II. Nội dung phân tích kĩ thuật công nghệ
3. Công nghệ và phương pháp sản xuất:
Khái niệm công nghệ: Công nghệ là một hệ thống các giải pháp mà người sử dụng trong quá trình thực hiện một mục tiêu cụ thể: Chế tạo sản phẩm, xây dựng một công trình, thực hiện một dịch vụ
- Theo luật Khoa học-công nghệ Việt Nam: Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm.
- Công nghệ gồm hai phần:
+ Phần cứng: máy móc, thiết bị, nhà xưởng, dụng cụ
+ Phần mềm: Con người: người lao động có kĩ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sản xuất, làm việc có kỷ luật, năng suất cao;Thông tin: phương pháp, quy trình, bản vẽ dữ liệu, thuyết minh mô tả, sáng chế, bí quyết, chỉ dẫn kĩ thuật; Tổ chức: bố trí sắp xếp, đào tạo đội ngũ, cơ chế điều hành kiểm tra, chuẩn mực lề lối quan hệ…
Để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm có thể sử dụng nhiều loại công nghệ và áp dụng nhiều phương pháp sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, mỗi loại công nghệ và phương pháp sản xuất cho phép sản xuất ra sản phẩm cùng loại, nhưng có những đặc tính, chất lượng và chi phí sản xuất khác nhau. Do đó phải xem xét và lựa chọn trong các công nghệ và phương pháp sản xuất hiện có loại nào thích hợp nhất đối với loại sản phẩm mà dự án dự định sản xuất, phù hợp với điều kiện của máy móc, thiết bị cần mua sắm, với khả năng tài chính và yếu tố có liên quan khác như tay nghề, thể lực, trình độ quản lý. Để lựa chọn công nghệ và phương pháp sản xuất thích hợp cần xem xét các vấn đề sau đây:
- Công nghệ và phương pháp sản xuất đang được áp dụng trên thế giới: Công nghệ chế biến hay công nghệ chế tạo? Đặc biệt chú ý đến các phần mềm của công nghệ (bí quyết, kiến thức, kinh nghiệm...). Yêu cầu tay nghề của người sử dụng; yêu cầu về nguyên vật liệu, năng lượng sử dụng, khả năng chuyển sang sản xuất mặt hàng khác khi mặt hàng cũ không còn thích hợp; nguồn cung cấp công nghệ ; Các phương thức cung cấp ; quyền sở hữu công nghiệp, dấu hiệu hoặc tên thương mại của sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước, giá cả và ngoại tệ.
- Khả năng về vốn và lao động. Nếu thiếu vốn, thừa lao động thì nên chọn công nghệ kém hiện đại, rẻ tiền, sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm. Ngược lại, nếu nhiều vốn, thiếu lao động thì chọn công nghệ hiện đại, đặt tiền, sử dụng ít lao động . Xu hướng lâu dài của công nghệ để đảm bảo tránh sự lạc hậu hoặc khó khăn gây trở ngại cho việc sử dụng công nghệ trong khi còn chưa thu hồi đủ vốn.
- Khả năng vận hành và quản lý công nghệ có hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ quá hiện đại hoặc còn đang được thử nghiệm sẽ có nhiều mạo hiểm ; chi phí mua công nghệ quá lớn, công suất sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm cao, giá bán cao nhiều khi không thích hợp với điều kiện thị trường của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ quá lạc hậu sẽ sản xuất ra sản phẩm chất lượng kém, khó tiêu thụ trên thị trường ngay cả thị trường trong nước. - Nguyên liệu sử dụng đòi hỏi loại công nghệ nào?
- Điều kiện về kết cấu hạ tầng hiện có, khả năng bổ sung, có thích hợp với công nghệ dự kiến chọn hay không?
- Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phong tục tập quán của dân cư nơi sử dụng công nghệ. Đó là sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, sự chấp nhận và có thể tiếp thu công nghệ của dân cư ...
- Các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng công nghệ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước nghèo. Chẳng hạn các loại công nghệ hiện đại thì thị trường công nghệ rất giới hạn, do đó người đi mua công nghệ thường ở thế bị động . Tình trạng phải ngừng sản xuất do sự phụ thuộc vào một số người cung cấp là điều dễ xảy ra. Khi chọn công nghệ cần chọn loại có nhiều nguồn cung cấp nhằm tạo sự cạnh tranh trong cung cấp công nghệ, từ đó sẽ mua được công nghệ với giá phải chăng, mặt khác tạo thế chủ động trong hoạt động sau này. - Xem xét toàn diện các khía cạnh kinh tế kỹ thuật của công nghệ. Ưu điểm của các loại công nghệ có thể khác nhau, có loại tiết kiệm năng lượng nhưng lại sử dụng nhiều nguyên vật liệu, lao động hoặc các chi phí khác và ngược lại. Lại phải xem xét ở nhiều nơi, nhiều nước để lựa chọn được công nghệ thích hợp với giá phải chăng, lựa chọn được công nghệ tối ưu với điều kiện của đất nước, của cơ sở. Sau khi đã chọn được phương pháp sản xuất hoặc quy trình công nghệ cho dự án, phải mô tả chi tiết và làm rõ lý do chọn. Tiếp đó là lập sơ đồ quy trình công nghệ đã chọn. Sơ đồ này cho thấy một cách đơn giản hoặc chi tiết tiến trình sản xuất từ đầu vào (nguyên liệu) qua các công đoạn sản xuất chế biến đến đầu ra (thành phẩm). Các sơ đồ chi tiết hơn có thể cho thấy cả các nhu cầu về vị trí, không gian, kích thước, khoảng cách của các máy móc thiết bị, về điện, về các tiện nghi phục vụ sản xuất khác.
* Những nội dung trình bày trong báo cáo nghiên cứu khả thi:
- Tên công nghệ được lựa chọn và những đặc điểm của nó - Vẽ sơ đồ công nghệ
- Các yêu cầu về điều kiện môi trường đối với công nghệ được lựa chọn - Các yêu cầu về an toàn kĩ thuật
- Nguồn cung cấp công nghệ và phương thức chuyển giao công nghệ - Danh mục dây truyền thiết bị kèm theo mẫu mã và các đặc tính cơ bản - Các yêu cầu về chương trình phụ
- Các tác động tiêu cực đối với môi trường (nếu có) và biện pháp khắc phục