- Nguyên nhân.
3.2.1. Xây dựng chiến lược kinh doanh nhập khẩu.
Cơ sở khoa học thực tiễn của biện pháp: Chiến lược nhập khẩu là một trong những cơ sở quan trọng để công ty xây dựng các kế hoạch kinh doanh nhập khẩu trong ngắn hạn. Một chiến lược nhập khẩu được xây dựng thành công sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu của doanh nghiệp, đưa ra những mục tiêu cụ thể giúp doanh nghiệp có cơ sở phát triển các kế hoạch kinh doanh trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Siêu Thanh Hà Nội chưa quan tâm tới việc phát triển một chính sách nhập khẩu tổng thể dài hạn. Các mục tiêu mà công ty đưa ra chủ yếu là các mục tiêu ngắn hạn, hoặc chỉ mang tính định hướng. Điều này khiến công ty gặp khó khăn rất lớn khi phải đối mặt với những biến
động của môi trường kinh doanh, không chủ động trong việc quản lý chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu.
Nội dung của biện pháp: Trước hết công ty cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường. Hoạt động nghiên cứu này có thể tiến hành theo 2 cách. Một là, công ty thuê một doanh nghiệp chuyên nghiệp để thực hiện. Điều này sẽ giúp công ty tiết kiệm được thời gian, công sức nhưng chi phí lại cao và có thể thu được kết quả không đúng với thực tế do thái độ thiểu trung thực của người thực hiện. Hai là, công ty có thể tự nghiên cứu thị trường, điều này giúp công ty chủ động hơn về chi phí. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm trong vấn đề này có thể gây ra những sai sót trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, dù thực hiện theo cách nào thì một nghiên cứu thị trường cũng phải phản ánh được các nội dung cơ bản như: dung lượng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xu hướng biến động và các nhân tố ảnh hưởng, phân đoạn thị trường và xác định thị trường mục tiêu cũng như những nhu cầu mới có thể phát triển mạnh. Kế tiếp, công ty cần quan tâm hơn đến việc theo dõi đánh giá bản thân doanh nghiệp. Trong nội dung này công ty sẽ phải xem xét thực trạng nhập khẩu của mình, nghiên cứu các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh nhập khẩu để xác định điểm mạnh, điểm yếu của công ty trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu.
Cuối cùng khi đã có đầy đủ cơ sở để phát triển chiến lược kinh doanh nhập khẩu thì:
Thứ nhất, công ty cần xác định được sẽ mở rộng thị trường theo hướng nào, trong thời gian bao lâu, những nhân tố có thể tác động đến hoạt động này, dự kiến các chi phí cần thiết và tiến độ thực hiện.
Thứ hai, xác định rõ những mặt hàng mở rộng kinh doanh, khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhu cầu về vốn và cơ cấu mặt hàng trong tương lai.
Thứ ba, cần xác định trong tương lai công ty cần kinh doanh chủ yếu những mặt hàng nào. Điều này đảm bảo hoạt động đầu tư được tiến hành một các hợp lý và cân đối.
Thứ tư, một yếu tố quan trọng là phải đưa ra các mốc thời gian và mục tiêu định lượng cụ thể. Điều này giúp công ty có cái nhìn sáng tỏ về những gì mình đạt được và phải làm gì để đạt được những kết quả đề ra.
Xây dựng và phát triển thành công một chiến lược kinh doanh nhập khẩu, giúp công ty có những định hướng rõ ràng trong tương lai, hạn chế rủi ro, nắm bắt tốt cơ hội gia tăng doanh thu, tăng cường khả năng quản lý chi phí từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu của công ty trong dài hạn.