Theo Koontz và O’Donnell, một trong những nguyên tắc mà công tác kiểm tra phải đảm bảo là hệ thống kiểm tra phải phù hợp với bầu không khí của tổ chức. Điều này Koontz và O’Donnell hàm ý rằng văn hóa của tổ chức có ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra. Ở các tổ chức thuộc nền văn hóa phương Đông, hệ thống kiểm tra được sử dụng là hệ thống mặc nhiên. Các tổ chức đề cao hình thức tự kiểm tra, tự sửa chữa những sai sót hơn là sử dụng những hình thức kiểm tra mang tính
“trừng phạt” từ bên ngoài. Công tác kiểm tra thiên về giúp đỡ hoàn thành tốt công việc của tập thể hơn là nhằm mục đích đánh giá thành tích cá nhân. Cụ thể, ở Việt Nam, người ta coi trong yếu tố tự phê bình, tự giác đặt một chương trình sửa chữa khuyết điểm là mục tiêu quan trọng trong công tác kiểm tra, và việc phê bình là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng tiến bộ. Mặt khác, do trong công tác lập kế hoạch không thường nêu nhiệm vụ của từng cá nhân cụ thể, trách nhiệm tập thể, lương bổng đặt nặng vào thâm niên, nên trong công tác kiểm tra các tổ chức thuộc loại hình văn hóa phương Đông thường hướng vào công việc hơn là con người cụ thể. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra phương châm trong công tác phê bình và tự phê bình là phê bình việc chứ không phê bình người.
Ngược lại, trong các tổ chức thuộc văn hóa Tây Âu – Bắc Mỹ, việc kiểm tra được thực hiện theo cơ chế hiển nhiên – bộ phận này làm có bộ phận khác kiểm tra theo “lý thuyết X”. Trong công tác kiểm tra, ngoài việc đảm bảo được kết quả công việc phù hợp với mục tiêu của tổ chức, nó còn nhằm mục tiêu rất quan trọng là để đánh giá thành tích cá nhân. Do tư duy chính xác, các tổ chức thường thiết lập một hệ thống kiểm tra khoa học và thường sử dụng các công cụ toán học để lượng hóa. Phần lớn các công ty phương Tây sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên kết quả công việc. Thông thường tính hiệu quả được đặt lên trên hết và họ dùng người một cách khá "sòng phẳng". Tôi cần anh cho công việc này với mức lương này và anh phải làm cho hết việc, không có sự chia sẻ khó khăn, không cần biết hoàn cảnh kinh nghiệm hay thành tích của anh trước đó. Cái làm tôi quan tâm là anh đã hoàn thành công việc mà tôi giao cho hay chưa.
Ơ cương vị của một người quản lý, họ không phải cân nhắc nhiều khi phải cho một nhân viên nghỉ việc sau nhiều năm cống hiến hết mình cho công việc của công ty vì một lý do đơn giản là họ muốn trẻ hoá đội ngũ, họ cho rằng nhân viên này đã hết "sức bật", thiếu sự "đột phá" và dù rằng anh ta chẳng mắc một khiếm khuyết to lớn nào.
Tại nhiều đơn vị kinh doanh thuần túy, việc đánh gía con người nhiều khi chỉ dựa vào khả năng kinh doanh, số lượng hàng hóa mà nhân viên bán được hoặc doanh thu mang về cho công ty.
Bên cạnh những mặt xấu thì cũng có nhiều mặt tích cực, vì nếu đánh giá nhân viên theo hiệu quả công việc sẽ bắt buộc mọi người phát huy hết mọi tiềm năng, doanh nghiệp cũng nhanh chóng đạt được mục tiêu hơn.
KẾT LUẬN
Văn hóa, theo định nghĩa chung nhất, là những giá trị vật chất và tinh thần mà loài người sáng tạo nên trong tiến trình lịch sử. Còn theo cách hiểu thông thường nhất, đó là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, bao gồm cả tư tưởng xã hội, tri thức xã hội, đạo đức xã hội, đời sống và lối sống xã hội...
Trong thời đại ngày nay, không có một dân tộc nào có thể tách rời hay sống biệt lập với thế giới. Riêng với văn hoá, tiến bộ của khoa học công nghệ thông tin lại càng đặt ra việc phát triển văn hoá đất nước không thể tách rời với văn hoá thế giới. Chúng ta mở cửa đón nhận truyền thống văn hoá bốn phương, tiếp nhận cái tốt, cái thích hợp, loại bỏ những cái không tốt, không thích hợp. Vì thế, mọi tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ những giá trị văn hóa của đất nước và chung tay xây dựng, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.
Trong tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để học hỏi và đổi mới. Song bên cạnh những thuận lợi, có rất nhiều khó khăn thử thách nảy sinh mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Để có thể tham gia trong một sân chơi lớn được tốt, yêu cầu các doanh nghiệp Việt nam phải có những bước biến đổi về chất. Một trong những nội dung thay đổi đó là phải xây dựng được một môi trường văn hoá lành mạnh. Một môi trường mà có những nhà quản lý đầy nhiệt huyết và đội ngũ nhân viên làm việc quên mình. Muốn có được lợi thế cạnh tranh, môi trường văn hoá của mỗi doanh nghiệp phải có sự nhìn nhận thường xuyên và coi đổi mới là công việc phải làm nếu muốn tồn tại. Đồng thời phải định vị đúng văn hóa của mình, xét đến năng lực của chính mình, những thế mạnh đã có và những khả năng tiềm ẩn để trên cơ sở đó cơ cấu và tổ chức lại, tìm ra mô hình độc đáo và phù hợp với công ty mình. Từ đó gia tăng sức mạnh tinh thần và khẳng định được vị thế của chính mình.