cáo tài chính năm đầu tiên do Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán AASC thực hiện.
Qua những phân tích ở trên, đánh giá rủi ro kiểm toán là công việc hết sức quan trọng, đặc biệt hơn là đánh giá rủi ro kiểm toán năm đầu tiên. Đánh giá rủi ro có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh của công ty cũng như ảnh hưởng đến việc thiết kế các thủ tục cho mỗi cuộc kiểm toán. Em xin đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá rủi ro kiểm toán BCTC năm đầu được thực hiện bởi AASC.
Một là, Công ty nên ngày càng nâng cao chất lượng đội ngũ KTV.
Quy trình đánh giá rủi ro đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình kiểm toán đặc biệt là kiểm toán BCTC năm đầu tiên nên việc hoàn thiện quy trình này trở thành một tất yếu khách quan, nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên quá trình đánh giá lại được xây dựng dựa chủ yếu trên cơ sở những phán đoán nghề nghiệp của KTV, do vậy Công ty trước hết cần tập trung vào phần quan trọng của vấn đề: đó chính là những KTV - những người có vai trò quyết định trong việc đánh giá rủi ro. Các KTV không chỉ biết tuân theo đúng quy trình đánh giá đã được đưa ra mà còn cần linh hoạt trong những trường hợp đặc biệt, không áp dụng những hướng dẫn một cách máy móc vì những hướng dẫn không thể bao quát được hết tất cả những trường hợp đa dạng trong thực tế. Quá trình tích luỹ kinh nghiệm chính là chìa khoá của việc đánh giá rủi ro nhất là trong bối cảnh kiểm toán BCTC năm đầu tiên, điều này đòi hỏi KTV phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thu được.
Con người không chỉ là nhân tố quyết định trong quy trình đánh giá rủi ro mà còn là nhân tố quyết định cho toàn bộ cuộc kiểm toán, do vậy hoàn thiện mọi vấn đề trước hết phải hoàn thiện chính bản thân của các KTV. Công ty cần tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao khả năng phán đoán và kinh nghiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hơn nữa.
Hai là, Công ty nên nâng cao hiệu quả sử dụng lưu đồ trong việc đánh giá rủi ro kiểm soát.
Để mô tả hệ thống KSNB, KTV có thể sử dụng một trong ba cách: vẽ lưu đồ, lập bảng câu hỏi và lập bảng tường thuật. Lựa chọn cách nào là tùy thuộc đặc điểm của đơn vị được kiểm toán. Trong đó, lưu đồ được đánh giá là cách mô tả hiệu quả hơn cả, tuy nhiên cũng phức tạp nhất trong quá trình thực hiện.
Lưu đồ là sự trình bày toàn bộ các quá trình kiểm soát áp dụng cũng như mô tả các chứng từ tài liệu kế toán cùng quá trình vận động lưu chuyển chúng bằng các ký hiệu và biểu đồ. Lưu đồ về kiểm soát nội bộ giúp KTV nhận xét chính xác hơn về các thủ tục kiểm soát được áp dụng và dễ dàng chỉ ra những thủ tục cần bổ sung. Việc áp dụng mô tả hệ thống KSNB bằng lưu đồ tại AASC hiện nay còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào bảng câu hỏi kiểm soát nội bộ. Công ty nên áp dụng cả ba cách thức mô tả hệ thống KSNB tùy vào tính chất khách thể kiểm toán. Đặc biệt trong trường hợp có thể không bị sức ép về thời gian và chi phí thì công ty nên khuyến khích nhân viên của mình sử dụng mô tả hệ thống KSNB bằng lưu đồ. Để tăng hiệu quả của phương pháp này, công ty nên xây dựng những hướng dẫn cụ thể và cách thực hiện, các quy ước và ký hiệu sử dụng chung cho toàn công ty. Sau khi xây dựng được ký hiệu chuẩn trong lưu đồ, Công ty nên hướng dẫn cho KTV kỹ thuật vẽ và sử dụng lưu đồ.
STT Kí hiệu Nội dung
1
Tài liệu (Document): Mọi tài liệu giấy tờ như séc, hóa đơn bán hàng
2
Xử lí thủ công (Manual Operation): Bước xử lý này không thể tiến hành tự động được mà phải có tác động của con người như chuẩn bị hóa đơn, lập các bảng kê chứng từ…
3
Xử lí (Process): Ký hiệu này được sử dụng thay thế cho xử lý thủ công. Tuy nhiên hoạt động xử lý này có thể thực hiện với sự trợ giúp của máy móc mà không hoàn toàn thủ công.
4
Dữ liệu (Data): Miêu tả dữ liệu đầu vào hoặc đầu ra cho một quá trình
5
Đa dữ liệu (Multi-Document): Miêu tả những dữ liệu có tính chất tương tự nhau.
6
Sắp xếp dữ liệu theo cùng một tiêu chuẩn nào đó sao cho phù hợp với đối tượng cần miêu tả (Collate: Organizing data into a standard format or arrangement)
7
Lưu trữ dữ liệu (Shortage): Sử dụng ký hiệu này để lưu trữ những dữ liệu cần thiết
8
Quyết định (Decision): Miêu tả những sự lựa chọn khác nhau. Tùy theo đối tượng miêu tả sẽ chọn cách thức diễn giải phù hợp.
9
Lọc dữ liệu (Sort): Lọc dữ liệu theo một trật tự cho trước.
Ba là, Công ty nên tăng cường việc sử dụng thủ tục phân tích trong đánh giá rủi ro, xây dựng hệ thống tỷ suất tài chính phù hợp với từng ngành.
Mặc dù được xây dựng thành quy trình chuẩn, trong quá trình kiểm toán thực tế, nhìn chung, các kiểm toán viên của AASC chủ yếu mới chỉ sử dụng phân tích hợp lý và phân tích xu hướng mà chưa sử dụng nhiều, thậm chí là không sử dụng các phân tích tỷ suất.
Việc phân tích xu hướng sẽ cho ta thấy biến động của các chỉ tiêu giữa các kỳ với nhau từ đó thấy được biến động bất thường. Nhưng để hiểu bản chất và tính hợp lý của các nghiệp vụ phát sinh, nhiều khi chỉ nhìn vào đó thì chưa đủ mà còn cần phải thông qua phân tích các tỷ suất tài chính.
Không những thế, phân tích xu hướng thường chỉ áp dụng theo chuỗi thời gian mà không phân tích thông qua các đơn vị trong cùng một ngành. Do đó nhiều khi KTV không thể đánh giá đúng thực trạng hoạt động của khách hàng. Vì vậy, đối với mỗi khách hàng đặc biệt là khách hàng kiểm toán năm đầu, dù lớn hay nhỏ, tình hình kinh doanh phức tạp hay giản đơn, KTV cũng nên sử dụng triệt để các tỷ suất tài chính trong phân tích. Đồng thời, do mỗi lĩnh vực có những đặc điểm riêng nên Công ty cũng cần xây dựng cho mình một hệ thống các tỷ suất tài chính phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể để KTV có cơ sở và tạo nên một sự thống nhất trong công việc.
Bảng phân tích số liệu của đơn vị so với toàn ngành có thể lập theo mẫu sau:
Bảng 3.3: Phân tích số liệu của đơn vị so với toàn ngành
Chỉ tiêu Năm trước
Đơn vị Ngành Chênh lệch Tỷ lệ
(1) (2) (3) (4)=(2)-(3) (5)=(4)/(3)
• Nhóm tỷ suất phản ánh khả năng thanh toán
• Nhóm tỷ suất phản ánh khả năng cân đối vốn
• Nhóm tỷ suất phản ánh khả năng hoạt động
Trong đó:
Nhóm tỷ suất phản ánh khả năng thanh toán bao gồm:
+ Tỷ suất thanh toán ngắn hạn = Tài sản lưu động/ Nợ ngắn hạn
+ Tỷ suất thanh toán nhanh = (Tài sản lưu động- Dự trữ)/ Nợ ngắn hạn
+ Tỷ suất thanh toán tức thời = Các khoản tiền và tương đương tiền/ Nợ đến hạn Nhóm tỷ suất phản ánh khả năng cân đối Vốn bao gồm:
+ Tỷ suất Nợ trên Tổng tài sản = Tổng Nợ phải trả/ Tổng tài sản + Tỷ suất tự chủ về tài chính = Vốn chủ sở hữu/ Tổng nguồn vốn + Tỷ suất cơ cấu Vốn = Tổng Nợ phải trả/ Vốn chủ sở hữu
Nhóm tỷ suất phản ảnh khả năng hoạt động bao gồm:
+ Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/ Hàng tồn kho bình quân
+ Kỳ thu tiền bình quân = Các khoản phải thu bình quân/ Doanh thu bình quân + Hiệu suất sử dụng tổng tài sản = Doanh thu thuần/ Tổng tài sản bình quân + Hiệu suất sử dụng TSCĐ = Doanh thu thuần/ TSCĐ bình quân
Dựa vào những tỷ suất trên kết hợp với việc tìm hiểu tỷ suất bình quân của ngành nghề mà khách hàng đang tiến hành hoạt động, KTV sẽ đưa ra những nhận xét cụ thể về tình hình kinh doanh của khách hàng. Từ đó KTV sẽ thấy được bức tranh tổng quát về khách hàng năm đầu tiên mà mình cần đánh giá.
Đi đối với việc xây dựng hệ thống tỉ suất, Công ty nên thắt chặt việc soát xét hồ sơ, kiểm soát chất lượng, yêu cầu áp dụng thủ tục phân tích như là một thủ tục bắt buộc của mỗi cuộc kiểm toán. Qua đó sẽ giúp cho KTV nâng cao được năng lực cũng như nhận thức được tầm quan trọng của các thủ tục phân tích trong đánh giá rủi ro kiểm toán.
Bốn là, Công ty nên xây dựng được phần mềm đánh giá rủi ro kiểm toán
Như đã phân tích ở trên, đánh giá rủi ro kiểm toán là công việc hết sức quan trọng đặc biệt là kiểm toán BCTC năm đầu. AASC đã xây dựng được một quy trình đánh giá rủi ro năm đầu hết sức chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh giá của KTV chủ yếu dựa vào kinh nghiệm kết hợp với phương pháp mô tả, chưa ứng dụng được công nghệ thông tin vào quá trình đánh giá. Chính phương pháp này dẫn đến chi phí kiểm toán tăng lên, từ đó Công ty mất đi cơ hội cạnh tranh với những đối thủ có giá phí thấp hơn. Điều này sẽ gây cản trở không nhỏ cho AASC trong quá trình thực hiện chiến lược mở rộng thị trường trong những năm gần đây.
Vì vậy, Công ty nên đi sâu nghiên cứu xây dựng phần mềm đánh giá rủi ro kiểm toán nói chung và rủi ro kiểm toán BCTC năm đầu nói riêng. Để làm được điều này rất cần đến sự kết hợp tuyệt vời với kinh nghiệm của KTV trong Công ty. Phần mềm đánh giá rủi ro kiểm toán ra đời sẽ giúp cho công việc đánh giá trở nên nhẹ nhàng hơn. Từ đó tiết kiệm chi phí cho cuộc kiểm toán, giúp KTV tập trung vào thiết kế chương trình kiểm toán phù hợp cũng như nghiên cứu các thủ tục kiểm toán áp dụng. Đồng thời, việc áp dụng phần mềm vào đánh giá rủi ro kiểm toán cũng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, tăng sức cạnh tranh về giá phí với những công ty kiểm toán khác.
Việc xây dựng phần mềm đánh giá rủi ro kiểm toán là khả thi trong bối cảnh Công ty đang xây dựng kế hoạch tăng cường ứng dụng của công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán. Hi vọng trong thời gian gần nhất, phần mềm đánh giá rủi ro sẽ ra đời góp phần tạo sự chuyên nghiệp hơn trong quá trình đánh giá rủi ro; từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán.
Năm là, Công ty nên chú trọng nhiều tới việc sử dụng tư liệu chuyên gia
Hiện tại ở Công ty AASC việc KTV ít chú ý đến việc sử dụng tư liệu chuyên gia một phần là do các tài liệu này chưa được sắp xếp khoa học. AASC nên xây dựng thư viện tư liệu chuyên gia phục vụ cho mục đích tra cứu, chia sẻ thông tin cho KTV dễ dàng hơn, nhất là khi KTV đi công tác ngoại tỉnh. Thư viện này có thể lưu trữ các quyết định, các văn bản hướng dẫn hạch toán riêng cho từng ngành như ngành điện lực, bưu điện, viễn thông… Đặc biệt là trong bối cảnh kiểm toán năm đầu, việc tra cứu thông tin từ
chính nguồn nội bộ Công ty sẽ giúp ích khá lớn cho KTV trong quá trình khảo sát khách hàng cũng như đưa ra mức rủi ro thích hợp.
KẾT LUẬN
Một trong những nhân tố quyết định thành công của cuộc kiểm toán BCTC năm đầu tiên đó là việc đánh giá rủi ro kiểm toán một cách thích hợp. Quy trình đánh giá rủi ro góp phần giúp kiểm toán viên và Công ty kiểm toán nhận diện được những rủi ro thường gặp với từng nghiệp vụ hay chu trình. Từ những rủi ro đã nhận diện được đó, KTV sẽ chủ động hơn trong việc xác định số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập, từ đó có định hướng để thiết lập được các thủ tục kiểm toán cần thiết.
Hiện nay ở Việt Nam, số lượng các Công ty kiểm toán xây dựng được một quy trình đánh giá rủi ro BCTC năm đầu tương đối hoàn chỉnh không nhiều. Nguyên nhân là do đánh giá rủi ro kiểm toán đặc biệt là kiểm toán năm đầu tiên thường tốn khá nhiều chi phí và nguồn lực, các Công ty kiểm toán với quy mô nhỏ thường bỏ qua bước này để có thể cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng.
Tuy nhiên đánh giá rủi ro kiểm toán năm đầu tiên lại mang lại cho KTV những kinh nghiệm quý báu để áp dụng cho cùng một chủ thể khách hàng những năm tiếp theo. Chính việc tìm hiểu kỹ càng về khách hàng ở năm đầu tiên sẽ giúp cho KTV có kinh nghiệm với khách hàng, nắm bắt được những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác tài chính kế toán; đồng thời tư vấn cho khách hàng để có được công tác quản lý tài chính minh bạch.
Nhận thức được điều này cùng với cam kết mang lại cho khách hàng một chất lượng dịch vụ tốt, Công ty AASC đã ngày càng hoàn thiện quy trình đánh giá rủi ro kiểm toán năm đầu tiên. Đây cũng là bước quan trọng nhằm hướng dẫn cho KTV trong những cuộc kiểm toán năm tiếp theo.
Chuyên đề thực tập của em đã nêu ra được những nét chính về rủi ro và đánh giá rủi ro kiểm toán BCTC năm đầu tiên cùng với thực trạng quy trình đánh giá rủi ro do Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán AASC thực hiện. Chuyên đề đã phần nào giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quát về đánh giá rủi ro kiểm toán năm đầu. Thêm vào đó em cũng trình bày một số ý kiến đề xuất nhằm hoàn thiện tốt hơn nữa quy trình này tại Công ty.
Do kiến thức cũng như tài liệu còn hạn chế nên bài viết của em chỉ nêu lên những điểm tổng quát nhất về rủi ro năm đầu nói chung cũng như việc đánh giá rủi ro đó trong kiểm toán BCTC. Do đó Chuyên đề của em không thể tránh khỏi những sai sót. Em rất mong nhận được sự đóng góp của Cô để những tìm hiểu của em về đánh giá rủi ro kiểm toán BCTC năm đầu được hoàn thiện và ngày càng sâu sắc hơn.
Một lần nữa, em xin tỏ lòng biết ơn và lời cảm ơn chân thành đến Cô giáo TH.S Bùi Thị Minh Hải cùng các anh chị Phòng Kiểm toán 1, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán AASC đã tận tình hướng dẫn em trong quá trình hoàn thành Chuyên đề thực tập tốt nghiệp này.