Ở Hà Nội thời gian qua, vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp thời kỳ Pháp thuộc cũng đã được một số tổ chức trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, song những công trình nghiên cứu này vẫn còn mang tính chất cục bộ, tập trung ở một vài khu vực, chưa mang tính toàn diện để từ đó chính quyền thành phố có thể đưa ra một kế hoạch bảo tồn di sản kiến trúc mang tính tổng thể và chi tiết. Trong khi đó, các công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng này đang ngày càng xuống cấp, biến dạng nghiêm trọng bởi sự tác động của thời gian, khí hậu, cũng như áp lực của quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số của Hà Nội. Do đó, vấn đề bảo tồn là vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu hiện nay đối với loại di sản đô thị này, trước khi tính đến việc đưa chúng vào khai thác phục vụ phát triển du lịch. Sau đây là một số giải pháp cho việc bảo tồn loại tài nguyên du lịch này:
- Có biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình đã được công nhận làm di tích lịch sử văn hóa để phục vụ tốt việc phát triển du lịch hiện tại.
- Cần có sự đầu tư một cách khoa học, nghiêm túc vào việc xây dựng một công trình nghiên cứu mang tính chất tổng thể và chi tiết về các công trình kiến trúc Pháp thời kỳ Pháp thuộc tại Hà Nội, nhằm mục đích khoanh vùng chính xác khu vực cần tập trung bảo tồn. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm bảo tồn các khu đô thị lịch sử của một số nước có những đặc
điểm tương đồng với Hà Nội, như ý tưởng về các khu vực bảo tồn lịch sử -
văn hóa của Trung Quốc được đưa ra vào năm 1986, hay những chính sách và quy hoạch bảo tồn bảo tồn của Ủy ban quốc gia tái phát triển đô thị của Singapore dành cho các khu đô thị lịch sử như Chinatown, Kampong Glam, Litle India, hoặc kế hoạch tổng thể bảo tồn khu phố cổ ở Bangkok, Thái Lan với việc giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đô thị, bảo tồn và phát triển du lịch, đồng thời nhấn mạnh vai trò tham gia của người dân trong công tác bảo tồn...Cụ thể, để đặt được mục đích xác định chính xác khu vực, tuyến phố tập trung nhiều công trình kiến trúc Pháp thời kỳ Pháp thuộc điển hình, có giá trị lịch sử, văn hóa lớn tại Hà Nội thì ta cần thực hiện công tác lập hồ sơ chi tiết cho từng công trình, từ đó làm cơ sở để công nhận di tích lịch sử - văn hóa cho các công trình mang giá trị đặc biệt hoặc giá trị cao. Do hiện nay số lượng các công trình kiến trúc Pháp thuộc đã được công nhận là di tích và hưởng chế độ bảo tồn của thành phố vẫn còn rất ít. Đồng thời việc lập hồ sơ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phân cấp, quản lý và bảo tồn di tích sau này.
- Xây dựng kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn cho hoạt động bảo tồn di sản kiến trúc Pháp thuộc. Nguồn vốn có thể huy động từ các nguồn như nhà nước, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân đang sử dụng công trình, di sản...
- Thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cộng đồng về những giá trị của di sản kiến trúc Pháp thuộc tại Hà Nội