NHỮNG THÀNH TỰU

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Trang 59)

* Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng trưởng mạnh mẽ

Sau 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhiều văn bản, nghị định, hiệp định đã được ký kết giữa hai nước, đặc biệt các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hai nước diễn ra hàng năm đã tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước ngày càng phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước không ngừng tăng lên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2007 kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 15.559 triệu USD, tăng 413 lần so với năm 1991, vượt mục tiêu đề ra giữa hai nước cho năm 2010 (15 tỷ USD). Hiện nay, Trung Quốc đang là bạn hàng lớn của Việt Nam ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường nhập khẩu. Với những thành tựu trên đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của hai nước những năm qua, đặc biệt vùng kinh tế liền kề biên giới hai nước.

* Tăng thu ngân sách của các tỉnh biên giới

Cùng với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước gia tăng, thu ngân sách của các tỉnh biên giới phía Bắc cũng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các tỉnh có cửa khẩu có khối lượng buôn bán lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Trong tổng số thu ngân sách các tỉnh biên giới phía Bắc, tỷ trọng của thuế xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ cao, điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đối với quá trình phát triển kinh tế của các tỉnh này. Năm 1991 tỷ trọng thuế xuất nhập khẩu chiếm 30,30% tổng thu ngân sách, năm 1994 đã lên 55,06% và những năm qua giữ được mức bình quân 46,84% [17, tr.159]. Với việc tăng thu ngân sách đã góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt kinh tế – xã hội của các tỉnh biên giới (hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng…) tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tư nhân tăng cường, mở rộng buôn bán qua biên giới, vừa thu lợi nhuận cho bản thân, vừa tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Việc mua bán và trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã tác động đến chuyển dịch kinh tế ở một số vùng biên giới. Ở những vùng có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, có hệ thống giao thông thuận lợi đã phát triển mạnh dịch vụ thương mại, hình thành nên tầng lớp tư thương, những người làm dịch vụ buôn bán, kinh doanh ăn uống, hình thành nên đội ngũ làm nghề chở khách và vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện cơ giới và bằng sức người, góp phần làm tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của các tỉnh biên giới. Ngoài ra, ở một số vùng đã có sự chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu tập trung như vùng chè, cam, quýt…Chăn nuôi cũng có bước phát triển khá, nhiều vật nuôi mới được phát triển như: dê sữa, bò lai, giống lợn ngoại, gà công nghiệp…bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung, tạo thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến. Việc hình thành và phát triển các ngành nghề trên đã góp phần cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, tham gia xuất khẩu, làm tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo đối với dân cư trong vùng, đồng thời đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc từng bước phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

* Thúc đẩy một số ngành phát triển (tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ;

ngân hàng...)

Quá trình phát triển quan hệ thương mại hàng hóa giữa hai nước đã thúc đẩy một số ngành phát triển như: sản xuất hàng mây tre xuất khẩu, đồ gốm sứ, đồ gỗ gia đình…đây là những ngành hàng đang khó khăn về thị trường tiêu thụ. Đồng thời, thông qua trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã phát triển một loạt các loại hình dịch vụ: tạm nhập tái xuất, quá cảnh, đổi tiền, du lịch… góp phần cải thiện cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai nước, tăng giá trị hàng công nghiệp chế biến, thúc đẩy kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước không ngừng phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách nhập siêu giữa hai nước.

Thông qua chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt với Trung Quốc, Việt Nam đã xuất khẩu được một khối lượng lớn hàng nông thủy sản, rau quả nhiệt đới, các loại quặng kim loại, một số mặt hàng công nghệ đang khó khăn về thị trường tiêu thụ...góp phần ổn định đời sống của một bộ phận dân cư, đặt biệt là dân cư ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu một khối lượng lớn hàng hóa vật tư, máy móc thiết bị, hàng công nghiệp tiêu dùng của Trung Quốc, những hàng hóa này đã phục vụ đắc lực vào việc đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng của dân cư Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về phía Trung Quốc, thông qua hoạt động thương mại với Việt Nam đã giúp cho Trung Quốc tiêu thụ được một khối lượng hàng hóa giá rẻ, bị ứ đọng do sản xuất quá nóng của các thành phần kinh tế mà phần lớn do xí nghiệp hương trấn sản xuất ra. Đồng thời, Trung Quốc cũng nhập khẩu được rất nhiều nguyên, nhiên liệu thô, sơ chế để phục vụ cho sản xuất trong nước. Lợi ích thu được từ hoạt động thương mại với Việt Nam đã làm cho đời sống tinh thần và vật chất của các tỉnh biên giới của Trung Quốc được cải thiện nhanh chóng, tình trạng đói nghèo tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã được đẩy lùi.

* Tạo ra nhiều công ăn, việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân hai nước

Với chính sách mở cửa nền kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc, việc mua bán và trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã làm cho đời sống nhân dân ven biên giới giữa hai nước đã được cải thiện nhanh chóng, góp phần giảm bớt tỷ lệ đói nghèo, tạo ra nhiều công ăn việc làm, mỗi năm có thêm hàng vạn lao động có việc làm, và hàng ngàn lao động từ các vùng trong nước đến làm ăn. Đặc biệt, kinh tế phát triển đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân hai ven biên giới. Ngoài ra, giao lưu kinh tế giữa hai nước còn góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật – du lịch giữa các địa phương biên giới của hai nước, góp phần tăng cường thêm sự hiểu biết lẫn nhau, tạo

độ tin cậy giữa nhân dân hai nước, giữa doanh nghiệp hai nước với nhau trong quá trình hợp tác kinh doanh và trao đổi hàng hóa.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Trang 59)