Hệ thống triết học Hêghen

Một phần của tài liệu Quan điểm cơ bản của Hêghen về lôgic học (Trang 32)

8. Kết cấu của luận văn

1.2.2.Hệ thống triết học Hêghen

Triết học của Hêghen là hệ thống phong phú nhất, hoàn thiện nhất trong lịch sử triết học trước Mác. Hêghen đã tổng kết hầu như toàn bộ tư

tưởng đã có ở phương Tây, phân tích mọi chủ nghĩa, học thuyết của các bậc tiền bối, đưa ra ý nghĩa lịch sử của nó đồng thời tìm ra những mâu thuẫn nội bộ xuất hiện trong tư tưởng ở mỗi một giai đoạn lịch sử. Những mâu thuẫn ấy đòi hỏi phải được giải quyết bằng cách xoá bỏ những hình thái cũ và tiến lên một trình độ cao hơn.

Ngay từ khi còn trẻ, Hêghen đã có ý thức về nhiệm vụ phải xây dựng hệ thống triết học. Năm 1800, vừa tròn 30 tuổi, trước khi đến Jena để bắt đầu sự nghiệp triết học của mình, ông đã viết: “Trong sự đào tạo triết học của tôi, bắt đầu từ những nhu cầu thứ cấp của con người, tôi phải đẩy lên thành khoa học, và lý tưởng thời tuổi trẻ của tôi cũng đồng thời phải được chuyển hoá thành hình thức phản tư, thành một hệ thống” [trích theo: 14, XIII]. Hêghen cho rằng ngay trong lòng thời đại ông sống đang diễn ra sự đổ vỡ sâu sắc cả về hai phương diện là tôn giáo và chính trị, đòi hỏi cần phải có sự hoà giải bằng cách đi tìm cái tối hậu và cái tối cao trong khoa học, và khoa học trong cách hiểu thời bấy giờ của Hêghen không thể là gì khác ngoài triết học với tư duy “tư biện”. Triết học chính là khoa học và triết học phải được xây dựng thành một hệ thống, như thế, Hêghen đã đạt đến cấp độ tư duy hệ thống hướng đến “khoa học”và đã nhận ra rằng việc xây dựng lịch sử tư tưởng nhân loại thành hệ thống là cần thiết.

Chuyển sang Jena (1801) Hêghen thực sự được nghiên cứu triết học, ông đã xác định được nhiệm vụ của triết học theo tinh thần của thời trẻ trước đó: “Khi sức mạnh của sự hợp nhất biến mất khỏi đời sống của con người và các sự đối lập đã mất đi mối tương quan sống động và sự tác động qua lại để trở nên độc lập thì nảy sinh nhu cầu của triết học” [trích theo: 14, XIV-XV].

Nhiệm vụ của triết học, do đó, là giải phóng các sự đối lập đã trở nên cứng nhắc, để thực hiện được nhiệm vụ đó đòi hỏi cần có một công cụ, đó chính là sự phản tư, sự trở về bản thân nó của tư duy. Theo Hêghen, phản tư chính là

quá trình nhận thức gián tiếp, là sự phản ánh lẫn nhau của cái này trong cái kia và triết học không được thoả mãn với nguyên tắc đồng nhất tuyệt đối mà phải tiến thêm một bước nữa, sử dụng phản tư để phá vỡ sự xơ cứng trong nhận thức triết học, từ đó tạo ra một hệ thống khoa học.

Suốt thời gian ở Jena, Hêghen dành mọi nỗ lực cho việc xây dựng hệ thống triết học bằng nhiều phác thảo khác nhau. Ngày nay, chúng ta biết được ba bản phác thảo quan trọng nhất là: Lôgíc học, Siêu hình học và Triết học tự nhiên. Ở đây, tuy Lôgíc học và Siêu hình học còn bị tách rời như hai môn học độc lập, nhưng trong các phác thảo này, ta đã thấy hình dáng của ba phần trong bộ Bách Khoa Thư về sau: Khoa học lôgíc, Triết học về tự nhiên và Triết học về tinh thần.

Năm 1807, lần đầu tiên Hêghen cho xuất bản phần thứ nhất của hệ thống, quyển “Hiện tượng học tinh thần”, tác phẩm này thoạt đầu chỉ được dự kiến như là phần “dẫn nhập”để đi vào triết học, nhưng phần này nhanh chóng bùng nổ thành một công trình độc lập như là “phần thứ nhất” của hệ thống triết học và được thừa nhận rộng rãi như một tác phẩm thiên tài của Hêghen.

Như vậy trong hơn sáu năm làm việc ở Jena, Hêghen vừa theo đuổi tư tưởng về hệ thống khi phê phán các nền triết học khác, vừa từng bước xây dựng các bộ phận cho hệ thống của chính mình. Thành tựu ấy đã được đúc kết trong “Lời tựa” nổi tiếng đặt ở đầu quyển “Hiện tượng học tinh thần” nhưng thực ra là lời tựa chung cho toàn bộ “hệ thống” được lý giải rõ ràng về mặt khái niệm và được biện minh như một cương lĩnh đầy tham vọng: “Hình thái đúng thật, trong đó Chân lý hiện hữu, chỉ có thể là Hệ Thống khoa học về Chân lý này. Góp phần đưa triết học đến gần với hình thức của khoa học - mục đích để nơi đó triết học có thể trút bỏ danh xưng là “sự yêu mến cái biết” để trở thành Tri thức hiện thực” [15, 11]. Như vậy ý đồ ấy của Hêghen tương ứng với cả hai mặt của sự tất yếu: Sự tất yếu bên trong, cái Biết phải là khoa

học, là bản tính tự nhiên của cái Biết (cái biết chính là tri thức, hiểu biết của con người); bản tính ấy chỉ được thoả mãn trong việc trình bày cặn kẽ bản thân hệ thống triết học. Sự tất yếu bên ngoài, thời điểm đã chín muồi cho việc nâng triết học lên thành khoa học.

Hêghen còn nêu một luận đề nổi tiếng: “Cái đúng thật là cái toàn bộ” [trích theo 14, XVIII]. Câu này muốn nói rằng một tính hữu hạn bị cô lập, tách rời thì không có chân lý, hay đối tượng nhận thức của con người mà ở trong trạng thái cô lập, tách rời thì con người sẽ không thể nhận thức được chân lý. Trái lại, cái hữu hạn chỉ là đúng thật, đạt tới chân lý khi nó được đặt vào trong một tính toàn bộ - bản thể. Nhưng cái Toàn bộ này cũng không được phép hiểu như là cái nhất thể được khẳng định một cách đơn thuần trực tiếp mà là một chất thể đã được triển khai, đã được phân thù mạch lạc, chặt chẽ. Vì thế, đối với triết học, câu này có nghĩa: “Hình thái đúng thật trong đó Chân lý hiện hữu chỉ có thể là Hệ thống khoa học về Chân lý” [15, 11].

Hệ thống, theo cách hiểu của Hêghen không phải là sự phản tư của tư duy về một đối tượng ở bên ngoài nó, rồi tập hợp lại thành một công trình bao quát như là sản phẩm của đầu óc, bởi như thế là vẫn chưa khắc phục được sự đối lập giữa tư duy và đối tượng. Tư duy ở đây đòi hỏi phải vượt bỏ mọi sự đối lập. Có nghĩa là, nó hợp nhất chính mình với Ý niệm như là với cái Phổ biến tối cao, vượt lên khỏi mọi cái hữu hạn và phân ly. Do đó, chính cái tối hậu và tối cao (tức ý niệm đầy hoạt lực hay Tinh thần tuyệt đối) tự phơi bày trong bản thân tư duy.

Hệ thống triết học Hêghen là đầy đủ nhất với đỉnh cao của nó là Khoa học Lôgíc, đã xuất hiện ra như là khoa học về Ý niệm lôgíc. Ý niệm ở đây không chỉ thể hiện hay trình bày như là cái toàn thể được hợp nhất hoá một cách mạch lạc, mà là nơi Ý niệm tự khẳng định sự tự do của mình một cách cụ thể. Cái toàn thể có hệ thống này chỉ là một ý niệm duy nhất chứ không

phải là sự đa tạp vô trật tự của các ý niệm. Một ý niệm ở đây chính là vòng tròn của những vòng tròn tạo nên chuỗi nội dung của nó.

Hêghen cho rằng, chúng ta tìm thấy các cấp độ khác nhau của ý niệm lôgíc ở trong lịch sử của triết học, trong hình thức của những hệ thống triết học xuất hiện tiếp theo nhau, mà mỗi hệ thống đều lấy một định nghĩa đặc thù về cái tuyệt đối làm cơ sở cho mình. Giống như sự triển khai lôgíc như là một tiến trình tiến lên từ cái trừu tượng đến cái cụ thể, cũng như thế trong lịch sử triết học, các hệ thống sớm nhất là trừu tượng nhất, và do đó, đồng thời là nghèo nàn nhất. Nhưng xét mối quan hệ của các hệ thống triết học sớm hơn với các hệ thống muộn hơn ta thấy rằng “các hệ thống sớm hơn được bao hàm như là đã được vượt bỏ ở trong các hệ thống muộn hơn. Đó chính là ý nghĩa đúng thật của điều luôn luôn diễn ra và bị ngộ nhận trong lịch sử triết học: hệ thống này bị hệ thống kia, hay đúng hơn, hệ thống trước bị hệ thống sau phản bác” [14, 297]. Vậy là trong lịch sử nhận thức, hệ thống sau bao giờ cũng chứa trong lòng mình tất cả những hệ thống trước đó. Hệ thống ở đây bao gồm tổng thể các hệ thống trước đó được hình thành trong lịch sử. Với ý đồ xây dựng một hệ thống triết học đồ sộ, ông mang trong mình tham vọng rộng lớn là ôm tất cả mọi tri thức của nhân loại vào trong hệ thống của mình. Đây chính là điểm đặc biệt và cơ sở để chúng ta dễ dàng đi sâu vào nghiên cứu lôgíc học Hêghen.

Một phần của tài liệu Quan điểm cơ bản của Hêghen về lôgic học (Trang 32)