lợi ích chung của cả ASEAN, có như vậy thì việc bổ sung hay đưa ra một cơ chế mới cho việc giải quyết tranh chấp mới có hiệu quả.
Việc tăng cường đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ phục vụ cho công tác giải quyết tranh chấp cũng hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này. Thực tế cho thấy, đã có nhiều học giả, viện sĩ và các chính trị gia từ các quốc gia ASEAN đã được đào tạo trong các cơ sở hàng đầu trên thế giới. ASEAN cũng đã tập trung sự chú ý và nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông thôn và đào tạo khác liên quan đến cơ sở, kiến thức và công nghệ trong khu vực và hợp tác với các đối tác đối thoại của nó và các tổ chức quốc tế. Thêm vào đó, ASEAN đã thành lập mạng lưới trường đại học hàng đầu của ASEAN để góp phần hướng tới phát triển nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt coi trọng việc đào tạo sử dụng thành thạo các kỹ năng tiếng Anh, bởi đây là điểm còn hạn chế của thành viên cơ quan giải quyết tranh chấp đến từ các nước ASEAN. Mạng lưới này cần phải được thúc đẩy thông qua việc trao đổi sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu, hội thảo cũng như các học bổng và các chương trình học bổng.
Cũng cần phải nâng cao nhận thức chung của các nước thành viên ASEAN trong việc lựa chọn và thi hành các phán quyết giải quyết tranh chấp. Cần phải hiểu rõ rằng, ASEAN luôn đảm bảo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền các nước. Và khi một phán quyết được đưa ra, các bên tranh chấp buộc phải thi hành, quốc gia đã vi phạm buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, đưa các biện pháp không phù hợp trở thành phù hợp với thỏa thuận đó. Nói một cách khác, bên thua kiện phải từ bỏ một số quyền của mình để thực hiện phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp. Các quốc gia này không thể viện dẫn rằng các thủ tục loại này xâm phạm chủ quyền quốc gia của mình khi họ buộc phải thực hiện theo khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp. Họ cần phải hiểu rằng đây là sự tất yếu của việc chấp nhận bị ràng buộc bởi các sản phẩm của các cuộc đàm phán của chính họ. Điều này sẽ tránh trường hợp, quốc gia là một bên tranh chấp lợi dụng quá mức tính chủ quyền quốc gia để không tuân thủ phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp.60
Duy trì yếu tố đa dạng về các cơ chế giải quyết tranh chấp trên tất cả các lĩnh vực đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN. Cụ thể hóa hơn nữa các quy định trên và đưa nó vào thực tế, bởi tính hiệu quả của một cơ chế giải quyết tranh chấp chỉ được phân tích và suy đoán trên cơ sở lý thuyết thì không thể đảm bảo rằng nó sẽ đạt được hiệu quả trên thực tế. Hơn nữa, những yếu tố được cho là hạn chế trong cơ chế này, khi được sử dụng trên thực tế, nó có thể sẽ được sửa đổi và khắc phục cho phù hợp. Việc sử dụng nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN vẫn phải được tiếp tục, bởi lẽ nguyên tắc này tạo nên một hình ảnh đẹp về ASEAN “thống nhất trong đa dạng”. Tuy vậy, cũng cần nhận thấy được sự thay đổi phù hợp của Hiến chương ASEAN khi ghi nhận một cách sử dụng linh hoạt nguyên tắc đó.
Bên cạnh việc tích cực tăng cường và hoàn thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp chính thức hiện có, ASEAN cũng cần phát huy vai trò của các diễn đàn khu vực (như Diễn đàn an inh khu vực – ARF). Thông qua ARF, các nước ASEAN sẽ tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và với các nước khác trên thế giới, từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế, ngăn ngừa các tranh chấp, bất đồng có thể phát sinh.
*****
Mặc dù đã xây dựng được cơ chế giải quyết tranh chấp với đầy đủ các nội dung như cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự thủ tục giải quyêt tranh chấp và các phán quyết cũng như biện pháp bảo đảm thi hành việc giải quyết tranh chấp, nhưng đến nay, ASEAN vẫn chưa tạo dựng được một hệ thống giải quyết các tranh chấp, bất đồng mang nét đặc thù, là của riêng ASEAN và phù hợp với ASEAN. Bởi vâỵ, dù là Hiến chương được ghi nhận lại một cách chính thức nhưng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp ước Bali năm 1976, Tuyên bố Bali năm 2003 vẫn cần được sửa đổi, bổ sung hơn nữa để hoàn thiện và hiệu quả. Những kiến nghị dựa trên việc hòa thiện hai vấn đề cơ bản về tính pháp lý và tính thực tiễn của cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ góp phần khắc phục những hạn chế và nâng cao tính hiệu quả, khả năng áp dụng của hệ thống pháp luật giải quyết tranh chấp hiện có.
KẾT LUẬN
Mục đích chính của ASEAN từ khi thành lập là thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Hòa bình giải quyết tranh chấp là nguyên tắc xuyên suốt trong việc giải quyết các bất ổn khu vực từ khi thành lập ASEAN đến nay. Các quốc gia trong ASEAN đã tự xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị riêng, nhằm đảm bảo giải quyết các tranh chấp xảy ra trong hòa bình và hữu nghị.
Xuất phát từ tính cấp thiết của đề tài, bài khóa luận đã đi vào phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị trong ASEAN hiện nay. Trong nội dung bài viết, khóa luận đã nêu được lịch sử hình thành, các nguyên tắc và biện pháp giải quyết tranh chấp cũng như phân tích cơ quan và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị trong ASEAN. Từ đó, bài khóa luận đã đưa ra các ưu điểm đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại của cơ chế này.
Từ những hạn chế còn tồn tại, tìm về căn nguyên của mọi vấn đề, bài khóa luận đã cho thấy ASEAN hiện nay cần tập trung hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị trên hai vấn đề chính: thứ nhất là cần phải tiếp tục hoàn thiện về mặt pháp lý các văn kiện điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp, trong đó cần tính đến cả việc sửa đổi, bổ sung hoặc tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp
mới. Tiếp đó là vấn đề hoàn thiện về tính thực tiễn của cơ chế giải quyết tranh chấp, trước hết, cần tìm ra một biện pháp thích hợp, dung hòa lợi ích giữa các quốc gia trong khu vực và dung hòa lợi ích của từng quốc gia với lợi ích chung của cả ASEAN. Hơn nữa, ASEAN cần tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hành động cụ thể nhằm đưa các quy định vào giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị trong ASEAN. Ngoài ra, việc cần thiết hiện nay là tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ phục vụ cho công tác giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị cũng như nâng cao nhận thức chung của các nước thành viên ASEAN trong việc lựa chọn và thi hành các phán quyết giải quyết tranh chấp…
Với những phân tích và kiến nghị trong bài khóa luận hi vọng sẽ góp phần nào đó nhằm hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp an ninh – chính trị, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho việc xây dựng thành công một ASEAN hòa bình và ổn định.