Khái niệm văn hóa truyền thống hay giá trị văn hóa truyền thống có thể hiểu là “văn hóa và giá trị gắn với xã hội tiền công nghiệp, phân biệt với văn hóa, giá trị văn hóa thời đại công nghiệp hóa. Tất nhiên, khái niệm truyền thống (Tradition) để chỉ những cái gì đã hình thành từ lâu đời, mang tính bền vững và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì không chỉ xã hội tiền công nghiệp mới có mà với cả xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì truyền thống vẫn hình thành và định hình. Hơn thế nữa, còn có sự kết nối giữa truyền thống tiền công nghiệp với truyền thống công nghiệp hoá thể hiện trong từng hiện tượng hay giá trị văn hoá‟‟. [60, tr 21]
Như vậy, văn hóa truyền thống Việt Nam theo quan điểm ở đây chính là những giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể được hình thành trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Do đó, khi xem xét mối tương quan giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống Việt Nam, chúng tôi mong muốn làm rõ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo đối với văn hóa truyền thống.
Trước hết, sự tương tác giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống thể hiện qua giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo được kết tinh trong không gian văn hóa truyền thống của ngôi chùa Phật - một thiết kế văn hóa đặc thù. Nếu như thiếu đi hình ảnh những ngôi chùa Phật giáo thì có lẽ cũng sẽ thiếu đi những nét kiến trúc, điêu khắc độc đáo của Phật giáo một nhân tố làm đẹp và phong phú cho kho tàng văn hóa Việt Nam. Chùa là nơi con người được san sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất nên nó mang một ý nghĩa từ ngữ cao đẹp, nhân văn “mái chùa che chở hồn dân tộc”. Không gian của những ngôi chùa cổ xưa rõ ràng là nhỏ bé, chật hẹp hơn nhiều những ngôi chùa mới xây dựng đồ sộ, khang trang như hiện nay, nhưng không gian văn hoá, lễ hội, ứng xử thì bao trùm hết không gian làng xã, cộng đồng, đi vào
35
trong đời sống ứng xử để trở thành văn chương, nghệ thuật, thẩm mỹ, đạo lý… Trong nhiều ngôi chùa đã hình thành nên những không gian văn hóa truyền thống điển hình, nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa Phật giáo, các nghi thức tôn giáo như: lễ Vu Lan, lễ Phật đản, lễ hội Quán Thế Âm...
Thêm vào đó, Việt Nam lại là một nước có truyền thống văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước, nên xét dưới góc độ triết lý âm dương thì đây là nền văn hóa trọng âm với những đặc trưng như con người sống nặng về tình cảm, sống hài hòa với thiên nhiên, môi trường xã hội bao dung. Vì thế nên trong kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng mang những đặc trưng của nền văn hóa gốc nông nghiệp. Nếu nhìn sang kiến trúc của đạo Phật cũng có thể thấy những điểm tương đồng khi ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc truyền thống của người Việt, đặc điểm là phải hòa vào thiên nhiên, hòa vào trời đất. Theo kiến trúc truyền thống, một ngôi chùa hay đền, đình phải đạt chuẩn thông tam giới, theo quan điểm "nhất thể vũ trụ", "âm dương quân bình" và "thiên nhiên hợp nhất": với mái tượng trưng cho tầng trời, với đất - thân là nơi thần và người tiếp cận, cần được thông nhau. Vì thế nền đất để mộc, hoặc có lát phải để những mạch rộng hoặc dùng gạch bát thấm nước để thông âm dương; những nơi đặt ban thờ thì gầm ban thờ lộ đất… để âm dương không bị cách trở.
Trong các công trình kiến trúc đều khai thác tự nhiên như cây xanh, mặt nước, đá núi… mang đến cho con người cảm giác hòa mình với thiên nhiên, thoải mái khi có sự kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc. Triết lý âm dương chi phối rất lớn đến kiến trúc truyền thống Việt Nam và nhất là trong kiến trúc Chùa, Tháp ở vị trí, hướng xây dựng, cách liên kết theo lối ghép âm - dương các bộ phận trong kiến trúc, vật liệu xây dựng với ngói âm dương; các biểu tượng âm dương có truyền thống lâu đời như biểu tượng vuông - tròn nói đến sự hoàn thiện, chẳng hạn như chùa Một Cột đặt trên cột tròn và cột tròn lại đặt trên cái hồ vuông.
36
Ngôi chùa và những di vật trong chùa thực sự là những công trình nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao và có nội dung phong phú - không những giới thiệu giáo lý nhà Phật mà còn phản ánh quan niệm sống của con người, hướng vào phục vụ đời sống con người qua nhiều thế hệ. Không gian văn hóa truyền thống trong ngôi chùa hòa quyện và kết hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa sắc hơn cho văn hóa dân tộc.
Không chỉ vậy, văn hóa Phật giáo còn thể hiện sự hòa quyện với văn hóa truyền thống khi ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước, giữ nước. Cùng với Nho giáo, Phật giáo đã có nhiều đóng góp để xây dựng đất nước, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo. Từ trước thế kỷ X, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo đã đứng về phía những người yêu nước. Nhiều Tăng sĩ trong hoạt động tôn giáo của mình đã nhen nhóm một tinh thần tự chủ, và có những tín đồ Phật giáo đã trực tiếp cầm đầu nhân dân đứng lên làm cuộc đấu tranh giải phóng. Cuộc khởi nghĩa của Lý Phật tử cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII là ví dụ. Qua nhiều triều đại phong kiến ở nước ta, nhiều vị vua quan là Phật tử với sự hiểu biết Phật pháp nên đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của đạo Phật phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh. Điểm lại lịch sử cho thấy, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Như vậy là Phật giáo Việt Nam, trong những bước phát triển đầu tiên, đã hòa nhập vào dân tộc nên khi giành lại được nền độc lập, các Tăng sĩ vẫn mang một ý thức quốc gia mạnh mẽ. Không ít các vị danh tăng Việt Nam đã được các triều đình phong kiến trọng dụng, thực sự tham gia
37
hoạt động chính trị, trở thành trụ cột cho nhà vua trong quá trình trị nước như: Đại sư Khuông Việt, Tuệ Tĩnh, Quốc sư Vạn Hạnh, Thiền sư Pháp Thuận... hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính. Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn hai lần khoác áo chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông... Phật giáo thời kỳ này mang một màu sắc nhập thế rõ ràng, hay nói cách khác Phật giáo có chiều hướng phục vụ quốc gia dân tộc. Đồng hành với lịch sử dân tộc, Phật giáo chung vai gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của muôn dân.
Không chỉ trong văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần mà ở các giai đoạn lịch sử khác, Phật giáo cũng khẳng định vị trí của mình bằng những đóng góp đáng ghi nhận. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, nhiều chùa chiền Phật giáo Việt Nam là cơ sở bao che nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ cách mạng, những Tăng, Ni, Phật tử nằm trong các đoàn thể cứu quốc, đoàn thể Phật giáo yêu nước, hòa mình vào các sinh hoạt cách mạng, tham gia chiến đấu chống ngoại xâm góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó chính là những việc làm thể hiện tinh thần cao cả đối với non sông đất nước của những người con Phật.
Đồng hành cùng dân tộc Việt, Phật giáo có cơ hội phát huy tư tưởng đoàn kết của mình. Tư tưởng thương yêu, vị tha, bác ái của đạo Phật đã trở thành sức mạnh và động lực liên kết các dân tộc, công dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, Phật giáo lại cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống thông qua hoạt động thường xuyên răn dạy tín đồ, Phật tử phát huy
38
truyền thống yêu nước thương nòi, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và làm tất cả vì cuộc sống an lành, ấm no và hạnh phúc của mọi người. Tinh thần nhập thế của Phật giáo gắn bó sâu sắc với khát vọng độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước của nhân dân, tạo nên xung lực cho sự phát triển của văn hóa dân tộc và sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Khi đất nước thống nhất trọn vẹn, hàng triệu Tăng ni, Phật tử trong các tổ chức, hệ phái đã đồng lòng xây dựng một ngôi nhà chung của Phật giáo. Dân tộc và Phật giáo trong văn hóa Việt Nam đã gắn kết thành một thể thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng ni các tỉnh, thành trong cả nước không ngừng cố gắng phấn đấu theo tôn chỉ mới mà Giáo hội đề ra cho phù hợp với sự phát triển của đất nước: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, cùng hướng tới một mục tiêu giành độc lập, tự do thống nhất chủ quyền, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Hơn nữa, văn hóa Phật giáo với hệ thống giáo lý gần gũi và thân thiện với người dân Việt Nam, trong đó đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng không nhỏ tới giáo dục đạo đức truyền thống, hình thành nhân cách con người Việt Nam nhằm xây dựng lối sống lành mạnh và phát triển. Trên tinh thần đoàn kết, đạo Phật xây dựng cho dân tộc Việt Nam một truyền thống cao đẹp đó là tinh thần chan hòa yêu thương, mở rộng cõi lòng, được thể hiện rõ nhất qua những việc làm nhân nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái với phương châm “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”… Phật giáo chủ trương khuyến thiện, tránh ác, giữ tâm trong sạch, cổ xúy hành vi công ích, cứu tế, giúp người neo đơn, cơ nhỡ, trẻ mồ côi... với phương châm “dù xây chín bậc Phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Như vậy, đối tượng giáo dục mà Phật giáo hướng tới trong lĩnh vực đạo đức xã hội chính là con người với tư cách chủ thể chịu trách nhiệm đối với tự thân, gia đình và xã hội.
39
Có thể khẳng định, với tư tưởng đạo đức từ bi, hỷ xả, bình đẳng, vô ngã, vị tha, Phật giáo vào Việt Nam trên tinh thần hòa đồng các tôn giáo, tín ngưỡng đã dần thấm sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt, hình thành lối sống văn hóa, trở thành một trong những bộ phận của văn hoá dân tộc. Giáo lý và đạo đức Phật giáo có nhiều điều phù hợp đạo đức truyền thống của dân tộc. Phật giáo đã thực sự đi vào đời sống đa ̣o đức của người Viê ̣t thông qua chức năng giáo du ̣c, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ.
Tóm lại, sự tương quan giữa văn hóa Phật giáo với những nét văn hóa truyền thống Việt Nam như: truyền thống yêu nước, dựng nước, giữ nước, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và truyền thống đạo đức đã khẳng định văn hóa Phật giáo có một vị trí nhất định, ảnh hưởng sâu sắc và góp phần làm tăng thêm những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo.
Bên cạnh những giá trị mà văn hóa Phật giáo đã hình thành trong quá trình đồng hành cùng văn hóa dân tộc thì văn hóa Phật giáo cũng có một vị trí và ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Điều đó thể hiện sự đan xen, dung hợp, hài hòa của văn hóa Phật giáo khi du nhập và phát triển trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.