Quy định hình phạt

Một phần của tài liệu Pháp luật về phòng chống tham nhũng của Singapore và bài học cho Việt Nam (Trang 45)

Thứ nhất, về hình phạt tiền. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005

của Việt Nam không quy định các hình phạt khi có hành vi tham nhũng xảy ra. Do đó, khi xử phạt hành vi tham nhũng, chúng ta phải dẫn chiếu các quy định trong Bộ luật hình sự. Trong Bộ luật hình sự tại Chương XXI mục A quy định về các tội phạm về chức vụ, cụ thể là từ Điều 278 đến Điều 291 Bộ luật hình sự tương ứng với các hành vi được mô tả trong Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 của Việt Nam. Theo đó, đối chiếu các mức hình phạt quy định từ Điều 278 đến Điều 291 Bộ luật hình sự với Điều 28 của Bộ luật hình sự thì mức hình phạt lần lượt từ thấp đến cao là phạt tiền, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định mức hình phạt đối với tội tham nhũng là hình phạt tù và phạt tiền, đơn cử như tại khoản c Điều 6:

Bất kỳ người nào cố ý đưa hối lộ cho cá nhân, hoặc cá nhân cố ý nhận hối lộ nhằm cố ý làm sai trái với thủ trưởng của mình về

chứng từ, tài khoản và các tài liệu khác mà thủ trưởng của mình đang xem xét giải quyết hoặc báo cáo sai sự thật, sẽ bị coi là tội phạm và chịu hình phạt lên đến 100.000 đô la Singapore hay phạt tù lên đến 5 năm hoặc cả hai [36].

Mặc dù đều quy định chế tài là phạt tiền nhưng đối với Việt Nam và Singapore cách quy định về mức phạt tiền là hoàn toàn khác nhau.

Bộ luật hình sự Việt Nam thì quy định về hai dạng: một là phạt tiền ở một mức cụ thể, hai là mức phạt tiền không cố định gồm phạt tiền gấp bao nhiêu lần số tiền mà người phạm tội đã có được do hành vi phạm tội của mình gây ra hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với mức phạt tiền cố định, tùy vào từng loại tội phạm mà có mức phạt tiền khác nhau. Nhưng nhìn chung, các mức phạt tiền cố định được tập trung vào các tội danh tham ô tài sản (Điều 278), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), tội giả mạo trong công tác (Điều 284) và các mức phạt ở các tội danh đều khác nhau, nhưng mức thấp nhất là ba triệu đồng và mức phạt cao nhất là năm mươi triệu đồng.

Đối với các mức phạt tiền không cố định, mức phạt tùy thuộc vào số tiền mà người phạm tội có được do hành vi phạm tội của mình gây ra. Các hình phạt này tập trung vào các tội như Tội nhận hối lộ (Điều 279), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 283).

Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore, hình phạt quy định mức phạt tiền cụ thể và mức phạt tiền là 100.000 SGD (tương đương khoảng 1,2 tỷ VNĐ), thêm vào đó người phạm tội còn bị phạt thêm khoản vụ lợi là tiền hoặc nếu vật có thể định giá được thì người phạm tội phải nộp thêm khoản tiền phạt đó theo khoản 1 Điều 13:

Khi toà kết tội tham nhũng một người theo quy định của luật này, sau đó, nếu khoản hối lộ là tiền hoặc nếu giá trị của vật hối lộ

có thể định giá được, thì toà có thể áp dụng thêm hình phạt khác đối với người đó, bắt người đó phải nộp tiền phạt, hay một khoản tiền tương ứng với vật hối lộ, theo quyết định của toà, giá trị của khoản hối lộ và mọi khoản tiền phạt có thể tịch thu như tiền phạt [36]. Qua đó, chúng ta thấy mức phạt tiền quy định trong pháp luật Việt Nam và Singapore có khác nhau. Ở Việt Nam, tùy vào loại tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt tiền tương ứng. Còn Singapore quy định mức phạt các tội đều ở mức 100.000 SGD.

Đối với một số loại tội phạm, mức phạt tiền 100.000 SGD mà luật pháp Singapore quy định là cao, nhưng dễ đạt mục đích trừng phạt và ngăn ngừa tội phạm. Ở Việt Nam, quy định mức phạt tối đa cố định ở mức năm mươi triệu đồng là thấp, rất thấp đối với một số tội như tội tham ô tài sản, người phạm tội có thể nhận được số tiền rất lớn so với mức phạt mà điều luật quy định. Còn đối với khoản tiền phạt không cố định thì quy định lại quá cao, vì người phạm tội phải trả gấp từ một đến năm lần số tiền mà mình có được do hành vi phạm tội gây ra, như quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự: "Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi". Như vậy, việc quy định mức tiền phạt trong Bộ luật hình sự hiện nay là không hợp lý. Vì thế, các nhà lập pháp nên quy định áp dụng một mức chung đối với các loại tội phạm như pháp luật phòng, chống tham nhũng Singapore đã quy định. Nhưng mức phạt này phải phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, bảo đảm không được ở mức quá thấp hoặc là ở mức quá cao như hiện nay.

Biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội có thể làm cho người phạm tội sợ mà không dám thực hiện hành vi của mình, đồng thời giúp Nhà nước có thể thu lại khoản tiền mà người phạm tội có được từ hành vi phạm tội của mình. Biện pháp này mang tính khả thi hơn việc tịch

thu gấp bao nhiêu lần số tiền mà người phạm tội có do hành vi của mình. Quy định này cũng tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc thi hành bản án, vì số tiền này là số tiền có thực mà người phạm tội sẽ bị mất. Nhưng còn một số khó khăn trong việc thực hiện quy định này, đó là về vấn đề kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản đã được quy định từ rất lâu trong Pháp lệnh năm 1998 về việc kê khai tài sản nhưng đến nay, việc kê khai vẫn chưa được thực hiện tốt. Do đó, để thi hành biện pháp tịch thu tài sản, cần phải thực hiện nhanh chóng việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đồng thời phải kiểm tra tính chính xác của việc kê khai tài sản. Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: "Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên" [29].

Thứ hai, về hình phạt tù. Cả Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore

và Bộ luật hình sự của Việt Nam đều quy định hình phạt tù đối với hành vi tham nhũng. Nhưng mức phạt tù quy định trong Bộ luật hình sự của Việt Nam cao hơn so với mức phạt tù quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định mức hình phạt tù thấp nhất là 5 năm và cao nhất là 7 năm. Còn Bộ luật hình sự Việt Nam quy định mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và mức cao nhất là chung thân. Song, dù mức phạt tù của Bộ luật hình sự Việt Nam cao hơn mức phạt tù của Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore, nhưng do chính sách nhân đạo của Đảng và của Nhà nước ta, đến nay chưa một tội phạm nào phải chịu mức hình phạt tù chung thân phải thụ án chung thân, mà đều được tha trước thời hạn.

Thứ ba, về hình phạt tử hình. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore

không quy định hình phạt đối với các hành vi tham nhũng có mức hình phạt là tử hình, mà chỉ quy định mức hình phạt là phạt tù và mức phạt tiền, nhưng Bộ luật hình sự Việt Nam thì ngoài quy định mức hình phạt là phạt tiền, phạt tù có thời hạn và phạt tù không thời hạn, còn có quy định mức hình phạt tử hình.

Có thể thấy, tử hình là mức hình phạt cao nhất trong hệ thống khung hình phạt của nước ta. Hiện nay đang có hai luồng ý kiến về việc có nên hay không bỏ án tử hình đối với hai tội danh là tham ô được quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự và tội danh hối lộ được quy định ở Điều 279 Bộ luật hình sự.

Một phần của tài liệu Pháp luật về phòng chống tham nhũng của Singapore và bài học cho Việt Nam (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)