- Các mặt đối lập trong thể thống nhất, quy định lẫn nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, trong cái này đã có cái kia.
a. Quan niệm của R.Đêcactơ về bản chất và vai trò của triết học
Cũng như Ph.Bêcơn, R.Đêcactơ đặc biệt đề cao vai trò của triết học đối với đời sống của con người. Theo ông, trình độ phát triển của tư duy triết học là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá mức độ văn minh của con người và sự ưu việt của dân tộc này so với dân tộc khác. Bởi vì, "chỉ có triết học là phân biệt chúng ta khác với bọn thổ dân và bọn mọi rợ, và dân tộc nào văn minh hơn, có học thức hơn thì dân tộc đó có triết lí tốt hơn". "Triết học là sự thể hiện cơ bản nhất sự thông thái của con người không chỉ trong lĩnh vực nhận thức mà cả trong các công việc khác."
Trong quan niệm của R.Đêcactơ, triết học theo nghĩa rộng là tổng thể tri thức của con người về nhiều lĩnh vực; theo nghĩa hẹp là siêu hình học, được coi như nền tảng của hệ thống thế giới quan. R.Đêcactơ cho rằng có sự thống nhất hữu cơ giữa các khoa học vì đối tượng chung của chúng là Thượng đế, giới hiện thực và con người như một chỉnh thể thống nhất. Mục đích chung của chúng là khám phá ra chân lý. Toàn bộ thế giới quan khoa học của con người "tương tự như một cái cây, mà bộ rễ của nó là siêu hình học, thân cây là vật lý học, còn toàn bộ các khoa học khác có thể quy thành y học, cơ học và đạo đức học thì như những chiếc cành mọc ra từ thân cây đó".
Nhiệm vụ của triết học là: thứ nhất, xây dựng nguyên lý, phương pháp luận cơ bản làm cơ sở cho các khoa học khám phá chân lý, đồng thời hoàn thiện và phát triển chúng; thứ hai, giúp con người thống trị và làm chủ được giới tự nhiên trên cơ sở nhận thức các quy luật của nó. Muốn vậy, "cần phải thay thế thứ triết học tư biện bằng một thứ triết học thực tiễn, theo đó nhận biết được sức mạnh... tất cả các sự vật xung quanh chúng ta cũng rõ ràng như chúng ta biết các nghề thủ công khác nhau của những người thợ lành nghề. Từ đó chúng ta có thể ngang tầm với họ, sử dụng những lực lượng đó trong tất cả mọi lĩnh vực, và như vậy trở thành chủ nhân và chúa tể giới tự nhiên". Quan niệm trên là quan niệm mang tính cách mạng. Nó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của sự phát triển của khoa học đối với đời sống xã hội, đồng thời là bước tiếp cận ban đầu cho một quan niệm duy vật về bản chất và nhiệm vụ của triết học.
Để xây dựng một thứ triết học mới, ông bắt đầu từ việc phê phán mạnh mẽ các tư tưởng của giáo hội và kinh viện. Gạt bỏ những đạo lý kinh viện của tôn giáo, R.Đêcactơ đưa lý trí lên hàng đầu trong lý luận nhận thức. R.Đêcactơ cho rằng phải coi lý tính, trí tuệ con người là toà án thẩm định và đánh giá mọi tri thức, quan niệm mà nhân loại đã đạt được, nghi ngờ mọi cái mà thường ngày vẫn cho là đúng. Nghi ngờ là điểm xuất phát của phương pháp khoa học; nghi ngờ là để tìm ra chân lý, đó chỉ là tiền đề chứ không phải kết luận. Sở dĩ R.Đêcactơ coi nghi ngờ là điểm xuất phát là vì, theo ông, không thể nghi ngờ được là chính bản thân chủ thể đang nghi ngờ. Ông viết: Tôi đang hoài nghi sự tồn tại của tất cả, nhưng tôi không thể hoài nghi sự tồn tại của chính mình, vì tôi đang nghi ngờ. Nếu tôi không tồn tại thì làm sao tôi lại có thể đnag nghi ngờ được. Nhưng mặt khác, chính vì tôi đang nghi ngờ thì tôi mới biết rằng mình đang tồn tại. Bởi vậy, tôi đang tồn tại là nhờ việc tôi đang nghi ngờ. Mà nghi ngờ thì cũng là suy nghĩ, là tư duy. Do đó, ông đưa ra nguyên lí: "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại" (Cogito, ergo sum).
Ở đây, R.Đêcactơ đã lầm khi chứng minh sự tồn tại của con người thông qua tư duy. Đáng chú ý là từ tiền đề trên, R.Đêcactơ đi đến xây dựng toàn bộ thế giới quan của mình, chứng minh sự tồn tại của các sự vật thông qua ý niệm về chúng trong ý thức của con người. Ví dụ, theo ông, lửa là vật có thật, nếu không có thật thì tại sao ai cũng có một ý tưởng nhất định về nó. Tuy
nhiên, R.Đêcactơ không coi toàn bộ thế giới chỉ là sản phẩm của tư duy, không có ý định chứng minh tính ý niệm của toàn bộ thế giới hiện thực; ngược lại, ông vẫn khẳng định sự tồn tại khách quan của chúng. Điều đó cũng có nghĩa là R.Đêcactơ không phải nhà duy tâm chủ quan như G.Béccơli.
Bên cạnh những hạn chế nói trên, luận điểm "Cogito, ergo sum" của R.Đêcactơ, xét trong bối cảnh bấy giờ, có ý nghĩa tích cực: nó chống lại quan niệm giáo điều, giáo lý nhà thờ, đồng thời nó đề cao vai trò đặc biệt của lý tính, của trí tuệ con người, coi đó là chuẩn mực đánh giá suy nghĩ và hành động của con người; nó có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ sự phát triển của khoa học lý thuyết hồi đó.
b. Quan niệm về thế giới
Trong nghiên cứu về tự nhiên, R.Đêcactơ là một người duy vật. Thừa nhận tính khách quan của thế giới vật chất, R.Đêcactơ cho rằng tất cả các sự vật trong thế giới, kể cả các hành tinh, đều được cấu trúc từ vật chất. Tiếp thu những phát kiến của G.Galilê về mặt trăng và một số hành tinh khác, ông chứng minh mọi hành tinh đều được cấu tạo từ vật chất như trái đất.
Ông chịu ảnh hưởng của các quan niệm cơ học, máy móc về về thế giới, coi vận động không phải cái gì khác ngoài sự hoạt động, mà qua đó một vật được chuyển vị trí từ chỗ này sang chỗ khác. Ông quy toàn bộ các dạng vận động thành vận động cơ học đơn thuần; không coi vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất mà chỉ xem là biểu hiện cá biệt của các sự vật một cách bề ngoài. Giữa vận động và đứng yên chẳng có mối quan hệ gì với nhau. Ông thừa nhận "cái hích đầu tiên của Thượng đế". Tuy nhiên ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về sự bao hàm của vận động, tạo tiền đề cho việc phát minh ra định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng của các nhà khoa học sau này.
R.Đêcactơ đã chứng minh tính vô cùng vô tận của thế giới vật chất. Ông đồng nhất vật chất với quảng tính (sai lầm này dẫn đến lập trường nhị nguyên), chống lại quan niệm "không gian tuyệt đối" và "thời gian tuyệt đối". R.Đêcactơ là người đầu tiên khám phá ra tính chất sóng của ánh sáng, là tác giả của giả thuyết gió xoáy, một trong những giả thuyết đầu tiên về sự hình thành của vũ trụ và thế giới của chúng ta.
Nhưng khi bàn về bản nguyên của thế giới, về nguồn gốc của các sự vật, ông lại cho rằng, có hai loại sự vật thuộc hai thực thể khác nhau: Thực thể thứ nhất là thực thể tư duy, bao gồm các ý niệm, tư tưởng, tổng số các ý thức cá nhân của con người, sự tương đồng giữa chúng. Thực thể thứ hai là thực thể quảng tính hay vật chất, bao gồm những vật thể mang tính chất không gian và thời gian, những vật thể mà các giác quan của chúng ta có thể cảm nhận được. Thực thể là một thế giới hoàn toàn độc lập, không cần và không liên quan đến cái khác, tự nó có thể tồn tại và phát triển được. Tuy nhiên, cả hai thực thể này lại phụ thuộc vào Thượng đế, do Thượng đế sinh ra. Ngoài Thượng đế duy nhất ra, tất cả các sự vật đều thuộc về một trong hai thực thể trên. Con người là vật thể đặc biệt, thuộc về cả hai thực thể. Con người là sự liên kết nhờ Thượng đế, linh hồn và thể xác là hai mảnh hoàn toàn độc lập với nhau.
Tóm lại, có thể hiểu bức tranh khái quát về thế giới trong siêu hình học của R.Đêcactơ như sau: