Những điều kiện chủ quan để Phan Bội Châu trở thành nhà tư tưởng về

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng của Phan Bội Châu về tôn giáo, tín ngưỡng (Trang 32)

B. Nội dung

1.2.2. Những điều kiện chủ quan để Phan Bội Châu trở thành nhà tư tưởng về

tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu đầu thế kỷ XX

Bên cạnh những tiền đề kinh tế - xã hội và tiền đề lý luận khách quan, còn phải kể đến nhân tố chủ quan trong việc hình thành tư tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng của Phan Bội Châu. Điều kiện khách quan quy định nội dung phản ánh tư tưởng, nhưng tính chất và mức độ của sự phản ánh đó lại phụ thuộc vào năng lực chủ quan của từng con người cụ thể. Do đó, nói đến tư tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng của Phan Bội Châu không thể không nói đến những điều kiện chủ quan khiến cho tư tưởng của Phan Bội Châu vừa mang dấu ấn của thời đại, lại vừa mang những nét riêng biệt độc đáo vượt lên người đương thời.

Phan Bội Châu, tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 tại quê mẹ, thôn Sa Nam, nay là thị trấn Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Quê hương của ông cũng là nơi có truyền thống văn hóa và đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do của đất nước. Truyền thống đó ngấm rất sâu vào tâm hồn lý tưởng của Phan Bội Châu và tạo nên ở một tính cách xứ Nghệ rất đậm nét trong ông. Trong bản đồ ngày xưa, Hoan Diễn (tức Nghệ An, Hà Tĩnh) là một góc rừng biển xa xôi đối với kinh đô Thăng Long. Nơi đây từng được coi là “bất mao chi địa”- nơi đất xấu mà cỏ cũng không mọc được, hoặc “Nghệ Tĩnh địa, tích dân bần, kỳ dân cần kiệm nhi hiếu học”- Nghệ Tĩnh dân nghèo, con người cần kiệm mà hiếu học - Dưới các triều đại phong kiến, Nghệ Tĩnh được coi là chốn “biên viễn” hiểm yếu, từng là nơi lưu đầy những phần tử chống đối [53, tr. 36]. Nhưng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Nghệ Tĩnh lại là tuyến

phòng ngự ngoại xâm kiên cố. Từng là địa bàn chiến lược của nhà Trần thời kỳ chống Nguyên Mông, là căn cứ của Trần Quý Khoáng và của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Dưới thời Lê Trịnh, cũng là chỗ dựa của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm để chống nhà Mạc, theo Trịnh chống Nguyễn trở thành danh tướng lương thần, thành những dòng họ quyền quý gần gũi vua chúa ở Thăng Long. Mặt khác, dân ở đây được tin cậy chọn làm lính Tam phủ - thân binh của vua chúa. Trong cuộc chiến tranh của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Nghệ An là cửa ngõ đường đi lại giữa Nam Bắc, Vĩnh Doanh (nay là thành phố Vinh và phụ cận) là đồn binh lớn, là chiến trường tranh chấp giữa hai bên. Sau khi Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, vì đây là “đất căn bản” của vua Lê Chúa Trịnh, lại là kinh đô của Nguyễn Huệ (Phượng Hoàng Trung Đô) nên bị coi là đất phản nghịch không được tin cậy. Dưới thời Tự Đức, trước đường lối đầu hàng của vua tôi nhà Nguyễn, văn thân ở đây đã dâng biểu cho nhà vua, từng điểm một bác bỏ những ý kiến trong thánh chỉ, ngang nhiên chê triều đình “giá ngự không đúng đường”, “không biết dựa vào lợi đất”, “không biết dựa vào sức người”, đại thần thì “gian nịnh bán nước như Tần Cối, Giả Tử Đạo”, vua thì “theo tà loạn chính”, “quý âm rẻ dương”[68, tr.463]. Không những họ đã vạch sai lầm của vua và triều đình một cách khá phạm thượng, mà cuối cùng, bất chấp cả lệnh của triều đình, họ đã nổi lên “bình tây sát tả” gây thành phong trào hai năm tuất (1874 và 1886).

Sau khi mất nước, phong trào chống Pháp ở đây là phong trào sâu rộng và kéo dài hơn cả. Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Xuân Ôn rồi của Phan Đình Phùng, huyện nào cũng lập thứ quân, có tổ chức kháng chiến. Ngay trên các cánh đồng và thôn xóm của vùng Sa Nam và Đan Nhiễm, năm 1874 nghĩa quân của Trần Tấn, Đặng Như Mai và sau đó, của Trần Xuân, Vương Thúc Mậu cũng từng mấy phen “đọ sức”[53, tr.37] với giặc Pháp. Phan Đình Phùng mất rồi, phong trào chống Pháp ở đây vẫn dai dẳng. Nhiều người bỏ quê hương trốn sang địa phương khác, sống ngoài vòng pháp luật, con đường rừng núi sang Lào, sang Xiêm mà sự nghèo đói và sự khủng bố của kẻ thù đã

vạch ra cho họ trở thành con đường mòn có sẵn, nhà người đồng hương làm chỗ trú ngụ, không ngớt đưa nhiều thanh, thiếu niên yêu nước theo vết Phan Bội Châu, rồi sau này lại theo vết chân của Nguyễn Ái Quốc ra nước ngoài học tập, hoạt động tìm đường cứu nước. Nghệ An cũng đã cung cấp cho đất nước những người con ưu tú: lớp trước có Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Đặng Thúc Hứa, Hoàng Trọng Mậu… và lớp sau có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu… Do tinh thần đấu tranh bền bỉ như thế, chính quyền thực dân đã có lúc phải cấm người ở đây đi lại, cư trú ở tỉnh khác, có tên tay sai giặc đã đề nghị triệt hạ, làm cỏ cả tỉnh với lý do khét tiếng: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần” (có Nghệ Tĩnh không giàu thêm, không có Nghệ Tĩnh cũng khồng nghèo hơn) [53, tr.38]. Đó là những việc từng xảy ra ở trên mảnh đất này, về thời gian không cách xa thời đại Phan Bội Châu bao nhiêu, ảnh hưởng đến Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu.

Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và xã hội có ảnh hưởng đến con người. Tính cách địa phương của con người chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện kinh tế, của tình hình đấu tranh xã hội, của lịch sử. Cái tiêu biểu của người Nghệ An là chí khí, nghị lực, gan góc, giỏi chịu đựng, ngang tàn, không chịu ràng buộc đến mức ngang bướng, ương gàn. Là dân xứ Nghệ nghèo khó, họ phải sống rất tằn tiện nhưng trọng danh dự, giàu tín nghĩa, nặng ân tình, nên đối với bà con, làng xóm, khách khứa, bạn bè, nhất là đối với việc dân tộc, họ lại trọng nghĩa, hào hiệp rộng rãi, dễ coi thường tài sản tính mệnh. Con người ở đây cần cù làm ăn, học hành, tâm tình sâu đậm như từ trước đến nay, khắp xóm thôn sông nước đã âm vang trong những câu hát đò đưa:

“Ai biết nước sông lam răng là trong là đục Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh. Thuyền em lên gác xuống ghềnh, Nước non là nghĩa, là tình… ai ơi!”

Phan Bội Châu sinh ra trên mảnh đất ấy, lại được nuôi lớn bởi truyền thống đấu tranh bất khuất và dòng sữa thơm ngọt của quê hương với tất cả “cốt tính xứ Nghệ”[53, tr. 39].

Gia đình Phan Bội Châu là một gia đình “thanh hàn”. Ông thân sinh của Phan Bội Châu là Phan Văn Phổ, một nhà Nho nghèo sống bằng nghề dạy học. Mẹ của Phan Bội Châu là Nguyễn Thị Nhàn, một người thuộc dòng dõi Nho học, một người rất nhân từ và bao dung. Trong “Phan Bội Châu niên biểu”, ông viết: “Khi tôi còn bé, mẹ tôi đã dỗ tôi, nửa câu nói cũng không cẩu suất. Tôi hầu mẹ tôi 16 năm, tuyệt chẳng bao giờ nghe một tiếng mắng chửi, dầu có ai ngang trái với mình, chỉ trả lời bằng một tiếng cười lạt mà thôi ” [10, tr.110]. Sinh ra trong một gia đình như vậy nên tư tưởng Nho giáo đã sớm ăn sâu vào Phan Bội Châu từ tấm bé và trở thành một bộ phận rất quan trọng trong cấu trúc tư tưởng của Phan Bội Châu.

Ông là một người rất thông minh, có khả năng tiếp thu nhanh. Không phải ngẫu nhiên mà ở Nam Đàn đã lưu truyền bài vè:

“Uyên bác bất như San Thông minh bất như Sắc Tài hoa bất như Quý

Cường kỳ bất như Lương”. Theo Chương Thâu dịch nghĩa:

“Học rộng không ai bằng Phan Văn San

Thông minh cũng không ai băng Nguyễn Sinh Sắc Tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý

Nhớ giai không ai băng Trần Văn Lương” [53, tr.43].

Phan Bội Châu là một người đỗ đạt cao, một bậc đại chân Nho. Tài năng và đức độ của Phan Bội Châu, một mặt đã giúp cho ông thuyết phục, tập hợp được đông đảo quần chúng đi theo con đường cứu nước của mình, mặt khác, còn giúp ông biết chắt lọc, kế thừa và tiếp thu những tinh hoa triết học, văn hóa của phương Đông và phương Tây để làm giàu cho trí tuệ của mình.

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, lại lớn lên trong phong trào Cần Vương sôi nổi ở Nghệ Tĩnh, Phan Bội Châu đã sớm nuôi chí giết thù cứu nước. Lý trí và tình cảm đó của Phan Bội Châu vào những năm đầu thế kỷ XX như được “phá cũi sổ lồng”, bùng cháy, tỏa sáng, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của cả một dân tộc. Đây cũng là lúc Phan Bội Châu đi vào con đường hoạt động như một chính khách. “Năm ba mươi tư tuổi, chính là năm Canh Tý, vừa năm thứ mười hai niên hiệu Thành Thái (1900), tôi đậu đầu thi Hương. Thế là tôi có được một cái mặt nạ để mượn đó mà che lấp mắt đời. Tháng Chín năm ấy, cha tôi vừa bảy tuần đã mệnh chung. Gánh nặng ở gia đình mới nhẹ bổng trên hai vai. Lúc đó mới là lúc tôi bắt tay vào kế hoạch cách mạng” [10, tr.120]. Bằng sự nhạy bén của mình, Phan Bội Châu đã sớm nhận thức rõ mâu thuẫn giữa thực dân Pháp xâm lược và toàn thể dân tộc ta chỉ có thể giải quyết bằng bạo lực cách mạng. Do đó, kế hoạch thứ nhất trong số ba kế hoach lớn mà lần đầu tiên ông cùng các đồng chí của ông vạch ra: “Liên kết với đảng cũ Cần Vương còn lưu lại với các trai tráng ở chốn sơn lâm, xướng khởi nghĩa quân mục đích chuyên ở nơi đánh giặc trả thù mà thủ đoạn thứ nhất bằng cách bạo động” [10, tr.120]. Những phong trào đó nhanh chóng bị dập tắt mà Phan Bội Châu nhận thức được một nguyên nhân quan trọng là thiếu sự đoàn kết toàn dân, lực lượng bị phân tán chia rẽ.

Như vậy, những điều kiện xã hội khách quan, tiền đề tư tưởng truyền thống của dân tộc, làn sóng tư tưởng Tân thư, Tân văn đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển tư tưởng, các quan điểm về tôn giáo của Phan Bội Châu. Và cũng chính thời đại đó đã sản sinh ra Phan Bội Châu với những năng lực, đức tính vượt trội nhất định để giải quyết những vấn đề do lịch sử đặt ra. Khi đánh giá vai trò vị trí của Phan Bội Châu trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã viết về Phan Bội Châu là: “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” [44, tr.172].

Tư tưởng là tấm gương phản chiếu bộ mặt của thời đại. Tư tưởng về tôn giáo của Phan Bội Châu được hình thành và phát triển trong sự tác động giữa nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan. Đó là một quá trình sống động và đầy phức tạp cũng như bất kỳ một nhân vật lịch sử nào khác, Phan Bội Châu và sự nghiệp cứu nước của ông cũng trải qua một quá trình hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội Việt Nam trong thời đại của Phan Bội Châu. Căn cứ vào tiến trình tư tưởng và những hoạt động cụ thể của Phan Bội Châu, chúng ta có thể chia những quá trình đó thành những thời kỳ sau:

a. Thời kỳ từ trước đến năm 1925: Đây là thời kỳ được tự do hoạt động, lúc này trong tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng của Phan Bội Châu, ngoài ngọn nguồn nội sinh của tư tưởng khoan dung tôn giáo truyền thống Việt Nam, còn có sự dung thông những quan điểm trong các trường phái triết học phương Đông và các trào lưu tư tưởng của phương Tây. Chính những điều kiện và xã hội, tiền đề tư tưởng và những điều kiện chủ quan đã tạo nên những nét riêng đặc sắc trong tư tưởng của Phan Bội Châu. Đây là thời kỳ tư tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng của Phan Bội Châu chiếm một vai trò tích cực trong lịch sử tư tưởng dân tộc.

b. Thời kỳ năm 1926 đến năm 1940: Thời kỳ này, Phan Bội Châu bị quản thúc và sống những năm cuối cùng của cuộc đời trong cảnh “chim lồng”, “cá chậu” ở Bến Ngự (Huế). Thực dân Pháp tìm nhiều thủ đoạn để cách ly ông với phong trào cách mạng. Mặc dù vậy, với một tấm lòng yêu nước thiết tha của Phan Bội Châu vẫn tìm cách lọc lựa trong di sản triết học Đông Phương. Những yếu tố tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng còn có ích cho dân tộc. Hơn thế là ông đã nỗ lực duy trì, cổ vũ lòng yêu nước thương nòi và tinh thần quật khởi cho nhân dân. Sống giữa mảnh đất kinh kỳ, nơi mà những giá trị, yếu tố văn hóa truyền thống vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt trong những năm 30 có sự thành công của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Huế. Nó tác động đến Phan Bội Châu, có thể thấy Phan Bội Châu mất mùa “cách

mạng” nhưng lại được mùa tư tưởng “thơ ca”, học thuật, thời kỳ này ông có thời gian chiêm nghiệm lại thực tiễn cách mạng của mình, đồng thời ảnh hưởng của xu thế thời cuộc cũng tác động đến tư tưởng Phan Bội Châu. Trong thời gian này, ông đã để lại nhiều nội dung tư tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị.

Tóm lại, trong tư tưởng về tôn giáo của Phan Bội Châu có sự hòa quyện của nhiều dòng: tư tưởng đoàn kết truyền thống Việt Nam, tư tưởng khoan dung của Nho, Phật, Lão, tư tưởng tự do tôn giáo tư sản phương Tây và tư tưởng chấn hưng các tôn giáo ở các nước Á Đông đặc biệt là phong trào Chấn hưng Phật giáo. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng đường lối cứu nước giải phóng dân tộc, Phan Bội Châu đã đi từ quan niệm về tôn giáo của hệ tư tưởng phong kiến (mà trong đó Nho giáo là cơ bản), đến chỗ tiếp thu, truyền bá nội dung tự do tôn giáo ảnh hưởng của tư tưởng tư sản và ít nhiều tiếp cận với cách lý giải của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo. Chính điều này, đã tạo nên sắc thái riêng trong tư tưởng của Phan Bội Châu.

Tiểu kết chương 1: Đứng trước nhiệm vụ lịch sử và yêu cầu của thời đại như vậy, Phan Bội Châu là một lãnh tụ cách mạng, tư tưởng của ông xuyên suốt là đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong đó, ta thấy quá trình tìm đường đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, Phan Bội Châu sớm nhận ra tôn giáo, tín ngưỡng là một lĩnh vực quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng cách mạng, ông tuyên truyền đoàn kết các tôn giáo, phát huy các giá trị của tôn giáo, tín ngưỡng còn tương đồng, có lợi cho cách mạng.

Như vậy, chính điều kiện hoàn cảnh thực tiễn đã tác động tới sự hình thành tư tưởng của Phan Bội Châu, trong đó có tư tưởng của ông về tôn giáo, tín ngưỡng cũng chiếm vị trí đáng kể trong quá trình tìm kiếm xây dựng lực lượng cách mạng. Điều này ta không chỉ thấy ở trong tư tưởng của Phan Bội Châu trước 1925 khi ông còn được tự do hoạt động, mà ngay cả khi ông bị bắt về an trí ở Huế tư tưởng của ông vẫn không thay đổi. Ông vẫn quan tâm đến

các tôn giáo, tín ngưỡng, tìm trong các tôn giáo, tín ngưỡng những giá trị còn có lợi cho cách mạng để tuyên truyền lòng yêu nước, đoàn kết nhân dân có tôn giáo cũng như không có tôn giáo vào sự nghiệp chung của dân tộc. Chính những điều kiện, hoàn cảnh như vậy, đã tác động đến tư tưởng của Phan Bội Châu và hình thành nên tư tưởng của ông về tôn giáo, tín ngưỡng. Qua chương 2, ta có thể thấy rõ thêm nội dung và đóng góp cũng như hạn chế của tư tưởng Phan Bội Châu về tôn giáo, tín ngưỡng.

CHƢƠNG 2. MỘT SỐ GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ TRONG TƢ TƢỞNG

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng của Phan Bội Châu về tôn giáo, tín ngưỡng (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)