Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng của Hàn Quốc

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ TÁI CẤU TRÚC (Trang 33)

Cuối năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, Hàn Quốc đã phải vay tổng cộng 57 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ thế giới IMF để cứu nguy hệ thống ngân hàng và giúp nền kinh tế khỏi đổ vỡ. Đây là hậu quả của một thời gian dài chính phủ dễ dãi trong việc cấp tín dụng cho các tập đoàn lớn khiến hoạt động đầu tư trở nên dàn trải, nợ xấu các ngân hàng tăng cao. Vậy nhưng bằng những chính sách tái cấu trúc đúng hướng, chỉ sau 5 năm kinh tế Hàn Quốc đã lấy lại thăng bằng và phát triển mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Có rất nhiều kinh nghiệm quý giá Việt Nam có thể học hỏi từ đất nước này.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc đó là: sự quản lý của các cổ đông với các Chaebol (một mô hình khác của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình tại Hàn Quốc) rất yếu kém do không có sự tách bạch rõ ràng giữa quan hệ sở hữu và quản lý. Hai là, mặc dù các ngân hàng đã được cổ phần hóa nhưng chính phủ vẫn có thể can thiệp vào quyết định cho vay của họ. Và mối quan hệ dễ dãi quá mức giữa chính phủ và giới doanh nghiệp khiến các chaebol dễ dàng vay vốn ngân hàng. Ba là, việc các tập đoàn được phép đầu tư không hạn chế vào các quỹ đầu tư, công ty tài chính khiến họ càng dễ dàng vay vốn từ các kênh này. Một mặt họ tăng cường phát hành trái phiếu và giấy tờ có giá trên thị trường vốn, mặt khác không ngừng vay từ các ngân hàng. Và chính các ngân hàng cũng đứng ra mua trái phiếu, giấy tờ có giá của Chaebol

Trước tình hình khủng hoảng nêu trên, chính phủ Hàn Quốc đã tung ra 3 biện pháp để giải quyết tình hình. Một mặt ngân hàng trung ương Hàn Quốc bơm mạnh vốn vào hệ thống tài chính (tương đương 14% GDP). Đồng thời chính phủ tung tiền mua lại nợ xấu (tương đương 7% GDP) và áp dụng chính sách bảo vệ người gửi tiền (tương đương 5% GDP). Các ngân hàng thiếu hụt vốn được cấp thêm vốn trong khi các định chế tài chính phi ngân hàng bị đóng cửa. Người dân được bảo đảm rằng tiền gửi của họ được chính phủ bảo lãnh. Chính phủ Hàn Quốc cũng chủ động mời các nhà đầu tư nước ngoài tái cấp vốn các ngân hàng và nâng cao khả năng quản trị.

Cách làm này đã giúp chính phủ nâng cao giá trị các ngân hàng và giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách. Cùng lúc đó Seoul đưa ra các chuẩn khắt khe hơn đối với

việc phân loại nợ nhằm bơm đủ vốn và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào các ngân hàng khó khăn.

Để giải quyết lượng nợ xấu của các ngân hàng lên tới 92 tỷ USD, tương đương 20% GDP, Hàn Quốc thành lập một công ty xử lý nợ (KAMCO) trực thuộc chính phủ để mua lại nợ theo giá thị trường. Chi phí mà chính phủ bỏ ra để mua lại số nợ này chỉ là 33 tỷ USD với tỷ lệ chiết khấu bình quân 64%. Sau đó số nợ xấu này được xử lý bằng cách phát hành các chứng khoán được đảm bảo bằng các tài sản này cũng như bán trực tiếp. Chính nhờ sự xuất hiện của công ty xử lý nợ tập trung đã tạo ra một thị trường giao dịch nợ xấu và khuyến khích các ngân hàng bán bớt nợ xấu. Các biện pháp này đã giúp cải thiện nhanh chóng tình hình tài chính cũng như quản trị của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đã giảm mạnh từ mức đỉnh 13,6% vào năm 1999 xuống chỉ còn 2,4% trong năm 2002. Tỷ lệ an toàn vốn tăng mạnh từ mức đáy 7% năm 1997 lên 10,5% năm 2002.

Hầu hết các khoản nợ xấu bị cho là phải xóa nợ cũng dần được thu hồi. Mức xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng hồi phục và đến đầu năm 2001 chính phủ Hàn Quốc không còn phải bảo đảm tiền gửi cho người dân. Sau 5 năm thua lỗ, các ngân hàng bắt đầu có lời từ năm 2001 và tăng trưởng nhanh từ 2002 và phát triển ổn định cho đến nay.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ TÁI CẤU TRÚC (Trang 33)