Có ý thức tôn trọng tự nhiên, tham gia bảo vệ và cải tạo tự nhiên Việt Nam và địa phương
II. NỘI DUNG
4.1. Lịch sử khai thác tự nhiên của con người Việt Nam
- Lãnh thổ Việt Nam đã sớm ổn định về mặt tự nhiên và được cha ông ta khai thác từ lâu đời. - Những dấu ấn khai thác đó không chỉ in hằn lên sự thay đổi tự nhiên ngày nay mà còn biểu hiện sắc nét qua những kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự nhiên; qua những câu ca dao, tục ngữ, câu ca... về kinh nghiệm trong cải tạo và sự dụng tự nhiên.
- Ở góc độ văn hóa, lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời phản ánh qua các kho tàng văn hóa lễ hội, những thần tích gắn liền với các thành phần của tự nhiên như thần sông, thần núi...
- Theo tiến trình mở mang bờ cõi nước ta, phần phía Bắc được khai thác lâu đời trải qua hàng nghìn năm, còn phần phía nam lãnh thổ mới chỉ khai thác từ hơn 300 năm trở lại đây.
- Chủ thể khai thác lãnh thổ tự nhiên Việt Nam là người Việt, tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử nên đã có một thời gian chịu sự đô hộ của ngoại quốc đã tác động một phần không nhỏ vào sự biến đổi các tài nguyên thiên nhiên nước ta.
- Ngày nay, trong xu hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và chiến lược phát triển bền vững, vấn đề sử dụng hợp lý và mang tính bền vững đối với tài nguyên thiên nhiên nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thích đáng, coi đó là một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững.
4.2. Những vấn đề cơ bản trong khai thác thiên nhiên
Hiện nay thiên nhiên Việt Nam đang tồn tại những vấn đề sau:
+ Sự suy thoái tự nhiên có quy mô lớn nhất và tác hại lớn nhất là sự suy thoái rừng. + Sự bạc màu của đất đai, sự giảm sút diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất lúa.
+ Sự điều tiết có hiệu quả nguồn nước đang có chiều hướng thiếu hụt và ô nhiễm, nhất là vào mùa khô.
+ Sự ô nhiễm môi trường đô thị gia tăng làm suy giảm chất lượng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước và khí hậu.
+ Sự giảm sút tài nguyên biển và ô nhiễm môi trường biển, chủ yếu tại vùng ven biển và biển nông.
4.3. Phương hướng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững
Phương hướng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững hiện nay chính là vấn đề phát triển kinh tế - sinh thái bền vững nhằm giải quyết tốt 5 vấn đề trên để cải tạo tự nhiên Việt Nam:
- Lâm nghiệp sinh thái: bảo vệ và phát triển vốn rừng, để không ngừng nâng cao khả năng cung ứng các nhu cầu kinh tế - xã hội về lâm sản các loại, đồng thời duy trì tính đa dạng sinh học và nguồn gen mà thực vật rừng là nền tảng.
- Nông nghiệp sinh thái: đảm bảo chất lượng nông sản và chất lượng môi sinh mà vẫn duy trì năng suất và sản lượng cao. Cơ sở của nó là dựa vào các mối quan hệ giữa các loài thực vật, động vật có ích và vi sinh vật cũng như quan hệ giữa sinh vật với môi trường địa lý. Như thế nông nghiệp sinh thái sẽ tạo ta các hệ sinh thái nông nghiệp nhân sinh ổn định và bền vững, có sự cân bằng giữa các thành phần của tự nhiên.
- Công nghiệp sinh thái: nhiệm vụ của nó là giải quyết sự phân bố bất hợp lý của các xí nghiệp công nghiệp, đồng thời đưa ra các biện pháp cụ thể để kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm. Việc phân bố hợp lý phụ thuộc vào quy hoạch các đô thị và các khu công nghiệp.
- Đô thị sinh thái: xây dựng đô thị sinh thái không chỉ chú ý đến bảo vệ môi trường và chống ô nhiễm môi trường, mà chủ yếu là đặt toàn bộ đô thị với các chức năng của nó vào trong hệ địa sinh thái và hệ kinh tế - sinh thái như là một bộ phận hữu cơ, hài hòa, cân bằng.
- Kinh tế sinh thái biển: phải nghiên cứu những đặc trưng sinh học của các sinh vật biển đa dạng sống ở nơi đó, để tìm ra mô hình khai thác mang tính khoa học ở những nơi đó, để tìm ra những mô hình khai thác mang tính khoa học đem lại năng suất cao và giữ được môi trường sạch, ổn định, cân bằng. Ngoài ra, phải xây dựng cả những vườn quốc gia, những khu bảo tồn tự nhiên tại một số đảo, các rạn san hô và các vùng cửa sông, các rừng ngập mặn, các đầm phá để nghiên cứu định vị, thường xuyên và liên tục.
Hướng kinh tế sinh thái biển chính là hướng khai thác tổng hợp, đa mục tiêu, đa loài, đa phương tiện, mở rộng ra mọi vùng sinh thái đi đôi với tăng cường các phương tiện bảo quản, chế biến để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.
THỰC HÀNH (1 tiết)
1. Xác định trên bản đồ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam. Xác định tầm quan trọng của mỗi khu bảo tồn đó đối với khu địa lý tự nhiên cũng như của Việt Nam.
2. Phân tích một số bảng số liệu về biến động tài nguyên đất, rừng của Việt Nam. Từ đó cho nhận xét và giải thích về sự biến động đó.
THẢO LUẬN (1 tiết)
Những vấn đề phát triển bền vững về môi trường sinh thái của Việt Nam hiện nay
KIỂM TRA (1 tiết)
TÀI LIỆU HỌC TẬP CHƯƠNG 4
[1] Vũ Tự Lập (1995), Địa lí tự nhiên Việt Nam (phần khái quát), Trường ĐHSP Hà Nội I, [2] Vũ Tự Lập (1999), Địa lí tự nhiên Việt Nam, Trường ĐHSP Hà Nội
[3] Đặng Duy Lợi (2005), Địa lý tự nhiên Việt Nam, tập 1, NXB ĐHSP [3] Vũ Tự Lập (1983), Phân vùng địa lí tự nhiên Việt Nam, NXB KHKT [4] Lê Bá Thảo (1977), Thiên nhiên Việt Nam, NXB KHKT Hà Nội
[5] Lê Văn Khoa (2010), Môi trường và phát triển bền vững, Nxb Giáo dục
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 4
1. Trình bày những vấn đề cơ bản trong khai thác tự nhiên của Việt Nam hiện nay. Liên hệ thực tiễn với địa phương của anh (chị).
2. Trình bày những phương hướng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững hiện nay của Việt Nam.
MỤC LỤC