Khu Tây Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG HỌC PHẦN ĐỊA LÝ VIỆT NAM 1 (Trang 43)

- Là đồng bằng phù sa mới có diện tích gần 40.000 km2 với gần 20 triệu dân, bao gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ

- Cách đây 4500 năm biển còn vào tận Đồng Tháp Mười và gần hết châu thổ còn dưới nước biển. Khoảng 2000 năm sau mực nước biển rút và sự bồi lắng phù sa của sông Mê Công, mặt đồng bằng đã có độ cao 2m.

- Hiện nay châu thổ vẫn tiếp tục mở rộng về phía tây nam, Bán đảo Cà Mau mỗi năm tiến ra biển 60-80m tượng đương với 200ha/năm. Còn phía đông bắc không phát triển do sức bồi đắp yếu của sông Vàm Cỏ và dòng hải lưu phía bắc.

Hàng năm nước sông mùa lũ vẫn tràn bờ làm ngập khoảng trên 1 triệu ha khi nước rút để lại một lượng phù sa lớn bồi lấp tiếp các vùng trũng trong lòng đồng bằng.

Địa hình

Địa hình thấp và bằng phẳng, độ dốc khoảng 1cm/km. Những phát hiện gần đây cho thấy phía tây bắc đồng bằng tức vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và dọc bờ sông Tiền đang có xu hướng nâng lên rõ rệt trong khi vùng kế cận tức vùng duyên hải phía nam Tứ giác Long Xuyên đang có xu hướng lún xuống. Hệ quả của vận động này là vùng ĐTM có xu hướng cạn khô và nước sông Tiền dồn nhiều hơn sang sông Hậu qua sông Vàm Nao.

Khí hậu

- Có khí hậu gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trung bình năm của khu là 27-28 0C, biên độ nhiệt năm thường dưới 5 0C, còn biên độ ngày đêm lại rất cao từ 8- 110C. Đây là một thuận lợi cơ bản khiến cho khu đồng bằng sông Cửu Long tạo năng suất sinh khối cao.

- Nét nổi bật về khí hậu của khu là sự khác biệt giữa hai mùa mưa và khô. Do hệ quả của hoàn lưu gió mùa. Đồng bằng chia làm hai mùa tương phản nhau một cách sâu sắc, thể hiện chủ yếu ở việc so sánh cán cân ẩm của từng mùa. 90% lượng mưa hàng năm, 70-80% nước sông tập trung vào gần một nửa thời gian trong năm làm thay đổi hẳn bộ mặt của đồng bằng.

Mùa mưa lũ của đồng bằng nước ngập mênh mông một phần ba diện tích, đẩy lùi ranh giới mặn ra sát biển, nhờ vậy trên 1,5 triệu ha đất phèn và đất mặn trở thành phèn ít và mặn ít, có thể trồng trọt được..

- Khác với sự ổn định của chế độ nhiệt và bức xạ, chế độ mưa của đồng bằng rất không ổn định. Ngay trong mùa mưa cũng xen kẽ nhiều ngày không mưa gây nên tình trạng khô hạn. Hạn thường xảy ra nhiều nhất ở vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Mộc Hoá, Tân An.

Thuỷ văn

Thuỷ chế sông Mê Công quyết định nhịp điệu canh tác và sinh hoạt của nhân dân đồng bằng châu thổ. Lũ sông Mê công khá điều hoà, nước lên từ từ và đạt cực đại vào tháng 9 và 10, nước cạn nhất vào tháng 4. Việc sống chung với lũ và khai thác có hiệu quả đồng bằng sông Cửu Long đang là vấn đề cấp bách.

Thổ nhưỡng

- Đất phù sa mới, chịu ảnh hưởng mạnh của nước biển và chế độ lũ lụt thường xuyên nên đất đai ở đồng bằng sông Cửu long rất phức tạp.

- Các vùng đất phèn rộng lớn là Đồng Tháp Mười, U Minh, Tứ giác Long Xuyên. Mùa mưa nước xâm nhập sâu vào trong đất liền đến 40-50km làm nhiễm mặn nặng đất phù sa và tạo thành lớp sét chứa lưu huỳnh ở nhiều lạch triều dưới rừng ngập mặn.

- Đồng bằng sông cửu Long tuy không có đê ngăn lũ nhưng khi có lũ thì các vùng trũng rộng lớn đã đầy nước mưa làm cho nước sông có phù sa không tiến xa để bồi lấp các vùng trũng, hơn thế do nước nhiễm phèn đã có tác dụng làm lắng đọng phù sa khá nhanh trong hệ thống sông và kênh rạch.

- Sự tương phản giữa hai mùa mưa và khô cúng làm cho đất biến động rất nhanh. Nhóm đất chứa nhiều muối hoà tan như đất mặn đất phèn, khi có mưa lũ tràn về được ngọt hoá, trở nên mặn ít.

- Các nhóm đất chính:

+ Nhóm đất phèn: khoảng 1,6 triệu ha. Phân bố ở Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... + Nhóm đất mặn: khoảng 744.000 ha với loại cây sú vẹt điển hình.

+ Nhóm đất phù sa: khoảng 1,2 triệu ha, phân bố dọc sông Tiền và sông Hậu. + Nhóm đất xám: 134.000 ha, phân bố ở rìa đồng bằng.

THỰC HÀNH

1. Xác định ranh giới tự nhiên của 11 khu địa lý tự nhiên. Kẻ bảng thống kê đặc điểm chung, đặc điểm các thành phần tự nhiên của từng khu.

2. Tập phân tích đặc điểm tự nhiên của các khu địa lý tự nhiên dựa trên Atlat Địa lý Việt Nam và Bản đồ treo tường.

3. Vẽ một số biểu đồ khí hậu của các khu địa lý tự nhiên.

THẢO LUẬN

1. Theo anh (chị) sự phân hóa lãnh thổ về mặt tự nhiên Việt Nam phụ thuộc vào các nguyên nhân nào? Hãy phân tích các nguyên nhân đó đối với sự phân hóa.

2. Hãy thử chỉ ra một nét đặc sắc nhất về tự nhiên của mỗi một khu địa lý tự nhiên.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG HỌC PHẦN ĐỊA LÝ VIỆT NAM 1 (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(47 trang)
w