Xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Một phần của tài liệu Hoạt động xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Trang 30)

Năm 2005 NHNN ban hành Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN về việc “Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng”. Với qui định tại điều 7, Quyết định 493, NHNN đã có định hướng khuyến khích các NHTM chủ động nghiên cứu triển khai XHTD, làm cơ sở để phân loại nợ và trích lập dự phòng theo phương pháp định tính. Đây là căn cứ để các NHTM xây dựng và triển khai XHTD, phục vụ quản lý rủi ro tín dụng và thực hiện chính sách khách hàng. Sau một thời gian thực hiện XHTD khách hàng đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Hầu hết các NHTM lớn tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của XHTD, chủ động nghiên cứu triển khai trong hoạt động tín dụng.Về cơ bản việc XHTD tại các NHTM đều đã tính đến yếu tố định tính và định lượng, chỉ tiêu tài chính và phi tài chính của khách hàng. Kết quả XHTD tại một số ngân hàng đã được sử dụng đề xuất cấp tín dụng và đưa ra chính sách lãi suất với khách hàng (trên cơ sở chấm điểm tín dụng dựa trên tính chất tài sản bảo đảm, hạng rủi ro tín dụng của khách hàng, mức độ rủi ro của ngành hàng). Một số NHTM đã được NHNN phê duyệt XHTD và cho phép thực hiện phân loại nợ theo định tính. Nhờ đó việc quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả hơn, khả năng phòng ngừa rủi ro tín dụng cũng được cải thiện và dần tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Mặc dù xếp hạng tín dụng nội bộ tại các NHTM đã đạt được một số kết quả, giúp các ngân hàng có thể quản trị rủi ro tốt hơn, tránh và phát hiện sớm các khoản

tín dụng xấu, các khoản tín dụng có vấn đề. Tuy nhiên, để có thể kiểm soát rủi ro tín dụng một cách có hiệu quả, hiện vẫn còn không ít những trở ngại. Trong đó, thách thức lớn nhất đối với các NHTM hiện nay chính là việc thu thập và phân loại thông tin chính xác, chi tiết về người vay, về các đặc điểm của các loại hình rủi ro (loại sản phẩm/ngành kinh tế/khu vực địa lý khác nhau…) và kết quả của đầu tư tín dụng vào các loại hình rủi ro đó.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc xếp hạng tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Căn nguyên là do hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại các NHTM Việt Nam hiện đều được xây dựng theo phương pháp chuyên gia, nghĩa là việc lựa chọn, quyết định toàn bộ các yếu tố cơ bản của hệ thống xếp hạng hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của các chuyên gia, thay vì dựa trên dữ liệu thống kê lịch sử và phân tích mô hình kinh tế lượng. Kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ mang tính chủ quan và chưa thực sự là căn cứ để làm cơ sở xây dựng các thước đo lượng hóa rủi ro, hỗ trợ ngân hàng tính toán chuẩn xác tổn thất dự tính và yêu cầu vốn tối thiểu bù đắp rủi ro. Điều này dẫn đến hạn chế trong quản trị rủi ro danh mục, định giá tín dụng, xác định rủi ro của ngân hàng.

Ở Việt Nam, có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những nhiều thông tin phản ánh trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp không chính xác, vì các mục đích che đậy thông tin, trốn thuế.... Vì thế, số liệu trên sổ sách kế toán không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh thực của những doanh nghiệp này. Qua tìm hiểu thực tiễn, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh thực sự có hiệu quả, nhưng số liệu thể hiện vẫn lỗ. Biết rõ vấn đề này, nhưng không ít NHTM vẫn không dám cho vay, bởi tiềm ẩn rủi ro do thông tin bất đối xứng xảy ra từ phía người vay rất lớn. Do đó, để đánh giá đúng thực chất hiệu quả kinh doanh của những doanh nghiệp, để doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng, đòi hỏi doanh nghiệp được xếp hạng phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định (về qui mô, về thông tin...) mà những yêu cầu này, vượt khả năng của các NHTM.

Một trở ngại đáng kể nữa là, mặc dù NHNN có đưa ra yêu cầu đối với các NHTM về việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, nhưng lại chưa đưa ra được một hệ thống quy chuẩn cho việc xây dựng hệ thống tại các NHTM, dẫn đến việc xây dựng hệ thống tại mỗi ngân hàng theo nhận định chủ quan riêng của mỗi

ngân hàng. Điều này đã dẫn đến những bất cập trong việc so sánh, đánh giá cùng một đối tượng khách hàng, nhưng lại có kết quả khác nhau, nhiều khi xung đột khi thực hiện phân loại nợ theo định tính (cùng 1 khách hàng, có NHTM phân loại vào nhóm nợ cao, có NHTM lại phân loại vào nhóm nợ thấp). Ngoài ra, do đây là việc xếp hạng nội bộ, nên các ngân hàng thường tự xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ riêng, trong khi thiếu một khung thống nhất, dẫn đến tốn kém nguồn lực và chi phí cho mỗi ngân hàng cũng như xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do chúng ta chưa có khung pháp lý quy định rõ ràng về xếp hạng tín dụng nội bộ, ngay cả quyết định 493 của NHNN cũng chưa mang tính chất định hướng hoặc quy định khung chuẩn để các NHTM thực hiện. Do đó, việc triển khai ở các NHTM hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức riêng và khả năng xác định rủi ro của từng ngân hàng; tiếp đến là, hạ tầng công nghệ thông tin không đồng đều, khó khăn này đã cản trở việc xây dựng và ứng dụng các hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo chuẩn quốc tế. Đây là rào cản lớn mà không phải NHTM nào ở Việt Nam cũng có thể vượt qua được; hơn nữa, do nguồn nhân lực yếu và thiếu, các NHTM Việt Nam lại chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu riêng, đáng tin cậy, và đầy đủ phục vụ cho việc đánh giá, xếp hạng khách hàng, nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các mô hình kinh tế lượng, phân tích thống kê ứng dụng trong xếp hạng tín dụng nội bộ.

Hơn nữa, mặc dù chất lượng thông tin đầu vào là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của xếp hạng tín dụng nội bộ, nhưng thực tế thông tin thiếu minh bạch, thiếu tin cậy diễn ra rất phổ biến ở mọi lĩnh vực. Phần lớn các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được kiểm toán. Ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn phải kiểm toán, thì sự chậm trễ trong việc công bố báo cáo cũng như chất lượng kiểm toán ... còn bất cập, có sự sai lệch giữa số liệu kiểm toán với thực tế. Thực trạng này có một phần lỗi từ các NHTM trong việc cung cấp thông tin, nhưng phần lớn là do NHNN chưa có chế tài chặt chẽ đối với việc cập nhật thông tin này

Kết luận Chương 1.

Nội dung chương 1 đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về hoạt động tín dụng ngân hàng và hoạt động xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng. Nêu lên được sự cần thiết và vai trò quan trọng của việc xếp hạng tín dụng trong hoạt động quản trị rủi ro tại các ngân hàng, thực trạng hiện nay về việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng thương mại.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG XẾP HẠNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM.

Một phần của tài liệu Hoạt động xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Trang 30)