Để hiểu được biến đổi gia đình, trước tiên phải hiểu được biến đổi xã hội vì gia đình không nằm ngoài xã hội. Biến đổi xã hội luôn là chủ đề trung tâm của xã hội học. Từ giữa thế kỷ XIX, các nhà xã hội học đã bắt đầu nghiên cứu về biến đổi xã hội xuất phát từ nhu cầu thực tiễn: đi tìm lời giải thích cho hai làn sóng biến đổi lớn đang xảy ra sau cuộc cách mạng Pháp và Mỹ. Đó là quá trình công nghiệp hóa và sự mở rộng nền dân chủ, mở rộng quyền công dân.
Từ cơ sở lý thuyết chức năng luận, Emile Durkheim cho rằng các biến đổi có thể được giải thích như là hiện tượng thường xuyên đi tìm kiếm trạng thái trung lập. Herbert Spencer trong quan điểm tiến hóa luận nhìn nhận sự biến đổi dựa trên sự tăng trưởng dân số và những khác biệt về cấu trúc. Một xã hội có thể biến đổi một cách tích cực (thích ứng) hay tiêu cực (không thích ứng). Các lý thuyết xung đột giải thích sự biến đổi xã hội như là hệ quả tất
yếu của các cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các giai cấp, các sắc tộc hay nhóm xã hội. Ví dụ theo quan điểm của Daniel Bell (1976) thì sự biến đổi là do mâu thuẫn giữa ba lĩnh vực: cấu trúc kinh tế - kỹ thuật (khoa học, công nghệ và kinh tế); hệ thống chính trị; văn hóa. Sự biến đổi này thường không đều và mang tính bộ phận do hiện tượng “trễ văn hóa” – văn hóa thường biến đổi chậm so với sự phát triển của công nghệ và chính trị. Mặc dù, có những quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về biến đổi xã hội nhưng chúng ta có thể thống nhất khái niệm biến đổi xã hội theo quan niệm của G.Endrwei & G.Trommsdorff (2001): “Biến đổi xã hội là một quá trình xã hội về những thay đổi trong cơ cấu của một hệ thống xã hội. Những thay đổi này liên quan đến các đặc trưng của nó”.( 57, tr 91)
Biến đổi gia đình cũng mang những nét đặc trưng của các biến đổi xã hội. Một quan điểm thống nhất khi nghiên cứu biến đổi của gia đình là tiếp cận từ quan điểm lịch sử: xác định một thời điểm mốc là căn cứ đo lường, đánh giá những đặc điểm riêng của gia đình hiện nay với những đặc điểm của quá khứ.
Có nhiều quan điểm của các tác giả về sự biến đổi của gia đình. Có thể nêu một số quan điểm chính sau đây:
Theo tác giả Vũ Tuấn Huy năm 1945 với những đặc điểm chuyển đổi của nền kinh tế chính là cơ sở cho sự phân định ranh giới cho sự biến đổi của gia đình Việt Nam. Cách mạng tháng Tám xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa, xây dựng nền kinh tế dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường, tự do hóa thương mại, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có tác động mạnh mẽ đến đời sống gia đình cả về phương diện cấu trúc và chức năng trong các chiều cạnh của đời sống gia đình. Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội chính là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự biến đổi của gia đình.
Cũng lấy mốc biến đổi năm 1945 nhưng tác giả Mai Huy Bích (2003) không đi từ yếu tố kinh tế để giải thích sự biến đổi. Theo tác giả, nhân tố quan trọng để lý giải sự biến đổi gia đình chính là những cải cách mà Nhà nước thi hành. Tức là tác giả gắn biến đổi gia đình với vai trò của Nhà nước. Nhà nước đã chủ trương thay đổi gia đình cũ, tạo ra gia đình mới để phù hợp với hệ thống kinh tế xã hội mới. Bắt đầu từ hiến pháp đầu tiên (1946) cho đến nay, Nhà nước đều có các chính sách bảo vệ gia đình, nhưng không phải là gia đình hiện trạng mà là mẫu hình gọi là “gia đình tốt”, “gia đình văn hóa”, “gia đình xã hội chủ nghĩa”
Tác giả Khuất Duy Hồng cũng căn cứ vào sự chuyển đổi từ một xã hội này sang một xã hội khác làm cơ sở phân định ranh giới sự biến đổi nhưng theo tác giả mốc thay đổi phải là năm 1954. Vì theo tác giả chế độ thực dân phong kiến chính thức bị xóa bỏ hoàn toàn vào năm 1945 nhưng sau đó cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954 đã trở thành trung tâm thu hút mọi sự nỗ lực của Nhà nước và nhân dân. Chính vì vậy mà chỉ có thể từ năm 1954 khi chế độ mới bắt đầu vận hành một cách bình thường trong điều kiện hòa bình thì những biến đổi xã hội quan trọng mới xuất hiện.
Dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, nền kinh tế tự cung, tự cấp đã nhường chỗ cho sản xuất hàng hóa, phân công lao động sản xuất phát triển, đẩy mạnh quá trình di cư từ nông thôn ra thành thị. Căn cứ vào những thay đổi này, có ý kiến cho rằng biến đổi sâu sắc nhất của gia đình dưới tác động của công nghiệp hóa là đã mất đi một số chức năng như chức năng sản xuất, chức năng giáo dục do có sự chia sẻ của xã hội.
Theo Goode, cùng với luồng di cư từ nông thôn ra thành thị thì giới trẻ cũng thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình để tham gia vào môi trường lao động mới, tự do hơn trong việc lựa chọn bạn đời và cũng duy trì ít hơn quan hệ với họ hàng. Công nghiệp hóa đã giải phóng con người và tạo ra một hình thái gia đình tự do và bình đẳng hơn. Như vậy, theo tác giả sự biến đổi của gia đình thể hiện ở hai mối quan hệ xương sống: quan hệ giữa các thế hệ
trong mạng lưới thân tộc mở rộng (cha mẹ và con cái) và quan hệ giới (quan hệ vợ chồng).
Một số nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam hiện nay xem xét vấn đề biến đổi gia đình dưới ảnh hưởng của Nho giáo. Ví dụ nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo khi so sánh giữa gia đình truyền thống ở Bắc Bộ và Nam Bộ của Việt Nam để tìm sự khác biệt trong quan hệ họ hàng mở rộng, thiết chế thờ cúng tổ tiên, mô hình thừa kế và quan hệ hôn nhân, vai trò giới và những chức năng gia đình (Đỗ Thái Đồng, 1991). Hay nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo về phương diện tổ chức gia đình và quan hệ viếng thăm trong nghiên cứu lịch sử đời sống Việt Nam (Hischman và Vũ Mạnh Lợi, 1991). Việt Nam có sự kết hợp văn hóa Nho giáo Đông Á và tổ chức gia đình, nhưng có một sự linh hoạt đáng kể về vai trò giới và những nghĩa vụ mà nó là đặc trưng của gia đình Đông Á. Gia đình Việt Nam cũng như xã hội Việt Nam nói chung không thể trùng hợp hoàn toàn với nền văn hóa Đông Á hoặc Đông Nam Á.
Nghiên cứu biến đổi gia đình là chỉ ra sự biến đổi có tính thiết chế. Ở mức độ nào mô hình tổ chức xã hội trong hoạt động của các cá nhân biến đổi từ khung cảnh bên trong gia đình, thân tộc, đến các tổ chức bên ngoài gia đình (Vũ Tuấn Huy, 1996). Sự biến đổi này không tách rời hoàn toàn với những đặc trưng của gia đình truyền thống mà là một sự điều chỉnh thích nghi với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới. Theo tác giả, sự phát triển của công nghiệp hóa và đô thị hóa chưa đủ sức mạnh để tạo ra những biến đổi căn bản trong mô hình nơi ở và các quan hệ thân tộc nhưng về mô hình hôn nhân thì đã có một sự thay đổi đáng kể. Đó là xu hướng con cái tự quyết định trong việc tìm hiểu và lựa chọn bạn đời - một đặc trưng hướng đến gia đình hạt nhân. Sẽ có những khía cạnh của đời sống gia đình biến đổi theo xu hướng tích cực trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa những cũng có những biến đổi sẽ cản trở chính những yếu tố khác của biến đổi gia đình.
Quan điểm của các nhà nghiên cứu khác nhau về biến đổi gia đình, tựu trung lại biến đổi gia đình là quá trình chuyển đổi từ hình thái gia đình này
sang hình thái khác được đặc trưng bởi sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng của gia đình. (57, tr 112)