Tức sáng (thi đánh sảng)

Một phần của tài liệu TRÒ DIỄN VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG CỦA NGƯỜI TÀY XÃ YÊN LỖ, HUYỆN BÌNH GIA, TỈNH LẠNG SƠN (Trang 31)

7. Cấu trúc nội dung đề tài

2.2.7 Tức sáng (thi đánh sảng)

Sảng là một trò chơi dân gian được đồng bào rất ưa thích, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Trò chơi này đã xuất hiện từ lâu đời, hàng năm cứ đến mùa gặt, thanh niên trai tráng thi nhau làm sảng. Như đã nói ở trên, họ đẽo gọt rất cầu kỳ đến độ tinh xảo. Sân chơi của sảng là một bãi đất rộng, bằng phẳng, đất cứng không gồ ghề và khô ráo, như vậy sảng

mới quay được tốt. Cách thức chơi của sảng cũng rất đơn giản. Mỗi lần chơi có ít nhất từ hai người trở lên. Đầu tiên, người chơi buộc dây vào ngón tay, cũng có nơi không buộc mà cầm ở tay, đầu dây bên kia cuộn vào cổ sảng cho đến hết dây, dây càng dài thì độ quay của sảng càng lớn. Khi cuộn xong, họ giang tay tung ra sân, sảng quay tít thò lò. Họ cùng tung ra một lúc, sảng nào quay lâu hơn thì người đó sẽ thắng cuộc. Cho nên khi tung sảng ra, mọi người gập đầu dây lại đập túi bụi vào sảng để cho nó quay lâu hơn. Đây là một trò rất vui mắt, nếu như cuộc chơi có hàng chục người tham gia sẽ là một trò tỉ thí ngoạn mục.

Sau khi tung sảng mở màn xong, người nào thắng cuộc sẽ là người được đánh trước. Những người thua phải tung sảng ra, các con sảng phải quay tít thò lò. Người được đánh trước giơ tay tung sảng đập vào đầu các con sảng của người thua cuộc. Khi chạm vào sảng của người thua, con sảng của người đánh cũng phải quay tít nếu không quay coi như ván đó kết thúc và tổ chức ván khác. Có những lúc sảng tung mạnh làm cho sảng của người thua vỡ làm đôi hoặc sứt sát. Những trận đánh như vậy thật là vui vẻ. Cho nên khi làm sảng, họ còn dùng đinh sắt đóng vào đầu nhọn của sảng để khi đánh làm cho đối phương hết cơ hội chơi lại.

Hàng năm, cứ sau vụ gặt tháng 10 âm lịch, đặc biệt trong các dịp lễ hội, ở khắp các bản làng đâu đâu cũng gặp trò chơi đánh sảng, tiếng va đập chan chát của sảng cùng với tiếng hò reo thắng trận làm cho không khí vui tươi tràn ngập khắp ngõ xóm. Đây cũng là trò chơi vui nhộn nhất của các cháu thanh thiếu niên nam. Sau mỗi trận thắng, họ kéo về các nhà vui vẻ và kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình.

2.2.8 Tức lọ (đánh đáo)

Tức lọ (đánh đáo) cũng là một trò chơi rất phổ biến của đồng bào Tày Lạng Sơn. Đối tượng chơi rất rộng rãi bao gồm cả nam nữ trai gái, già, trẻ. Bãi chơi không cần rộng như đánh sảng nhưng cũng phải tương đối bằng phẳng. Các quân đáo chủ yếu là đồng xu bằng kẽm (một loại

tiền kim loại trước đây), riêng quân cái được làm bằng đá nhưng cũng có nơi làm bằng gỗ được đẽo tròn như đã mô tả ở trên.

Giữa sân chơi, người ta đào một lỗ nhỏ bằng cái bát con, trông xa như một cái lọ. Cho nên đồng bào mới gọi là tức lọ. Lỗ này dùng làm để nơi dấu quân. Từ lỗ, người ta đo lấy 3m đến 4m, sau đó kẻ vạch xuất phát, ranh giới quy định cho người chơi. Thể lệ chơi cũng giản đơn, mỗi lần chơi có thể 3 – 4 hoặc trên chục người, miễn là người chơi có đồng xu và khi thua hoặc mất hết quân không được thắc mắc, lại càng không được phá đám.

Từng tốp, sau khi bàn bạc thống nhất ai đánh trước, ai đánh sau theo tuần tự xong, bắt đầu chơi. Đầu tiên tất cả những người chơi đứng vào đúng vị trí và tung các đồng xu vào xung quanh lọ. Sau đó người đánh đầu tiên cầm cái ném vào chỗ có đồng xu, nếu đồng xu rơi vào lọ sẽ được ăn đồng xu đó và có quyền ném tiếp các đồng xu khác. Lúc này vị trí ném không phải ở vạch ranh giới nữa mà được vào gần lọ để ném. Họ ném cho đến lúc nào không trúng nữa thì hết quyền và chuyển sang người khác. Cuộc chơi cứ thế kéo dài cho đến lúc kết thúc.

Tức lọ (đánh đáo) cũng là một trò chơi dân gian không thể thiếu được của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung cũng như của dân tộc Tày và Nùng nói riêng. Sau mỗi lần đánh, người thắng cuộc được rủng rỉnh những đồng xu trong túi. Họ cho rằng đó là số may để năm đó làm ăn tốt đẹp. Những người thua cuộc có buồn đôi chút nhưng họ lại quyết tâm sang năm sẽ làm ăn tốt hơn. Trò tức lọ (đánh đáo) có sức thu hút lôi cuốn mê hồn trong các lễ hội. Cho nên nó được truyền từ đời này sang đời khác, tồn tại cho đến ngày nay.

2.2.9 Tức bi (đánh bi)

Trò chơi tức bi (đánh bi) cũng là một trò chơi dân gian được nhiều tầng lớp thanh thiếu niên ưa thích. Để chuẩn bị đón tết hàng năm, họ đã chuẩn bị các loại bi. Bi cái dùng đá xanh ghè đập, mài cho thật tròn. Bi

quân, người ta vào rừng chọn tìm những quả bồ hòn bóc lấy hạt. Hạt quả bồ hòn đen bóng, tròn lẳn trông rất đẹp.

Bãi để chơi bi, không cần rộng nhưng phải phẳng và nhẵn, không có cỏ, không lồi lõm, đảm bảo khi đánh, bi phải lăn tròn được. Người ta kẻ “để đặt bi và vạch xuất phát. Từ ô để bi đến vạch xuất phát khoảng 1 – 1,5m. Cách chơi, mỗi người đặt vào ô để bi 5 – 10 viên tuỳ theo sự thống nhất của nhóm chơi. Sau đó họ ra đứng ở cạnh vạch xuất phát bắt đầu thực hiện cuộc chơi. Họ nắm tay để hòn bi cái vào giữa hai ngón tay cái và ngón tay trỏ. Ngón tay trỏ quặp vào lòng bàn tay, ngón tay trỏ ngả ra để giữ viên bi. Khi bắn bi dùng tay trái chống xuống đất làm bệ tỳ, ngón tay cái lấy đà bật viên bi ra, viên bi cái bay và đập vào viên bi quân, làm cho nhóm bi quân ở trong “tản ra. Nếu bi cái không dính vào bi quân thì tiếp tục bắn bi quân ăn cho kỳ hết. Nếu bi cái dính vào bi quân hoặc bắn không vào bi quân thì dừng lại cho người tiếp theo và cứ thế cho đến kết thúc cuộc chơi.

2.2.10 Tức khăng (đánh khăng)

Khăng là một loại trò chơi thể thao dân gian của đồng bào có từ lâu đời. Đánh khăng là một thú vui của thanh thiếu niên trong các dịp lễ hội xuân hoặc những ngày thanh nhàn. Khăng gồm có hai đoạn cây, một ngắn 20cm, một dài 50cm. Bãi chơi tương đối rộng trong ruộng hoặc sân đình. Người chơi đào một lỗ nhỏ làm nơi hất khăng và vạch phân định 20 – 30m từ nơi hất khăng đến nơi người đón khăng.

Cách chơi, người ta đặt đoạn khăng ngắn ngang miệng lỗ, sau đó dùng đoạn khăng dài hất đoạn khăng ngắn ra chỗ người đón, bên người đón. Bên đón thi nhau bắt lấy đoạn khăng, nếu ai bắt được coi như là may mắn và sẽ tung trở lại chỗ người hất khăng. Lúc này người hất khăng dùng đoạn khăng dài quật trở lại, nếu trúng đoạn khăng ngắn bay xa đến đâu thì sẽ dùng đoạn khăng dài của chính người hất khăng đo lấy. Sau đó dùng tay cầm hai cây khăng thả đoạn khăng ngắn rơi xuống tự do và quật

đoạn khăng đó bay đi xa bao nhiêu thì đo bấy nhiêu. Trong quá trình đánh ai được nhiều khăng hơn người đó thắng. Mỗi lượt chơi chỉ được một lần, dù được nhiều hay ít khăng vẫn phải dành cho người khác. Ai thắng thua khi vãn cuộc chơi sẽ tính tổng xác định.

Trò chơi khăng tương đối phong phú, các thanh thiếu niên nam nữ tập trung chơi rất vui nhộn. Cuộc chơi khăng có thể kéo dài từ ngày này sang ngày khác, kể cả trong lúc đi chăn trâu, các cháu nhỏ cũng có thể chơi. Ngày nay, trò đánh khăng vẫn phổ biến ở khắp các vùng nông thôn miền núi.

2.2.11 Tức của thầu (chơi của thầu)

Tức của thầu (chơi của thầu) là một trò chơi dân gian của đồng bào Tày Lạng Sơn. Sân chơi là một bãi đất rộng bằng phẳng, diện tích tối thiểu từ 10m2 trở lên. Đối tượng chơi chủ yếu là nữ thanh thiếu niên. Vật dùng để chơi của thầu rất đơn giản, đồng bào thường dùng miếng ngói vỡ hoặc miếng đá mỏng và que tre để kẻ “ruộng” (ruộng ở đây là ruộng tượng trưng). Sân bãi được vẽ theo hình chữ nhật có vạch kẻ chia đôi hai bên và chia làm 8 – 10 ô. Hai ô trên cùng gọi là “ruộng” quan được kẻ to hơn. Ô dưới bên trái được vạch ký hiệu là “ruộng cấm”.

Người chơi phải chuẩn bị mang theo đồ vật của mình. Một sân chơi

của thầu có thể tổ chức được rất nhiều người chơi. Mỗi lần chơi chỉ được một người thực hiện, không có đối kháng. Kết quả ai thắng cuộc là người được nhiều “ruộng” nhất và cuộc chơi kết thúc là lúc các “thửa ruộng” trên sân đã hết, bằng cách họ kẻ những vạch báo hiệu.

Luật chơi, được quy định như sau: khi ném mảnh ngói vào các ô phải trúng giữa ô, nếu vật đè lên vạch hoặc sát mép của vạch coi như phạm quy. Người đi phải nhảy lò cò một chân co lên, một chân đi. Vừa đi vừa đá mảnh ngói và phải đá qua vạch, nếu chạm vào vạch thì dừng lại để cho người khác đi. Nếu như các “ruộng” trên đường đi đã bị người ta ăn thì phải nhảy vượt qua. Trong khi đá mảnh ngói vượt qua ranh giới đến

“ruộng” của mình thì có quyền đứng cả hai chân xuống đất. Khi đá mảnh ngói ra hết mới được làm động tác thứ hai là quay lưng cầm mảnh ngói tung vào các thửa “ruộng”, nếu vật đó rơi vào “ruộng” nào thì được ruộng đó. Nếu tung đúng vạch thì không được và dành cho người khác.

Cách chơi, đầu tiên người chơi tung mảnh ngói vào ô và co chân nhảy lò cò theo các “thửa ruộng” từ phải qua trái và ngược lại, và đá mảnh ngói qua các “thửa ruộng”. Nếu đá qua chót lọt không phạm quy thì xong bước một. Sau đó quay lưng làm động tác tung mảnh ngói xuống “ruộng”, tiếng Tày – Nùng gọi là phào Nà. Đầu tiên họ tung lấy ruộng gần nhất, ruộng đầu tiên và kẻ một ô nhỏ, vì “thửa ruộng” này phải chia cho nhiều người, nếu như cuộc chơi có 10 người thì phải dành cho 10 ô. Cho nên mỗi người được một mảnh. Sau khi được một mảnh trong ruộng thứ nhất thì tiếp tục ném mảnh ngói vào các ruộng tiếp theo và co chân nhảy lò cò như động tác ở trên, và quay lại đá mảnh ngói ra ngoài. Trong quá trình đá phải hết sức khéo léo để mảnh ngói đi đúng hướng, không chạm vào các vạch quy định và sau khi đá ra ngoài, lại quay lưng tung mảnh ngói lấy “ruộng”. Cứ thế cuộc chơi kéo dài khi các “thửa ruộng” bị lấy hết thì cuộc chơi kết thúc.

Ngày nay trò chơi của thầu còn hết sức phổ biến trong các bản làng của người Tày Lạng Sơn. Người ta có thể chơi cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là đêm trăng sáng. Đặc biệt là trong các ngày lễ hội Lồng Tồng thường được chơi sôi nổi nhất.

Một phần của tài liệu TRÒ DIỄN VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG CỦA NGƯỜI TÀY XÃ YÊN LỖ, HUYỆN BÌNH GIA, TỈNH LẠNG SƠN (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(47 trang)
w