Quyền công dân là cơ sở chủ yếu để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở cho mọi quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân. Quyền công dân là những quyền mà Nhà nước trao cho cá nhân mang quốc tịch nước mình. Hiến pháp năm 1992 quy định rất nhiều quyền của công dân về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội như: Quyền bầu cử, ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quyền
tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do khiếu nại, tố cáo v.v… Nhưng nội dung của hình phạt tước một số quyền công dân chỉ là tước bỏ một hoặc một số quyền về chính trị cơ bản của người phạm tội, đó là:
- Tước quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, tức là việc Toà án không cho người bị kết án sử dụng quyền ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, vì Điều 83 và Điều 119 Hiến pháp năm 1992 quy định, cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
- Tước quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước, tức là Toà án không cho người bị kết án vào làm việc trong bất cứ cơ quan nhà nước nào từ trung ương đến địa phương, họ không được trở thành cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, bao gồm cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp. Họ không được tham gia làm việc trong các cơ quan này ở dưới bất kỳ hình thức nào (cán bộ, công chức, nhân viên hợp đồng…).
-Tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, tức là Toà án không cho người bị kết án làm việc trong các đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Theo điều 39 BLHS, các điều kiện để áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân là:
a, Hình phạt này chỉ được áp dụng đối với bị cáo là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên. Hình phạt này không được áp dụng đối với bị cáo là người nước ngoài, người không quốc tịch.
b, Hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù về một trong những tội xâm phạm ANQG (chương XI) hoặc một số tội phạm khác trong những trường hợp điều luật về tội phạm đó có quy định.
Theo Điều 92 BLHS, tước một số quyền công dân được tuỳ nghi áp dụng đối với các tội phạm ANQG, nên khi quyết định hình phạt, Toà án cần
phải cân nhắc kỹ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và yêu cầu của phòng ngừa tái phạm. Nhìn chung, hình phạt này chỉ áp dụng đối với người bị kết án, nếu các tình tiết của vụ án và nhân thân của họ cho thấy rõ nguy cơ là người đó trong tương lai sẽ sử dụng các quyền chính trị của mình, bao gồm các quyền quy định tại Điều 39 BLHS để tiếp tục phạm tội mới. Ngoài các tội xâm phạm ANQG, Điều 39 BLHS hiện hành có quy định hình phạt này còn được áp dụng đối với các tội phạm khác, tức là các tội phạm cụ thể quy định tại các chương khác trong phần các tội phạm BLHS. Nhưng khi nghiên cứu các chương khác của Phần các tội phạm của BLHS lại cho thấy không có một điều luật về tội phạm và hình phạt nào cho phép áp dụng hình phạt này, Như vậy, đã có sự đồng bộ trong các quy định tại Phần chung và Phần các tội phạm BLHS liên quan đến hình phạt tước một số quyền công dân. Theo nguyên tắc pháp chế, hình phạt này chỉ được phép áp dụng nếu điều luật về tội phạm và hình phạt có quy định. Cho nên, đối với tất cả những trường hợp bị cáo bị tuyên phạt về loại HPC nào, mức án là bao nhiêu về một trong các tội phạm được quy định trong các chương khác ở Phần các tội phạm BLHS, tức là ngoài chương XI quy định về các tội xâm phạm ANQG, đều không được phép áp dụng kèm theo hình phạt tước một số quyền công dân với tính chất là một loại HPBS.
Khi quyết định tước một số quyền công dân với bị cáo phạm một trong những tội xâm phạm ANQG, Toà án phải căn cứ vào những quy định của BLHS, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS cũng như yêu cầu phòng ngừa tái phạm mà quyết định tước một hay nhiều quyền công dân được quy định tại Điều 39 BLHS và ấn định thời hạn tước quyền công dân từ 1 đến 5 năm.
Trong bảng thống kê số liệu của TANDTC từ năm 2004 đến 2008 chỉ có năm 2005 và 09 tháng đầu năm 2006 có tách số liệu thống kê hình phạt tước một số quyền công dân riêng nên việc nghiên cứu phân tích hình phạt này, chưa có thể dựa vào số liệu thống kê ít ỏi này. Trong số 07 bị cáo bị áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân năm 2005, có 03 bị cáo phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 04 bị cáo phạm tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng. Năm 2006 có 91 bị cáo bị tước quyền công dân, trong đó có 61 bị cáo phạm tội về ma túy, 28 bị cáo phạm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, 01 bị cáo phạm tội giết người, 01 bị cáo phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Như vậy, trong tất cả các trường hợp bị cáo bị áp dụng hình phạt tước quyền công dân nêu trên, không có trường hợp nào phạm các tội mà điều luật về tội phạm ấy có quy định hình phạt không tước tự do này.