Tương tự như Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 và Bộ luật hình sự Liên bang Nga, Bộ luật hình sự Nhật bản khi quy định về xóa án tích cũng không đưa ra khái niệm cụ thể về án tích hay xóa án tích. Tại Điều 34.2 - Hết hiệu lực của việc xử phạt, quy định:
1. Khi đã qua mười năm kể từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt tù không có lao động bắt buộc hoặc hình phạt nặng hơn, hoặc đã được miễn chấp hành hình phạt đó mà không bị kết án phạt tiền hoặc hình phạt nặng hơn về tội khác thì việc kết án hết hiệu lực. Cũng áp dụng tương tự như vậy khi đã qua năm năm kể từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt tiền hoặc hình phạt nhẹ hơn, hoặc đã được miễn chấp hành hình phạt đó mà không bị kết án phạt tiền hoặc hình phạt nặng hơn về tội khác.
2. Trong trường hợp một người đã bị tuyên bố có tội nhưng được miễn hình phạt và không bị kết án phạt tiền hoặc hình phạt nặng hơn về tội khác trong vòng hai năm kể từ khi việc tuyên bố đó có hiệu lực pháp luật thì việc tuyên bố người đó có tội hết hiệu lực [7].
Với quy định trên, chúng tôi thấy rằng:
- Thứ nhất, Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định án tích trong các trường hợp người bị kết án bị áp dụng hình phạt và đã thi hành xong hoặc được miễn chấp hành hình phạt đó. Án tích không có khi người phạm tội được miễn hình phạt.
- Thứ hai, khác với điều kiện để án tích bị dừng không phải do phạm tội mới, mà phải là do bị kết án về tội phạm mới và bị áp dụng hình phạt tương đương hoặc nặng hơn. Điều này xuất phát từ việc nghiên cứu nguyên tắc "một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án".
Như vậy, tuy người bị kết án phạm tội mới nhưng tội phạm đó chưa bị kết án hoặc bị kết án và xử phạt nhẹ hơn hình phạt đối với tội phạm trước đó thì thời hạn để tính xóa án tích vẫn tiếp tục.
- Thứ ba, theo tinh thần của điều luật thì theo Bộ luật hình sự Nhật Bản chỉ có một hình thức xóa án tích duy nhất là đương nhiên xóa án tích.