8. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Mối tương quan lôgíc học và siêu hình học
Hêghen mong muốn xây dựng triết học như là một hệ thống toàn diện bao chứa trong mình tất cả những thành tựu của các ngành khoa học, và để làm được điều đó không thể không tuân theo những nguyên lý, quy luật của lôgíc học. Chính vì vậy thực chất Hêghen đã đồng nhất lôgíc học với hệ thống khoa học. Mặt khác, ông hiểu Lôgíc học không chỉ theo nghĩa quen thuộc của Lôgíc học hình thức truyền thống hay Lôgíc học giác tính, mà chính là Siêu hình học. Lôgíc học và siêu hình học là hai môn học cổ xưa nhất của triết học phương Tây, cho đến nay Lôgíc học, trong ý nghĩa cơ bản của triết học tư biện đã thay chỗ cho Siêu hình học mà trước đây được nghiên cứu tách rời với Lôgíc học. Trong tác phẩm Bách khoa thư, ông đã nói rất rõ: “Lôgíc học tư biện bao hàm Lôgíc học cựu truyền và Siêu hình học, nó bảo lưu những hình thức tư tưởng, những quy luật và đối tượng ấy, nhưng phát triển và biến đổi chúng cùng với các phạm trù khác mới” [14, 66]. Hay ngắn gọn hơn: “Lôgíc học trùng khít với Siêu hình
học, tức với khoa học về những sự vật được nắm bắt ở trong tư tưởng,
tức trong những gì được xem là để diễn tả những tính bản chất của sự vật” [14, 110]. Như thế, lôgíc học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tư duy, và những tư tưởng có thể được gọi là những tư tưởng khách quan, kể cả những hình thức vốn thoạt đầu được xem xét trong môn Lôgíc học thông thường và thường chỉ được xem như là những hình thức của tư duy có ý thức. Vì thế Lôgíc học trùng khít với Siêu hình học.
Tư duy cần phải được vật hóa, phải được khách quan hoá “những tư tưởng cũng có thể được gọi là những tư tưởng khách quan (…). Vì thế,
Lôgíc học trùng khít với Siêu hình học, tức với khoa học về những sự vật
được nắm bắt ở trong tư tưởng” [14, 110]. Hêghen giảng thêm “Nếu ta nói rằng tư tưởng - với tư cách tư tưởng khách quan - là cái bên trong của thế
giới, thì có vẻ như thể ý thức được đem gán vào cho những sự vật tự nhiên” [14, 111]. Như vậy phạm vi nghiên cứu của lôgíc học không chỉ là tư duy chủ quan như các quan điểm trước đây, mà đã được mở rộng ra toàn bộ cả giới tự nhiên và toàn bộ lĩnh vực hoạt động xã hội của con người.
Từ đó, lôgíc học cũng được phân thành lôgíc chủ quan, nghiên cứu tư duy dưới dạng khả năng chủ quan của con người và lôgíc khách quan, nghiên cứu tư duy tồn tại dưới dạng các sự vật. Trong đó, cái khách quan và cái chủ quan chỉ là hai hình thức biểu hiện khác nhau của cùng một tư duy, cùng một nội dung “Cái lôgíc phải được tìm thấy như một hệ thống những quy định tư duy, nơi đó sự đối lập giữa cái chủ quan và cái khách quan mất đi (…) lý tính là linh hồn của thế giới, cư trú trong thế giới, là cái nội tại, là bản tính riêng biệt nhất, thâm sâu nhất, là cái phổ biến của nó” [14, 111 - 112]. Như vậy tư duy có ở khắp mọi nơi, trong con người, sự vật, kể cả những sự vật vô cơ “nếu ta xem xét tư duy như là cái phổ biến đúng thật của tất cả những gì là tự nhiên lẫn của tất cả những gì là tinh thần, thì tư duy bao trùm hết tất cả chúng và là cơ sở của tất cả chúng” [14, 112 - 113]. Hêghen đã phân biệt rất rõ các cấp độ tư duy, trong giới tự nhiên, tư duy ở trình độ phát triển thấp, chưa có ý thức, chỉ có tư duy con người là cấp độ tư duy cao nhất, có ý thức “Con vật tự-mình (an sich) cũng là cái gì phổ biến, nhưng cái phổ biến xét như là cái phổ biến lại không [hiện diện] cho nó, trái lại bao giờ cũng chỉ có cái cá biệt [là hiện diện "cho" nó]. Con vật thấy một cái cá biệt, chẳng hạn, thấy đồ ăn của nó, thấy một con người (…). Giới tự nhiên không có ý thức về tinh thần, chỉ có con người mới tự nhân đôi chính mình bằng cách bản thân là cái phổ biến hiện diện cho cái phổ biến. Điều này xảy ra lần đầu tiên khi con người biết mình như là cái Tôi (…). Tôi là cái tồn tại cho mình thuần tuý (…). Tôi và tư duy là một, hay chính xác hơn: Tôi là tư duy như là cái gì đang tư duy” [14, 113].
Tư duy không phải là một cái gì đó tĩnh tại, mà là một quá trình phát triển. Sự phát triển của tư duy đi từ tự mình đến cho mình “hình thức của tư duy là hình thức tuyệt đối và chân lý xuất hiện trong hình thức ấy đúng như nó tồn tại tự mình và cho mình, chính là khẳng định của triết học nói chung” [14, 121]. Với quan niệm này, Hêghen muốn nói rằng, tất cả các khái niệm và phạm trù lôgíc học, tất cả các quy luật lôgíc học không phải như những cái gì đó bất biến, có sẵn, mà như một quá trình phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện. Như vậy tư duy và tinh thần tuyệt đối trong triết học Hêghen trở thành hai từ đồng nghĩa. Tinh thần đạt được thực tế là các khách thể, mọi cái hiện tồn đều trở thành sự thể hiện của cái hợp quy luật, của cái tất yếu và do vậy là đạt tới sự hiện thực hoá của ý niệm lôgíc. Sự tự phát triển của tinh thần, của ý niệm có nghĩa là sự đạt tới tính xã hội trong sự biến đổi và tính đa phương diện của nó, tư duy chính là phương tiện, công cụ cho sự tự nhận thức đúng đắn thông qua các hình ảnh của giới tự nhiên và của tinh thần.
Trong lôgíc học, người ta phải làm việc với những tư tưởng thuần tuý và do vậy, những tư tưởng được nắm bắt thường mang lại nội dung thuộc về bản thân tư duy và được tạo ra bởi tư duy. Cho nên lôgíc học là hệ thống của những quy định tư duy thuần tuý, còn các khoa học triết học khác: triết học về tự nhiên và triết học về tinh thần, lại chính là lôgíc học ứng dụng. Như thế, mối quan tâm của các môn khoa học khác này chỉ là nhận ra những hình thức lôgíc trong trạng thái của Tự nhiên và Tinh thần, tức các hình thái chỉ như là một phương cách diễn đạt đặc thù của các hình thức tư duy thuần tuý. Do đó, Lôgíc học là tinh thần sống động cho mọi ngành khoa học, và những quy định của tư duy được chứa đựng trong Lôgíc học mang tính tinh thần thuần túy, chúng là cái gì nội tại nhất.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng con người có khả năng nhận thức được thế giới siêu hình và hiểu biết được về thực tại, bởi lẽ nó là một hệ thống
lý tính và loài người là sinh vật có lý tính cho nên chúng ta không nhất thiết phải cảm nhận thực tại, chúng ta hiểu nó, tư duy về nó và suy luận để xác định bản chất của nó. Dĩ nhiên là với giác quan bình thường của con người, không ai có thể cảm nhận được tia X, tuy nhiên, do các tia sáng ấy có bản chất lý tính và vận hành theo lý tính, con người vẫn có khả năng tích luỹ thông tin về chúng và suy luận về chúng theo quy luật lôgíc. Cuối cùng nhân loại đã nắm bắt được tri thức về bản chất và cơ chế hoạt động của dạng ánh sáng ấy. Rõ ràng lý tính là thực tính và thực tính là lý tính. Vậy là để nhận thức được thế giới siêu hình con người cần phải tuân theo lôgíc, xét ở khía cạnh chung nhất thì lôgíc học đồng nghĩa với siêu hình học.
Khác với Cantơ với triết học phê phán đã làm cho Siêu hình học đi đến chỗ cáo chung, Hêghen đánh giá rất cao vai trò của Siêu hình học. Ông không chấp nhận sự cáo chung của nó bởi vì: “Khoa học và lý trí con người thông thường đã tay trong tay làm cho Siêu hình học suy tàn nên dường như ta đang chứng kiến một quang cảnh thật lạ lùng: một dân tộc có văn hoá mà
lại không có Siêu hình học, không khác gì một ngôi đền được trang hoàng
lộng lẫy mà lại thiếu vị thần tối linh” [14, XXVII]. Bản thân Siêu hình học được xem như là phương thức dùng giác tính đơn thuần để nhìn về những đối tượng của lý tính, cho nên cần phải đi sâu nghiên cứu thật kĩ đồng thời đổi mới Lôgíc học và Siêu hình học nhằm mang lại “linh hồn đích thực”
cho đời sống tinh thần của dân tộc.
Hêghen đã có nhận xét rất sắc sảo về lôgíc học, đó là một thiên kiến cho rằng nó dạy cách suy nghĩ (giống như sinh lý học dạy cách tiêu hoá), để từ đó đi đến kết luận rằng: “Khoa học lôgíc, là siêu hình học đích thực hay là triết học thuần tuý tư biện”[trích theo: 36, 95]. Nếu như siêu hình học truyền thống được hiểu là bản thể luận triết học, hệ thống triết học về tồn tại, hình thức của những bản chất siêu cảm tính thì ở đây Hêghen đã đưa ra quan điểm
mới, gắn siêu hình học với việc phủ định các quá trình biến đổi và phát triển trong thế giới, thế giới các bản chất siêu hình học là bất biến không phải theo nghĩa tuyệt đối mà chỉ trong quan hệ với những sự vật vĩnh viễn biến đổi và vô cùng đa dạng của thế giới cảm tính.
Trong tiểu đoạn §85, Hêghen đã nêu ra lưu ý sơ bộ liên quan đến mọi phạm trù lôgíc nói chung đó là: “Những quy định tiếp theo (tức những quy định lôgíc nói chung, chứ không phải chỉ những quy định của Tồn tại) có thể được xem như là những định nghĩa về cái Tuyệt đối, như là những định nghĩa siêu hình học về Thượng đế” [14, 290]. Câu này có nghĩa mọi quy định lôgíc đều có thể được xem như là những định nghĩa về cái tuyệt đối, bởi chúng đều thuộc về một loại nội dung, đó là mang lại những quy định phổ biến khác nhau về nội dung lôgíc của Ý niệm tuyệt đối. Nhận thức đích thực về cái Tuyệt đối không nằm trong những định nghĩa ấy, mà chỉ nằm trong toàn bộ sự vận động của Khoa học Lôgíc, những quy định lôgíc ấy còn được xem như là những định nghĩa siêu hình học về Thượng đế. Theo Hêghen, Thượng đế không phải là một phạm trù của triết học, trái lại, đó là tinh thần tuyệt đối ở trong lịch sử của sự khải thị tôn giáo. Siêu hình học là môn học diễn tả bản tính của mọi sự vật (kể cả Thượng đế) bằng những tư tưởng thuần tuý, nên những quy định lôgíc chính là những định nghĩa siêu hình học (triết học) về Thượng đế (của tư duy biểu tượng). Định nghĩa siêu hình học không đi tìm những dấu vết của Tinh thần tuyệt đối ở trong vũ trụ, lịch sử hay tôn giáo, mà diễn tả bằng những tư tưởng. Và bởi lôgíc học chứa đựng và bao quát hết mọi tư tưởng như thế - tức những tư tưởng còn ở trong hình thức thuần tuý của tư duy chứ không phải như đã được thực tại hoá trong tự nhiên và đã được hiện thực hoá ở trong tinh thần, cho nên, mọi quy định lôgíc là những định nghĩa siêu hình học về Thượng đế.