- Các mặt đối lập trong thể thống nhất, quy định lẫn nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, trong cái này đã có cái kia.
Chương 6: Triết học Tây Âu thời phục hưng và cận đạ
1. Điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm của triết học Tây Âu thời Phục hưng và cận đại
Thời kì Phục hưng của các nước Tây Âu là giai đoạn lịch sử quá độ từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản (thế kỷ XV - XVI). Tính chất quá độ đó biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá tư tưởng thời kì này.
Về kinh tế: Bắt đầu từ thế kỉ XV, ở Tây Âu, chế độ phong kiến với nền sản xuất nhỏ và các đạo luật hà khắc Trung cổ đã bước vào thời kì tan rã. Nhiều công trường thủ công xuất hiện, ban đầu ở Italia, sau đó lan sang Anh, Pháp và các nước khác, thay thế cho nền kinh tế tự nhiên kém phát triển.
Sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kĩ thuật. Nhiều công cụ lao động được cải tiến và hoàn thiện. Với việc sáng chế ra máy kéo sợi và máy in đã làm cho công nghiệp dệt, công nghệ ấn loát đặc biệt phát triển, nhất là ở Anh. Sự khám phá và chế tạo hàng loạt đồng hồ cơ học đã giúp cho con người có thể sản xuất có kế hoạch, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động.
Những phát kiến về đường biển, tìm ra những miền đất mới, phát hiện ra châu Mỹ... càng tạo điều kiện phát triển cho nền sản xuất theo hướng tư bản chủ nghĩa. Thương mại, thị
trường trao đổi hàng hoá giữa các nước được mở rộng; giao lưu quốc tế được tăng cường, nhờ đó mà các nước phát triển sớm như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... thi nhau xâm chiếm thuộc địa để mở rộng việc khai thác thiên nhiên và thị trường tiêu thụ hàng hoá.
Về xã hội: Đồng thời với sự phát triển của sản xuất và thương nghiệp, trong xã hội Tây Âu thời kì này, sự phân hoá giai cấp ngày càng rõ rệt. Tầng lớp tư sản xuất hiện gồm các chủ xưởng công trường thủ công, xưởng thợ, thuyền buôn... Vai trò và vị trí của họ trong kinh tế và xã hội ngày càng lớn. Hàng loạt nông dân từ nông thôn di cư ra thành thị, trở thành người làm thuê cho các công trường, xưởng thợ. Họ tham gia vào lực lượng lao động xã hội mới, làm hình thành giai cấp công nhân. Các tầng lớp xã hội trên đại diện cho một nền sản xuất mới, cùng với nông dân đấu tranh chống chế độ phong kiến đang suy tàn.
Về văn hoá, tư tưởng: Cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội, khoa học kĩ thuật và tư tưởng thời kì Phục hưng cũng đạt được sự phát triển mạnh mẽ. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng đã phê phán mạnh mẽ các giáo lý Trung cổ. Mở đầu là nhà triết học người phía Nam nước Đức, Nicôlai Kuzan (1401-1464). Tiếp đó là các nhà khoa học - triết học như Nicôlai
Côpecnich (1475-1543) người Ba Lan; Lêôna đơ Vanhxi (1452-1519) - nhà danh hoạ, nhà toán học, cơ học, kĩ sư người Italia; Gioocđanô Brunô (1548-1600) người Italia; Galilêô Galilê (1564-1642) người Italia. Trong số những thành tựu khoa học tự nhiên có ảnh hưởng to lớn đến nhận thức duy vật về thế giới, nổi trội hơn cả là thuyết nhật tâm của Nicôlai Côpecnich (1475- 1543), nhà bác học vĩ đại người Ba Lan. Nicôlai Côpecnich đã đứng trên lập trường của triết học duy vật để bác bỏ thuyết địa tâm do Ptôlêmê (người Hy Lạp) đề xuất từ thế kỷ thứ II, một giả thuyết sai lầm coi quả đất là trung tâm của hệ mặt trời và vũ trụ. Thuyết nhật tâm của Nicôlai Côpecnich đã giáng một đòn nặng nề vào thế giới quan tôn giáo, thần học. Giả thuyết của ông là một cuộc cách mạng trên trời, báo trước một cuộc cách mạng trong lĩnh vực các quan hệ xã hội sắp xảy ra.
Trong thời đại Phục hưng, các nhà tư tưởng tư sản đã bênh vực triết học duy vật, vận dụng nó để chống lại chủ nghĩa kinh viện và thần học Trung cổ. Cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy vật chống chủ nghĩa duy tâm thường được biểu hiện dưới hình thức đặc thù là khoa học chống tôn giáo, tri thức thực nghiệm đối lập với những lập luận kinh viện. Cuối cùng, sự chuyên chính của giáo hội và sự thống trị của chủ nghĩa kinh viện Trung cổ đã không ngăn được sự phát triển bước đầu của khoa học thực nghiệm và triết học duy vật - tiền đề cho những thành tựu mới và những đặc điểm mới của triết học trong các thế kỷ tiếp theo.
Thời kì cận đại là thời kì phát triển rực rỡ của Tây Âu trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đó là sự phát triển tiếp tục của chủ nghĩa tư bản, của khoa học và tư tưởng, trong đó có chủ nghĩa duy vật triết học, nhưng với những đặc điểm mới.
Khác với thời kì Phục hưng, thời cận đại (thế kỷ XVII-XVIII) ở các nước Tây Âu là thời kì giai cấp tư sản đã giành được thắng lợi về chính trị trước giai cấp phong kiến. Ba cuộc cách mạng tư sản lớn đã nổ ra và thành công: Cách mạng tư sản Hà Lan cuối thế kỷ XVI ; Cách mạng tư sản Anh (1642-1648); Cách mạng tư sản Pháp (1789-1794). Đây cũng là thời kì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập và trở thành phương thức sản xuất thống trị Tây Âu. Nó tạo đã tạo ra những vận hội mới cho khoa học, kĩ thuật phát triển mà trước hết là khoa học tự nhiên, trong đó cơ học đã đạt tới trình độ là cơ sở cổ điển. Đặc điểm của khoa học tự nhiên thời kì này là khoa học tự nhiên - thực nghiệm. Đặc trưng ấy tất yếu dẫn đến thói quen nhìn nhận đối tượng nhận thức trong sự trừu tượng tách rời, cô lập, không vận động, không phát triển, nếu có nói đến vận động thì chủ yếu là vận động cơ giới, máy móc. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho
triết học duy vật thời kỳ này mang nặng tính máy móc siêu hình.
Chính những điều kiện kinh tế - chính trị và khoa học tự nhiên thời cận đại đã quy định những đặc trưng về mặt triết học thời kì này:
Thứ nhất, đây là thời kì thắng lợi của chủ nghĩa duy vật đối với chủ nghĩa duy tâm, của những tư tưởng vô thần đối với hữu thần luận.
Thứ hai, chủ nghĩa duy vật thời kì này mang hình thức của chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc. Phương pháp siêu hình thống trị, phổ biến trong lĩnh vực tư duy triết học và khoa học.
Thứ ba, đây là thời kì xuất hiện những quan điểm triết học tiến bộ về lĩnh vực xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm trong việc giải thích xã hội và lịch sử. Những đặc điểm ấy thể hiện rõ nét trong quan niệm của một số triết gia, điển hình như B.Xpinôda, Ph.Bêcơn. T.Hôpxơ, R.Đêcactơ, G.Lamettri, Đ.Điđơrô, P.Hônbách, G.G.Rutxô.
Thứ tư, trước sự phát triển mạnh mẽ của tư tưởng duy vật vô thần của thời cận đại, chủ nghĩa duy tâm và thần học buộc phải có những cải cách nhất định. Nhu cầu ấy được phản ánh đặc biệt trong triết học duy tâm chủ quan của nhà triết học thần học người Anh G.Beccơli.