0
Tải bản đầy đủ (.doc) (47 trang)

Pây mạ điếng (đi cà kheo)

Một phần của tài liệu TRÒ DIỄN VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG CỦA NGƯỜI TÀY XÃ YÊN LỖ, HUYỆN BÌNH GIA, TỈNH LẠNG SƠN (Trang 38 -38 )

7. Cấu trúc nội dung đề tài

2.2.13 Pây mạ điếng (đi cà kheo)

Xuất phát từ điều kiện sống ở miền núi, đường xá đi lại khó khăn, khe suối nhiều, nhất là những lúc mùa đông giá lạnh, đi cà kheo trở thành hiện tượng phổ biến của đồng bào Tày ở Lạng Sơn.

Như đã nói ở phần trên, trong quá trình chuẩn bị đón tết, đồng bào đã làm sẵn mạ điếng (cà kheo). Mỗi gia đình chuẩn bị một vài bộ và tập các động tác đi, đứng, chạy…

Thể lệ cuộc chơi này là người phải đứng chân trên cà kheo, hai tay cầm hai bên, cà kheo cao so với mặt đất bao nhiêu thì tuỳ, nhưng đoạn cây từ chỗ để chân trở lên phải cao bằng người để tay cầm. Khi đi, chân nào tay ấy cùng phối hợp nhịp nhàng. Trong quá trình đi không được ngã. Cách thức thi, tuỳ nhiều địa phương có những hình thức khác nhau nhưng cũng chỉ diễn ra theo một số hình thức như sau: Thi chạy nhanh cự ly 50 – 100m, ai về đích trước sẽ giành phần thắng. Thi đi cà kheo hái quả, cự ly từ 20 – 30m. Trước khi thi người ta đã dựng cột và treo chùm quả vào sẵn. Ai đi nhanh hơn và hái được quả thì sẽ được thưởng do Pú mo trao tặng tại bàn thờ của đình.

Trò thi cà kheo thật là vui nhộn, nhất là trò thi hái quả. Đây là một động tác rất khó vì khi đứng cà kheo rất dễ bị ngã. Cho nên người giữ thăng bằng thật tốt mới có thể hái được quả. Trong quá trình thi, người thì ngã người thì vấp, gây nên những trận cười sảng khoái cho người xem không biết chán.

Khoảng 4 – 5 giờ chiều, hội chuyển sang lễ cầu mùa. Người ta tập trung quanh mâm Pú mo. Pú mo cầm chậu nước đứng trên bàn cao làm lễ cầu trời xin nước tưới ruộng, lời khấn có đoạn: “Khấn trời cho nắng, hạn lui đi, cho mưa tụ về, dồn nước đầy đồng thấp, tràn đồng cao, lúa xen bờ trên lúa ngập bờ dưới, lúa tốt hơn năm ngoái, lúc nhiều hơn năm kia, lúa

chắc hạt nặng gẫy gánh đòn, lúa chất ba gian nhà, lúa đầy trên giàn bếp, lúa tẻ ăn không hết, lúa nếp ăn không chê.

Anh em ơi được trời chấp thuận cho mưa gió thuận hoà rồi nhé… ai cũng phải gắng sức làm công, ai siêng năng thì được, ai biếng thì không nhé, đây này, đây này,… trời cho mưa thuận gió hoà này…”. Vừa khấn, Pú mo vừa té nước ra xung quanh, người ta chú ý chen vào gần Pú mo cho “nước mưa” rơi vào mình để được hưởng lộc xuân.

Sau lễ cầu mùa, Pú mo làm lễ cúng lợn, con lợn này đã được các thành viên trong bản thịt từ trước lúc làm lễ cầu mùa. Pú mo khấn vài câu, con lợn được chia cắt thành từng phần và chia cho các gia đình trong bản, mỗi gia đình được một phần thịt của mình. Gia đình nào cũng được như nhau, không phân biệt và họ đem về nhà trong tâm trạng rất phấn khởi vì họ cho rằng đây là lộc của thần.

Hội tan, các đám sư tử đi chúc tết các gia đình trong bản, sau đó chào thổ công rồi mới ra về. Tuy nhiên các đội sư tử đều được mời ở lại ăn uống và trao đổi kinh nghiệm, đánh võ vui với dân bản. Thanh niên thường được trai gái trong bản mời ở lại để đêm xuân còn sli, lượn đối đáp thâu đêm, đến sáng mới tạm biệt ra về mà không quên hò hẹn cùng nhau sang hội khác. Bởi vậy tình yêu trong sáng mặn mà cũng có thể nảy nở qua các buổi hát đua tài này. Đêm xuân sli, lượn làm vui cả bản, người trẻ hát người già thức nghe, cảm thấy tuổi xuân trẻ lại trong lòng, người già giỏi hát còn chỉ dẫn cho bọn con trẻ nghệ thuật diễn xướng.

Đến với lễ hội Lồng Tồng chúng ta không những được chứng kiến sự giục dã, thôi thúc trong tiết tấu của tiếng chiêng trống, của sư tử với các điệu khua rộn rã dồn dập, với những điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng, những động tác múa võ, múa gậy chan chát, những con sư tử rực màu xanh đỏ múa vờn với khỉ và báo đông… mà chúng ta còn được chứng kiến những cuộc thi tài của các trò chơi dân gian như đánh cờ, bắn nỏ, đi cà kheo và nhiều trò vui khác.

Ai đã đến với lễ hội Lồng Tồng Yên Lỗ dù chỉ một lần, sẽ khó mà quên được cảnh trai gái hát giao duyên bằng những lời sli, lượn, phong slư mượt mà, duyên dáng, dịu dàng đằm thắm, những lời chào hỏi, những bữa cơm thân mật, những lời chúc tụng của khách thập phương.

Đến với lễ hội Lồng Tồng Yên Lỗ, chúng ta sẽ được chứng kiến những đôi trai gái thanh lịch với những bộ quần áo đẹp, màu sắc sặc sỡ trổ tài tung những quả còn tình yêu, quả còn định mệnh. Quả còn bay đi gửi gắm bao tình thương nỗi nhớ để rồi chia tay bịn rịn, không muốn rời xa nhau.

CHƯƠNG III

GIÁ TRỊ CỦA TRÒ DIỄN, TRÒ CHƠI DÂN GIAN

TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Một phần của tài liệu TRÒ DIỄN VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG CỦA NGƯỜI TÀY XÃ YÊN LỖ, HUYỆN BÌNH GIA, TỈNH LẠNG SƠN (Trang 38 -38 )

×