II. Nội dung phân tích kĩ thuật công nghệ
4. Chọn máy móc thiết bị
Tuỳ thuộc công nghệ và phương pháp sản xuất mà lựa chọn máy móc thiết bị thích hợp. Đồng thời, còn căn cứ vào trình độ tiến bộ kỹ thuật, chất lượng và giá cả phù hợp với khả năng vận hành và vốn đầu tư, với điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa, công suất, tính năng, điều kiện vận hành, năng lượng sử dụng, điều kiện khí hậu...Sau khi đã chọn được loại máy móc thiết bị cho dự án phải lập bảng liệt kê mô tả đầy đủ theo các căn cứ để lựa chọn đã trình bày. Trong bảng liệt kê phải sắp xếp các thiết bị máy móc thành các nhóm sau đây: máy móc thiết bị chính trực tiếp sản xuất; thiết bị phụ trợ; thiết bị vận chuyển, bốc xếp, băng truyền; thiết bị và dụng cụ điện; máy móc và thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng dụng cụ, phòng thí nghiệm; thiết bị và dụng cụ bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng, thay thế; thiết bị an toàn, bảo hộ lao động, phòng cháy, xử lý chất thải; các loại xe đưa đón công nhân, xe con, xe tải; các máy móc, thiết bị khác. Giá mua các loại thiết bị này có thể sử dụng bảng hiện giá hoặc tham khảo các thông tin qua các cơ quan đại diện, các chuyên gia kỹ thuật. Để có thể mua được thiết bị mong muốn với giá phải chăng nên dùng phương thức đấu thầu. Giá này bao gồm chi phí sản xuất, chi phí mua bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, tên hiệu thương mại, chi phí huấn luyện chuyên môn, chi phí lắp ráp, vận chuyển... Đối với máy nhập, dùng giá CIF + chi phí bảo hiểm, bốc dỡ vận chuyển đến tận nhà máy. Nếu chi phí lắp đặt máy móc thiết bị tính tách riêng thì nó có thể ước lượng từ 1 - 15% hay hơn nữa tuỳ thuộc vào loại thiết bị và tính phức tạp của việc lắp đặt. Nếu thời gian giao máy trên 18 tháng thì phải dự kiến tốc độ trượt giá. Công suất của máy móc thiết bị: Cần phân biệt các loại công suất:
• Công suất thiết kế là khả năng sản xuất sản phẩm trong 1 giờ của thiết bị.
• Công suất lý thuyết là công suất tối đa trên lý thuyết mà thiết bị có thể thực hiện được với giả thiết là máy móc hoạt động liên tục không bị gián đoạn vì bất cứ lý do nào như mất điện, máy hư hỏng ... trong thời gian quy định (bao nhiêu ca trong một ngày, bao nhiêu ngày trong một năm).
• Công suất thực tế : luôn nhỏ hơn công suất lý thuyết, là công suất thực tế đạt được. Trong điều kiện hoạt động tốt nhất trong công suất thực tế cũng chỉ đạt được 90% công suất lý thuyết. Sự khác biệt này do nhiều nguyên nhân nảy sinh trong quá trình hoạt động
• Công suất kinh tế tối thiểu: biểu hiện bởi mức sản phẩm cần thiết phải được sản xuất trong một đơn vị thời gian để đem lại lợi ích cao nhất. Có nhiều loại thiết bị nếu công suất quá nhỏ là không kinh tế vì chi phí sản xuất bình quân cho một đơn vị sản phẩm rất cao. Xác định công suất khả thi của dự án và mức sản xuất dự kiến. Khi xác định công suất thực tế khả thi của dự án và mức sản xuất dự kiến cần căn cứ vào các yếu tố sau đây: nhu cầu thị trường, trình độ kỹ thuật của máy móc thiết bị, khả năng cung cấp nguyên vật liệu, chi phí sản xuất và chi phí về
vốn đầu tư. Thông thường, những năm đầu do những khó khăn khác nhau về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ chỉ dự kiến sử dụng 40 - 50% công suất. Chỉ từ năm thứ ba và thứ tư trở đi mới có thể đạt được công suất thực tế khả thi. Tuy nhiên, mức sản xuất dự kiến trong các năm đầu của dự án khác nhau có thể có sự khác nhau đáng kể tuỳ thuộc vào nhu cầu thị trường, vào đặc điểm của sản phẩm và quy trình công nghệ. Từ việc xác định công suất khả thi của dự án sẽ lựa chọn loại công suất của máy móc thiết bị tối ưu.