4 tháng giai đoạn 2008-2013
3.1. Định hướng trong việc sử dụng các biện pháp tài chính nhằm nâng cao năng lực
cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam
Xuất phát từ yêu cầu thực tế và đường lối phát triển kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc xác định: “ Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế trí thức.”, việc đề xuất các giải pháp tài chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các Doanh nghiệp Việt Nam cần phải quán triệt các quan điểm mang tính định hướng sau:
Quan điểm 1: Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa làm cơ sở cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa là cơ sở để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Bởi vậy, trước hết các doanh nghiệp cần tăng cường khai thác, phát huy nội lực, kích thích nhu cầu trong nước và tiến tới chiếm lĩnh, làm chủ thị trường nội địa. Đồng thời các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh của mình để vươn lên chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế sẽ đem lại cho doanh nghiệp thị trường lớn hơn, được trả giá cao hơn, đồng thời tạo nguồn
ngoại tệ để nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị hiện đại mà trong nước chưa sản xuất được , giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Quan điểm 2: Tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh cho mọi doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, mục tiêu chủ yếu là đạt lợi nhuận cao và tạo được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, để tạo ra trạng thái cân bằng và bền vững cho nền kinh tế đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà nước trong việc tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Muốn có cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước phải định ra luật lệ và điều quan trọng là phải sử dụng hữu hiệu các công cụ để kiểm tra việc thực hiện luật lệ trong quá trình cạnh tranh của các doanh nghiệp, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi, thủ đoạn gian lận trong cạnh tranh, nhất là trong các lĩnh lực tài chính như buôn lậu, trốn thuế, vi phạm bản quyền… Bởi vậy các giải pháp tài chính đưa ra cần phải hướng tới việc góp phần duy trì và hoàn thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát huy và nâng cao khả năng cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh đồng nhất, mà ở đó không có sự phân biệt các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và tất cả đều tuân thủ pháp luật.
Quan điểm 3: Bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có điều kiện và có thời hạn nhằm giúp đỡ và thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là tất yếu và trở thành điều kiện không thể thiếu với mỗi quốc gia. Hội nhập tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết khó khăn về vốn, kỹ thuật công nghệ, tiếp thu được các kinh nghiệm về quản lý của các nước và mở rộng thị trường. Mặt khác, hội nhập cũng tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện nhiều ngành
nghề mới phát triển, phần lớn thiết bị, công nghệ còn lạc hậu so với khu vực và trên thế giới. Trong tình hình đó, đòi hỏi cần có sự bảo hộ một cách hợp lý sản xuất trong nước, song sự bảo hộ này là có chọn lọc và có điều kiện. Việc bảo hộ chỉ nên thực hiện đối với các loại hàng hóa sản xuất trong nước có lợi thế, đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tiềm năng phát triển. Đặc biệt, không thể lãng phí tiền của của Nhà nước để hỗ trợ những doanh nghiệp yếu kém, giá thành sản phẩm quá cao, không có khả năng cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước chứ chưa nói đến khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, cụ thể về việc bảo hộ trong quá trình hội nhập quốc tế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời vừa nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Muốn vậy, Nhà nước cần phải thực hiện các biện pháp tài chính một cách có hiệu quả như Thuế và các biện pháp chống buôn lậu để thiết lập hàng rào bảo hộ hợp lý và cần thiết, giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững cả ở thị trường trong nước và quốc tế.
Quan điểm 4: Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện nay trên thế giới, cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, tuy nhiên trình độ kỹ thuật và công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức rất thấp. Bởi vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thì vấn đề đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong đổi mới kỹ thuật công nghệ là thiếu vốn. Vì vậy, chính sách tài chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp cần phải tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ vốn nhanh hơn từ các nguồn vốn bên trong có khả năng huy đông được và thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng yêu cầu đổi mới trang thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình
hội nhập.
Quan điểm 5: Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, về cơ bản phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp cụ thể.
Trong thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có một số điểm chung cần lưu ý như:
- Các doanh nghiệp chưa khai thác hết khả năng tạo uy tín và hiệu quả thông qua chính sách tài chính hỗ trợ tối đa cạnh tranh để có thể tiếp cận nguồn vốn không đến nỗi khan hiếm hiện nay. Các tổ chức tài chính của Việt Nam dù tiềm lực chưa lớn, nhưng nguồn vốn không phải là nhỏ và hiện khan hiếm các dự án hiệu quả để cho vay. Vấn đề là các doanh nghiệp phải năng động, phải đầu tư để có thông tin thị trường và thông tin về đối thủ để có quyết sách đầu tư đúng đắn, qua đó mới có sức mạnh về sản phẩm, về giá cả và quy mô để thắng thế trong cạnh tranh. Các chính sách này không những phải có tầm nhìn dài hạn mà còn phải đủ linh hoạt và năng lực thực hiện.
- Phải biết sử dụng đúng đắn tiềm năng con người và xã hội Việt Nam. Lượng lao động xã hội khá lớn và độ tuổi trung bình trẻ là lợi thế giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới kỹ thuật mà không vấp phải lực cản lớn. Tuy nhiên, kỷ luật lao động cần phải được chú trọng nhằm giữ ổn định tổ chức sản xuất và kiểm soát chất lượng. Không thể áp dụng nguyên xi các mô hình quản lý doanh nghiệp của phương Tây, nhưng cũng không nên thụ động chờ hoàn cảnh. Đặc biệt, cần có chiến lược thu hút và sử dụng nhân tài làm việc trong công ty. Có đội ngũ cán bộ quản lý đầy năng lực, tích cực, năng động và tận tụy là lợi thế so sánh lớn nhất của doanh nghiệp trong cạnh tranh.
Doanh nghiệp Việt Nam phải tích cực mở cửa liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nước ngoài. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành đạt trên thế giới cho thấy: không có doanh nghiệp nào đủ sức bao trùm mọi thế mạnh của ngành. Đợi chờ sự tích tụ năng lực trong từng
doanh nghiệp ngày nay thì rất chậm. Tăng quy mô sản xuất bằng vốn vay cũng chỉ giải quyết được những lợi thế hạn hẹp của một doanh nghiệp, còn liên doanh, liên kết, thậm chí sát nhập để trở thành các tập đoàn kinh tế lớn sẽ ngay lập tức hội tụ được các lợi thế mà từng doanh nghiệp đã tích lũy được theo những con đường khác nhau.