THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU THỦ CÔNG MỸ NGHỆ SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN
4.2.2. Ảnh hưởng nhân tố môi trường đến phát triển xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản
thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản
4.2.2.1 Yếu tố về nguyên liệu
Trong việc xuất khẩu thủ công mỹ nghệ nguyên liệu đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Bởi vậy, nguyên liệu phục vụ cho thủ công mỹ nghệ còn nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan…Tình trạng này dẫn đến hai hậu quả trực tiếp: phụ thuộc vào nước ngoài và hiệu quả kinh tế thu được là rất thấp. Vấn đề khối lượng, chất lượng, chủng loại và khoảng cách của các nguồn nguyên liệu có những ảnh hưởng nhất định tới chiến lược và giá thành sản phẩm. Nếu có được nguồn nguyên liệu ổn định, các nhà xuất khẩu sẽ có nguồn hàng thường xuyên, tạo uy tín cho doanh nghiệp.
4.2.2.2 Yếu tố về khoa học, kỹ thuật
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì khoa học kỹ thuật có tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới công nghệ kỹ thuật trong các làng nghề. Và khoa học, kỹ thuật tác động trực tiếp tới sự đảm bảo và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung việc đổi mới công nghệ ở các làng nghề chưa được thực hiện một cách có hệ thống, chưa căn bản… Bởi vậy, mẫu mã các mặt hàng TCMN còn theo vết mòn, chưa sáng tạo, mẫu mã ít thay đổi, việc khai thác tìm hiểu thông tin về mẫu mã mới trên mạng còn ít. Tất cả những điều này làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu thủ công mỹ nghệ từ đó làm ảnh hưởng đến phát triển xuất khẩu mặt hàng này cả về quy mô xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và đổi mới công nghệ, cải tiến phương pháp sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và ổn định cho ngành.
4.2.2.3 Yếu tố về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm những nghệ nhân, những người thợ thủ công, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Những nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền nghề, dạy nghề, đồng thời là người tạo ra những sản phẩm độc đáo mang tính truyền thống, hiện nay ở các làng nghề Việt Nam còn rất nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề, muốn giữ gìn và phát triển nghề. Có được nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ cao sẽ tạo ra được những sản phẩm thay đổi thiết kế mẫu mã sản phẩm, kiêu dáng đẹp, chất lượng phù hợp, sự chuyên nghiệp trong sản xuất. Từ đó đáp ứng được nhu cầu của thị trường Nhật Bản tạo động lực cho phát triển xuất khẩu thủ công mỹ nghệ.
4.2.2.4 Các yếu tố của sản phẩm
Hàng Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều vào thị trường Nhật Bản vì hai lý do chính là mẫu mã và chất lượng. Bên cạnh đó là việc nghiên cứu thị trường, đặc điểm của người tiêu dùng từng thị trường chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức
- Mẫu mã sản phẩm: Hiện nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm có mẫu mã chậm cải tiến, thiếu mặt hàng mới, một số thiết kế giống với Trung Quốc, Thái Lan. Bởi vậy, thủ công mỹ nghệ Việt Nam thiếu đi nét riêng của văn hoá truyền thống Việt Nam hoặc các sản phẩm lại thiếu dấu ấn văn hóa quê hương của người tiêu dùng. Dẫn đến nhiều doanh nghiệp của nước ta rơi vào tình trạng lệch pha với nhu cầu của thị trường và chậm tiến so với đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, sản phẩm của chúng ta còn thiếu trầm trọng những mẫu thiết kế mang xu hướng hiện đại của nền kinh tế năng động. Trong khi, khách hàng Nhật Bản thường chú trọng tới các hoạ tiết, màu sắc, kiểu dáng với sự tinh xảo, sản phẩm hiện đại, và thoải mái, màu sắc phải tự nhiên. Kiểu dáng không theo kịp tập quán tói quen tiêu dùng của thị
trường Nhật Bản, sản phẩm không phong phú, chưa đa dạng và chưa hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường Nhật Bản. Điều này làm cho cho việc tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, kim ngạch không cao, chưa xứng với tiềm năng của thị trường.
- Chất lượng sản phẩm: Hiện nay, quá trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta chủ yếu là thủ công chưa được ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào. Một số mặt hàng trong khâu xử lý nguyên liệu vẫn còn thủ công như: hàng mây tre, gốm sứ…chịu ảnh hưởng của thời tiết để sấy khô nguyên liệu và sản phẩm, làm cho sản phẩm bị mốc, mọt không đảm bảo được chất lượng an toàn với người sử dụng. Vì vậy mà chất lượng sản phẩm không cao, thiếu tính đồng bộ, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và độ an toàn của nước nhập khẩu. Nhất là khi nhập khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, thị trường đòi hỏi phải đảm bảo các yêu cầu về hoá chất sử dụng đối với sơn mài, quy định đóng gói, về độ an toàn đối với người sử dụng. Đặc biệt là sản phẩm của nước ta có tính tương đồng về công dụng với đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Trong khi sản phẩm của họ có mẫu mã đẹp hơn, giá lại rẻ hơn. Vì vậy mà sản phẩm của nước ta luôn yếu thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm.
Bởi vậy, để TCMN của Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường khó tính như Nhật Bản cần phải đặc biệt quan tâm đến mẫu mã và chất lượng sản phẩm.
4.2.2.5 Tập quán tiêu dùng người Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những nước có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh và đứng hàng đầu thế giới. Nhưng do đặc điểm về địa lý, Nhật Bản là một trong những nước rất hiếm về tài nguyên thiên nhiên, ngoại trừ nguồn hải sản, do đó hầu hết các sản phẩm gia dụng trang trí nội thất, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu là nguyên liệu tự nhiên, đều phải nhập khẩu.
Qua đó, ta thấy nhu cầu của người Nhật Bản về hàng thủ công mỹ nghệ rất đa dạng, yêu cầu các mặt hàng phải thay đổi nhanh sao cho phù hợp với các mùa trong năm. Thế nên vòng đời của một sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi các nước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phải nhanh nhạy đáp ứng những nhu cầu đó.
Đối với một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố : thứ nhất, sản phẩm được làm bằng chất liệu gì, thứ hai, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm và thứ ba là quan trọng nhất được người Nhật Bản đặc biệt quan tâm là họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn”, thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được thị hiếu, nắm được được xu hướng biến đổi nhu cầu của thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi mẫu mã, công nghệ sao cho sản phẩm luôn mới mẻ, làm tăng sức mua, thúc đầy phát triển những sản phẩm mới thay thế hoặc hoàn thiện những sản phẩm cũ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn nữa của khách hàng. Việc nắm rõ đặc điểm tiêu dùng và tính cách kinh doanh của người Nhật Bản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam giao tiếp và kinh doanh thành công với họ.