Về tính khả thi của di chúc miệng

Một phần của tài liệu Thừa kế theo di chúc trong Bộ luật dân sự nước CHDCND Lào (Trang 68)

5. Kết cấu đề tài

3.1.4. Về tính khả thi của di chúc miệng

Mặc dù quy định về di chúc miệng trong Luật thừa kế năm 2008 hiện hành tương đối chặt chẽ, nhưng trên thực tế, việc áp dụng nó lại gặp phải nhiều vấn đề bất cập. Đa phần trong các bản án liên quan đến di chúc miệng đều bị tuyên vô hiệu bởi nó không đáp ứng một cách đầy đủ, trọn vẹn các yêu cầu để di chúc miệng hợp pháp.

Thứ nhất, vấn đề người làm chứng di chúc miệng cũng đồng thời là người viết hộ di chúc.

Thứ hai, người làm chứng hoàn toàn có khả năng thay đổi di chúc, sửa di chúc, ghi sai di chúc và giả mạo di chúc.

Với quy định về vai trò quá lớn của người làm chứng cũng đã vô tình tạo ra kẽ hở cho những người cố ý làm giả di chúc. Ví dụ: người thừa kế có thể ngụy tạo ra di chúc miệng bằng cách thuê mướn, mua chuộc người làm chứng lập ra một biên bản giả mạo, ghi sai lời trăn trối của người chết, rồi tự nhận đó là di chúc miệng của người để lại di sản và đưa đến cơ quan có thẩm quyền để công chứng, chứng thực di chúc giả đó. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền công chứng, chứng thực di chúc miệng cũng không thể biết chắc biên bản do những người làm chứng xuất trình có đúng là lời trăn trối cuối cùng và đích thực là của người đã chết hay không. Hơn nữa, họ cũng

không có cơ chế nào để kiểm tra tính xác thực về nội dung của biên bản do người làm chứng xuất trình, nhưng cũng không thể bác bỏ biên bản đó, nếu biên bản đó là di chúc giả. Có thể nói, quy định về thủ tục lập di chúc miệng của pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều chỗ sơ hở, rất dễ bị lợi dụng để giả mạo di chúc, và cũng không an toàn pháp lý đối với công chứng viên và các bên liên quan.

Khi xã hội ngày một hiện đại và thay đổi lớn, kéo theo đó, thực tế cũng bị xáo trộn và thay đổi rất nhiều. Chính vì vậy mà pháp luật khi áp dụng vào thực tế có nhiều điều chưa hợp lý. Vì vậy, đòi hỏi các nhà làm luật phải dõi theo những chuyển biến của xã hội để có thể sửa luật một cách phù hợp, chính xác và kịp thời nhất.

Việc lập di chúc miệng trong những trường hợp cấp bách có một ý nghĩa rất quan trọng. Thừa nhận di chúc miệng, là pháp luật đã thể hiện sự công bằng, tôn trọng quyền thừa kế, quyền lập di chúc của công dân. Tuy nhiên, giả sử một trường hợp đặt ra, nếu những người làm chứng không biết chữ, không viết được, khi ấy làm sao để chứng minh di chúc miệng, làm sao ghi lại ý nguyện của người di chúc miệng?

Một vấn đề nữa là việc quy định cách thức lập di chúc bằng miệng cũng làm giảm tính khả thi của loại hình thừa kế này. Pháp luật thừa kế của Lào quy định nếu người lập di chúc bằng miệng vì lý do sức khỏe không viết được thì phải có ít nhất trước mặt ba người, người đó để lại di chúc bằng miệng, sau đó ba người này phải chạy đến cơ quan, làng bản thông báo để cơ quan, làng bản biết, đồng thời nêu lý do người đó không thể lập di chúc bằng văn bản [18, Đ28]. Đây quả là một quy định còn mang tính rườm rà. Vì thực tế người sắp chết nói được trước mặt ba người làm chứng nhiều khi không có tính khả thi. Mặt khác, việc đòi hỏi ba người đó phải báo ngay cho cơ quan, làng bản biết làm mất thời gian mà lại không mang tính pháp lý cao. Nếu vì lý

do nào đó, cơ quan làng bản không ghi lại những điều ba người làm chứng nói hay trên đường ba người làm chứng tới cơ quan làng bản có thể xảy ra một vụ tai nạn thì di chúc bằng miệng đó của người kia có thực hiện được không vì không có gì làm bằng chứng cả. Thay vì quy định như vậy, tại sao cơ quan lập pháp không quy định ba người đó sẽ viết bằng văn bản lời của người chết và đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chứng thực. Quy định này trong luật thừa kế của Lào mang tính hơi đậm chất tập quán, làm mất đi tinh thần pháp chế hóa các quy định theo tiến trình xã hội hiện đại hóa đất nước.

Hình thức di chúc miệng vốn là một trong những tập quán hình thành từ lâu đời của nhân dân Lào. Đó là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của mình cho người khác sau khi chết. Cho tới nay pháp luật Lào vẫn ghi nhận thừa kế theo hình thức di chúc miệng. Tuy nhiên, đây là hình thức di chúc được thực hiện "bằng lời nói" nên thực tế rất khó khăn cho việc ghi nhận sự thật cũng như xác định tính khách quan của di chúc. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn kịp thời về hình thức di chúc này, người viết lại di chúc miệng, trách nhiệm của người mang di chúc miệng đi công chứng, chứng thực nhằm đảm bảo tính khả thi của hình thức thừa kế theo di chúc.

Một phần của tài liệu Thừa kế theo di chúc trong Bộ luật dân sự nước CHDCND Lào (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)