GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO CỦA CÔNG TY TNHH TM&DV NGA VIỆT
3.2.1. Thành lập bộ phận chuyên về quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh thương mại:
thương mại:
Quản trị rủi ro được xem như là một chức năng nhằm thoả mãn yêu cầu tuân thủ pháp chế và kiểm soát nội bộ. Quản trị rủi ro tốt chính là một nguồn lợi thế cạnh tranh và là một công cụ tạo ra giá trị, cũng góp phần tạo ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn. Vậy để vượt qua mô hình quản lý rủi ro cũ gắn với tuân thủ để đi tới quản trị rủi ro mới nhằm tạo giá trị, công ty TNHH TM&DV Nga Việt hãy xây dựng một “văn hoá rủi ro” trong toàn bộ tổ chức của công ty, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh thương mại. Để xây dựng được “văn hoá rủi ro”, trước tiên công ty nên thành lập phòng ban chuyên về quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh thương mại. Khi thành lập được phòng ban, các cán bộ nhân viên sẽ được phân công công việc cụ thể để đảm bảo quy trình quản trị rủi ro được thực hiện nghiêm ngặt hơn, đạt hiệu quả tốt hơn. Thành lập phòng ban chuyên về quản trị rủi ro có thể tránh được những cạm bẫy thường gặp trong quản trị rủi ro như: phương pháp tiếp cận quản trị rủi ro bị phân đoạn, không hợp nhất; không sử dụng triệt để tiềm năng mà quản trị rủi ro mang lại; quản trị rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu “tuân thủ” thay vì nhằm tạo ra giá trị cho công ty; các mục tiêu của quản trị rủi ro không được kết nối rõ ràng; tổ chức quản trị rủi ro không phù hợp; báo cáo quản trị rủi ro có sai sót…
Nhằm đảm bảo sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của bộ phận chuyên về quản trị rủi ro, công ty cần thực hiện theo một quy trình nghiên cứu thành lập bộ phận quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình như sau:
Dự đoán các rủi ro có khả năng xảy ra trong tương lai gần đối với công ty để dự kiến mô hình, qui mô của bộ phận quản trị rủi ro sao cho phù hợp.
Cần căn cứ vào mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của quản trị rủi ro để hình thành bộ phận quản trị rủi ro. Đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả hoạt động.
Cần so sánh giữa chi phí thực tế cho bộ phận quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh với lợi ích thu được mà nó mang lại khi thực hiện quản trị rủi ro.
Lựa chọn nhân sự phụ trách quản trị rủi ro phải được tuyển chọn khách quan và có năng lực thực sự, từ đó bố trí công việc phù hợp với năng lực và phẩm chất của từng người.