THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
Bộ Công thương xác định các thị trường xuất khẩu mục tiêu của ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
3.1.1. Thị trường Hoa Kỳ
Những năm gần đây, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD/năm hàng thủ công mỹ nghệ. Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2005 vào Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Năm 2006, Việt Nam xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 76,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,97% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, trong đó 36,8% triệu USD hàng gốm sứ, tăng 27,6% so với năm 2005 và tăng gấp 7 lần so với năm 2002 (Thống kê của Hải quan Việt Nam).
Mặc dù chất lượng sản phẩm của Việt Nam không thua kém gì hàng của Thái Lan, Trung Quốc… nhưng hiện tại, Trung Quốc mới là nước cung cấp lớn nhất các mặt hàng tiêu dùng vào Hoa Kỳ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số vẫn sản xuất đúng theo kiểu thủ công, tức là thuê lao động nông thôn gia công sản phẩm theo mẫu. Rất ít DN có nhà máy để sản xuất hàng loạt nên có nhiều trường hợp các DN nước ngoài sau khi xem sản phẩm thủ công Việt Nam liền đặt hàng với số lượng khá lớn nhưng DN Việt Nam lại không đáp ứng được. Bên cạnh đó, các DN còn gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng, phương tiện thanh toán và bất đồng ngôn ngữ...
Cùng với sự phát triển chóng mặt của internet, nhiều DN đã mạnh dạn lựa chọn con đường xuất khẩu bằng thương mại điện tử trên trang eBay.com. Trước đây, người Việt Nam buôn bán trên eBay.com thường là cá nhân, làm việc tại nhà, phục vụ chủ yếu người thích sưu tầm. Một con thuyền buồm mô hình ở thị trường Việt Nam giá 60 USD, bán được qua eBay với giá hơn 100 USD/chiếc. Mặt hàng ngọc và đá quý thô có xuất xứ từ Việt Nam được rao bán với giá 100 - 200 USD. Ngoài ra các bộ sưu tập tem Việt, tư liệu chủ đề chiến tranh Việt Nam, tiền cổ…cũng được nhiều người nước ngoài rất ưa thích…Có thể thấy, việc bán hàng sang Mỹ thông qua eBay.vn có rất nhiều ưu điểm như: Không tốn chi phí thuê mặt bằng, tìm kiếm khách hàng, giảm tối đa chi phí… rất thích hợp cho những DN quy mô sản xuất, tiềm lực tài chính nhỏ.
Để hàng thủ công, mỹ nghệ của Việt Nam bán được vào Mỹ đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu hệ thống phân phối và tìm cách tiếp cận hệ thống bán lẻ ở Hoa Kỳ để nắm bắt nhu cầu mặt hàng mới, mẫu mã mới, mức giá bán và xu hướng tiêu thụ của thị trường, nhằm chủ động sản xuất các mặt hàng mới phù hợp thị hiếu tiêu dùng.Các doanh nghiệp cũng cần tiến tới xây dựng đại lý phân phối của mình tại Hoa Kỳ để nhanh chóng cung cấp hàng cho các đầu mối bán lẻ. Việc này tuy có tốn kém, nhưng là tất yếu phải làm nếu muốn phát triển thị trường tại Hoa Kỳ.
Thị trường Hoa Kỳ đối với các mặt hàng tiêu dùng được tạo thành thông qua hệ thống bán buôn, bán lẻ rộng khắp, với nhiều hình thức bán hàng phong phú như hệ thống cửa hàng bách hoá truyền thống, trung tâm thương mại (Wal-mart, K-mart, Target, Sear…), các cửa hàng chuyên doanh, bán hàng trên mạng internet, quan TV…