Nhìn từ góc độ tu từ học, nghĩa từ có sắc thái tình cảm. Thông thường có ba loại hình như sau: nghĩa tốt (khen), nghĩa xấu (chê), nghĩa trung tính. Sau khi từ ngữ Phật giáo được nhập vào tiếng Việt, sắc thái của nghĩa từ đã có sự thay đổi. Ví dụ :
Báo ứng: Trong Phật giáo, từ này là biểu hiện nội dung quan trọng về luật nhân quả của Phật giáo, “báo ứng” trong đạo Phật bao gồm mặt thiện và mặt ác, tức là thiện có thiện báo, ác có ác báo. Trong tiếng Việt hiện đại, “báo ứng” cũng giữ nghĩa Phật giáo, tức là những điều lành hay dữ có được hiện giờ chính là sự ứng đáp lại một cách hiển nhiên đúng theo luật nhân quả của đạo Phật là: gieo nhân nào gặp quả ấy. Nhưng trong ngữ cảnh thường dụng, “báo ứng” được biểu thị “có được ác quả ”, nhấn mạnh “ác có ác báo”. Do vậy, “báo ứng” từ một từ trung tính Phật giáo biến thành một từ xấu nghĩa trong tiếng Việt hiện đại.
Hòa thượng: Trong Phật giáo “hòa thượng” là thuật ngữ, tiếng Phạn: Upadhyaya. Nguyên nghĩa là bậc tôn sư thân cận dìu dắt các tỉ khâu. Cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực sinh. Trong tiếng Hán là tên gọi tắt cho người đàn ông xuất gia theo đạo Phật. “Hòa thượng” trong tiếng Hán và Phật giáo đều là từ trung tính, nhưng trong tiếng Việt, “Hòa thượng” chỉ nhà sư có chức sư cao cấp. Nó từ từ trung tính trở thành từ nghĩa tốt.
3.4 So sánh nghĩa của từ ngữ Phật giáo trong tiếng Hán hiện đại và tiếng Việt hiện đại
Từ trước hai nghìn năm, Trung Quốc và Việt Nam đã có sự giao lưu qua lại với nhau, trong đó có văn hóa và ngôn ngữ. Vào thời kỳ đầu truyền bá Phật giáo, Phật giáo được truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ đến Việt Nam, nhưng sau một khoảng thời gian, Trung Quốc dần thay thế vị trí của Ấn Độ để truyền bá Phật giáo đến Việt Nam. Vì vậy, Phật giáo Ấn Độ được truyền bá sang Việt Nam, và một số các quốc gia khác như Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngôn ngữ Phật giáo Ấn Độ không có sự ảnh hưởng lớn đối với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam mà ngôn ngữ Phật giáo tiếng Hán có sự ảnh hưởng rất sâu sắc đối với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Vì thế, trong phần này, chúng tôi sẽ đối chiếu những từ ngữ Phật giáo trong tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Phạn để tìm hiểu sự diễn biến của từ ngữ Phật giáo gốc Phạn sau khi nhập vào tiếng Hán và tiếng Việt. Về nghĩa của các từ ngữ Phật giáo gốc Phạn chúng tôi đã tham khảo “Đại từ điển
Phật học” của Đinh Phúc Bảo; về nghĩa của từ ngữ Phật giáo tiếng Hán và tiếng
Việt, chúng tôi tham khảo “Từ điển tiếng Hán hiện đại” và “Đại từ điển tiếng
Việt”. Việc so sánh đối chiếu và phân tích từ ngữ Phật giáo trên những cơ sở này.