VẤN ĐỀ ĐỊNH NGHĨA TRUYỆN CỔ TÍCH

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam Phần 1 - Trần Tùng Chinh (Trang 33)

Có một một thực tế mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận, đó là sự phức tạp trong việc đưa ra một định nghĩa khoa học về thể loại truyện cổ tích. Trước hết bởi lẽđây là một thể loại có số lượng lớn nhất, phong phú nhất trong các thể loại của văn học dân gian. Không những thế, truyện cổ tích còn có một lịch sử sinh thành, tồn tại và phát triển vào loại lâu đời nhất; chưa nói đến nội dung và nghệ thuật hết sức đa dạng, không thuần nhất....Những lý do đó cũng đủ cho thấy rằng những định nghĩa chúng tôi sưu tầm dưới đây chỉ tiếp cận thể loại này ở mặt này mặt khác (và cố gắng tiếp cận những đặc trưng tiêu biểu nhất) chứ khó có thể bao quát một cách đầy đủ với một định nghĩa mẫu mực làm thỏa mãn người nghiên cứu và học tập văn học dân gian.

Trước hết xin được dẫn giải một định nghĩa của sách giáo khoa hiện hành, tài liệu đòi hỏi tính khoa học cơ bản ở việc nêu ra khái niệm khá cao. Ởđây, ông Chu Xuân Diên (SGK 10 Tập 1) cho rằng truyện cổ tích là những truyện dân gian có nội dung kể lại những câu chuyện tưởng tượng về một số nhân vật như dũng sĩ, nhân vật bất hạnh, nhân vật chàng ngốc. Tuy nhiên, cũng tác giả này, trong “Từđiển văn học”, có nói một cách đầy đủ hơn. Truyện cổ tích nảy sinh từ trong xã hội nguyên thủy, nhưng phát triển chủ yếu trong xã hội có giai cấp. Chủ đề chính là chủđề xã hội, phản ánh nhận thức của nhân dân về cuộc sống xã hội với những xung đột đặc trưng cho các thời kỳ lịch sử khi đã có chếđộ tư hữu tài sản, có gia đình riêng, có mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp. Truyện cổ tích biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân đối với thực tại, đồng thời nói lên những quan điểm đạo đức, những quan niệm về công lý xã hội và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyện cổ tích là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của nhân dân và ở một bộ phận chủ yếu, yếu tố tưởng tượng thần kỳ tạo nên một đặc trưng nổi bật trong phương thức phản ánh hiện thực và ước mơ. Có lẽ các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa vào tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ - một tiểu loại chiếm số lượng lớn và khá đặc trưng cho truyện cổ tích nói chung đểđưa ra khái niệm cho thể loại này. Cũng tiếp cận với truyện cổ tích thần kỳ như một tiểu loại tiêu biểu của truyện cổ tích, ông Đỗ Bình Trị (SGK 10 Tập 1- Ban KHXH) nêu ra khái niệm truyện cổ tích là những truyện kể có tính chất tưởng tượng về những cuộc phiêu lưu kỳ lạ chiến thắng những trở ngại khác thường của một số nhân vật tiêu biểu cho phẩm chất và số phận chung của những kẻ bị áp bức trong xã hội đã phát sinh tình trạng người áp bức người. Và ông nói rõ thêm rằng khái niệm này là nói về truyện cổ tích thần kỳ, ngoài ra còn có truyện cổ tích về loài vật và truyện cổ tích sinh hoạt ; nhưng ông không nêu ra định nghĩa của hai tiểu loại vừa nêu.

Riêng ông Trần Hoàng (ĐH Huế), thay vì đưa ra khái niệm truyện cổ tích, ông lại phân biệt một loạt các khái niệm mà người gọi đã vô hình trung đánh đồng với khái niệm truyện cổ tích. Đó là các thuật ngữ như Truyện đời xưa, Truyện cổ dân gian hay Truyện kể dân gian. Sau đó, dựa vào bản chất, đặc trưng nội dung và thi pháp để xác định khái niệm truyện cổ tích (chủ yếu nhằm để phân biệt với các thể loại khác của văn học dân gian, mà điều này chắc chắn sẽ không thể bỏ qua khi ta đi sâu tìm hiểu thể loại này). Cũng bằng cách này, ông Nguyễn Tấn

Phát ( ĐHSPTPHCM) mượn đặc trưng thể loại của truyện cổ tích để xác định khái niệm truyện cổ tích (tức là tiếp cận khái niệm bằng cách phân biệt với các thể loại khác).

Một cách có hệ thống hơn, ông Hoàng Tiến Tựu (CĐSP) đi vào trình bày lịch sử khái niệm của thể loại truyện cổ tích.Từ năm 1945 trở về trước, truyện cổ tích (hay còn gọi là Truyện đời xưa) được dùng theo nghĩa rộng, chỉ chung toàn bộ truyện kể dân gian. Từ năm 1945 đến nay, giới hạn phạm vi truyện cổ tích như một thể loại trong truyện kể dân gian. Từđó, ông đã trình bày tính phức tạp của khái niệm. Chính quá trình xuất hiện, phát triển và tồn tại của loại truyện này đã tạo nên mối quan hệ khó phân định rạch ròi với các thể loại khác (các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng “cổ tích hóa”). Và vì lý do đó, dù chưa xác định khái niệm truyện cổ tích một cách chính xác đầy đủ nhưng các nhà nghiên cứu đã tương đối thống nhất về những đặc điểm cơ bản của truyện cổ tích. Đồng ý với nhận xét trên, ta có thể mượn định nghĩa của ông về truyện cổ tích để kết thúc phần này. Truyện cổ tích là loại truyện dân gian có tính phổ biến hình thành từ thời cổđại, phát triển và tồn tại qua nhiều thời kỳ xã hội khác nhau. Nó hướng vào những vấn đề xã hội cơ bản, những số phận, những quan hệ và xung đột có tính chất riêng tư và phổ biến trong xã hội có giai cấp. Nó dùng một kiểu tưởng tượng và hư cấu riêng để phản ánh đời sống và khát vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và tiêu khiển của nhân dân.

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam Phần 1 - Trần Tùng Chinh (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)