luật chính thức, cụ thể là giải thích pháp luật mang tính quy phạm, bởi Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC, Thông tư của TANDTC chính là các văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung, có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các chủ thể pháp luật khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thực tế cho thấy, do việc sử dụng ngôn ngữ trong các điều luật, do trình độ nhận thức, kinh nghiệm giữa các thẩm phán là khác nhau nên trước một điều luật có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng, thực hiện không thống nhất. Mà tình trạng trên không phải là ít nên nhất thiết Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải ban hành nghị quyết để hướng dẫn. Tại Điều 81 BLTTDS quy định về Chứng quy định:
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự [27].
Và Điều 83 quy định về việc Xác định chứng cứ. Để hiểu, thực hiện và áp dụng thống nhất các quy định này, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành nghị quyết hướng dẫn: Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng
Thẩm phán TANDTC tại Điều 3. Xác định chứng cứ quy định tại Điều 83 BLTTDS đã hướng dẫn như sau:
1.Theo quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì một trong những điều kiện của chứng cứ là phải được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định; do đó, việc giao nộp chứng cứ và việc thu thập chứng cứ phải thực hiện theo đúng quy định tại các điều luật tương ứng của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Để được coi là chứng cứ quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng cứ cụ thể như sau:
a) Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao.
b) Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.
Ví dụ 1: Trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Toà án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.
Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thoả thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Toà án. Trong trường hợp này,
cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.
c) Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc dân sự; nếu không phải là hiện vật gốc hoặc không liên quan đến vụ việc thì không phải là chứng cứ trong vụ việc dân sự đó.
d) Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình và được xuất trình theo đúng thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 83 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên toà.
đ) Kết luận giám định, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục quy định của Luật Giám định tư pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và hướng dẫn tại Điều 10của Nghị quyết này.
e) Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, nếu việc thẩm định tại chỗ được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại Điều 89 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 9 của Nghị quyết này.
g) Tập quán, nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận. Cộng đồng là tập thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội tại nơi có tập quán.
Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng.
Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại;
Tập quán thương mại quốc tế là thông lệ, cách làm lặp đi, lặp lại nhiều lần trong buôn bán quốc tế và được các tổ chức quốc tế có liên quan thừa nhận;
Chỉ chấp nhận tập quán không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đối với những vấn đề mà đương sự viện dẫn tập quán nhưng đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định, thì Toà án phải áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết mà không áp dụng tập quán.
Ví dụ: Trong một số đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán khi người mẹ chết, chỉ các con gái có quyền, còn các con trai không có quyền hưởng phần di sản của người mẹ quá cố để lại. Trong vụ tranh chấp di sản thừa kế do người mẹ để lại, nếu người con gái viện dẫn tập quán đó để bác bỏ quyền thừa kế của các thừa kế là con trai, thì tập quán này không được chấp nhận. Vì đây là tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xoá bỏ theo quy định tại phụ lục B “Danh mục phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình của các dân tộc bị nghiêm cấm áp dụng hoặc cần vận động xoá bỏ” ban hành kèm theo Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27-3-2002 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình đối với các dân tộc thiểu số.
h) Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản nếu việc định giá tài sản được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại Điều 92 của BLTTDS.
3.Đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trong trường hợp đương sự chưa dịch chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp, thì Toà án không nhận chứng cứ đó. Toà án giải thích cho đương sự biết là họ phải tiến hành việc dịch chứng cứ sang tiếng Việt và làm thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực [40]. Tòa án nhân dân Tối cao ban hành các nghị quyết chính là việc giải thích pháp luật. Tuy nhiên, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng như các thông tư mà Tòa án Tối cao tham gia ban hành chỉ nhằm một mục đích là nói rõ hơn các quy định đã có trong luật, giải thích cụ thể hơn các bước phải làm hay nội dung cụ thể bằng cách liệt kê khi áp dụng một điều luật chung nào đó của một bộ luật hay luật có liên quan.
Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân Tối cao chính là việc giải thích pháp luật. Bởi vì các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cũng như các thông tư mà Tòa án Tối cao tham gia ban hành chỉ nhằm một mục đích là nói rõ hơn các quy định đã có trong luật, giải thích cụ thể hơn các bước phải làm hay nội dung cụ thể bằng cách liệt kê khi áp dụng một điều luật chung nào đó của một bộ luật hay luật có liên quan.
Các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã đi vào cuộc sống. Tính từ năm 1986 là năm đầu tiên thi hành BLHS năm 1985 ở nước ta đến hết năm 2011, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành 37 Nghị quyết để hướng dẫn các cấp Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Các nghi quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng trong công tác xét xử của Tòa án là việc nhận thức pháp luật cũng như việc áp dụng pháp luật thống nhất khi giải quyết các vụ án đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc nhận thức pháp luật không đúng.
Các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao còn đạt được kết quả ngoài sự mong muốn: các nghị quyết còn được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở các trường đại học, Học viện tư pháp... ví dụ như khi giảng về chế định án treo, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… (Nghị quyết 01 ngày 18/10/1990 và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007). Ví dụ 2: Trong Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính đều quy định: bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp dưới mà vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì bị hủy theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Các giảng viên đã sử dụng Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 để giải thích thế nào là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và thế nào là “vi phạm không nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Có những hướng dấn trong nghị quyết được nâng cấp pháp luật hóa trở thành những điều luật trong Bộ luật: Tòa án xác định mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm bị người khác xâm phạm, gây ra thiệt hại cho nạn nhân. Các hướng dẫn này trong Nghị quyết 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của HĐTP TAND Tối cao đã được quy định tại các Điều 609, 610, 611 và Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006.
2.1.3.2. Toà án giải thích pháp luật thông qua các văn bản khác của Toà án trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình
Một trong những loại văn bản hay chứa đựng các nội dung “giải thích pháp luật” của tòa án trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Trong loại văn bản áp dụng pháp luật này, TANDTC đã tiến hành giải thích pháp luật qua việc nhận định, lập luận về các quy phạm pháp luật liên quan để phục vụ cho việc ra phán quyết của tòa án.
Ví dụ: Tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2005/HC-GĐT ngày 27/3/2005 về việc vụ án tịch thu hành chính của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã đưa ra một nhận định, được tóm tắt: Theo Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính của UBTVQH năm 2002, có quyền tịch thu đối với phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, ngay cả trường hợp phương tiện đó thuộc sở hữu của người không vi phạm. Quyết định giám đốc thẩm này đã giải thích rõ hơn Điều 17, đó là “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là việc sung vào công quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng hợp pháp”
Giải thích pháp luật của Tòa án còn thể hiện trong các Báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm của Tòa án nhân dân Tối cao.
Báo cáo công tác xét xử hàng năm của các Tòa thuộc TANDTC chính là những đúc kết kinh nghiệm trong quá trình xét xử hàng năm của Tòa. Trong quá trình thực hiện chức năng xét xử của mình, các Tòa thuộc TANDTC, với tư cách là các tòa chuyên trách đầu ngành thường xuyên tiến hành hoạt động giải thích pháp luật thông qua việc xét xử, giải quyết các vụ việc của mình. Và các vụ việc do tòa án đã giải quyết cũng như các cách giải quyết, các hướng giải quyết hoặc các vấn đề còn chưa thống nhất trong quá trình xét xử mỗi năm đều được các Tòa thuộc TANDTC tổng kết lại trong các Báo cáo Tổng kết công tác xét xử để báo cáo lên cấp trên là TANDTC nhằm đạt đến sự thống nhất áp dụng pháp luật trong hệ thống tòa án. Những lập luận, diễn giải nhằm xác định chính xác các quy phạm pháp luật, nhằm làm cho hiểu rõ pháp luật khi tổng kết các vụ việc đã được tiến hành trong năm, hoặc bày tỏ quan điểm đối với các cách giải quyết những vụ việc pháp lý cụ thể, hoặc đưa ra phương thức xử lý vấn đề còn đang tồn đọng, đang tranh luận, hoặc đang chờ sự quyết định từ phía TANDTC… chính là những biểu hiện rõ nét của việc giải thích pháp luật trong năm đó của các Tòa trong quá trình hoạt động. Mảng giải thích pháp luật này của Tòa án, mặc dù về lý thuyết, không phải là giải thích pháp luật chính thức, không có giá trị bắt buộc phải áp dụng, vị trí của nó chỉ là các Báo cáo – một loại văn bản không có hiệu lực pháp lý, nhưng trong thực tế nó đã có ảnh hưởng mạnh đến việc thực thi và áp dụng pháp luật của các chủ thể liên quan, nhất là các tòa án cấp dưới, đồng thời, nó cũng phần nào có tác động mang tính định
hướng cho TANDTC khi ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc khi trả lời bằng công văn khi các Tòa chuyên trách thuộc TANDTC xin ý kiến.