Có thể nói, mỗi một nhà báo xuất hiện, mỗi một tờ báo ra đời lại là một tiếng nói riêng biệt, độc đáo. Điều đó góp phần lớn vào việc tạo nên cục diện báo chí đầy sôi động của Hà thành nói riêng và Bắc Kì nói chung những năm trước 1945. Tên tuổi của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn An Ninh, Hoàng Tích Chu, nhóm Tự lực văn đoàn... luôn được biết đến với những tư tưởng, giá trị riêng mà họ theo đuổi. Nguyễn Văn Vĩnh đề cao chữ quốc ngữ và là người đi đầu trong việc phổ biến quốc ngữ trong báo chí. Phạm Quỳnh nổi danh với thuyết chính trị quân chủ lập hiến và công cuộc phổ biến khoa học một cách đại chúng. Hoàng Tích Chu, nhà báo Việt
Nam đầu tiên được đào tạo một cách bài bản ở Pháp, luôn cổ súy cho việc cải tiến cách làm báo trong nước với những cách tân đi trước thời đại ở tờ
“Đông Tây”. Vào thời điểm ấy, không ít những tờ báo đóng vai trò là trung
tâm của sự diễn tiến tư tưởng xã hội. “Đăng cổ tùng báo” là cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục - những nhà chí sĩ yêu nước cũng đồng thời là những nhà báo. Phong trào Âu hóa rầm rộ những năm 30 được xúc tiến dưới sự dẫn đường của Nhất Linh và những yếu nhân của tờ “Phong hóa”…
Năm 1916, “Đông Dương tạp chí” – tờ báo lớn đầu tiên ở Hà Nội đình bản thì chỉ sau đó chưa đầy một năm, “Nam Phong tạp chí” ra đời tiếp tục sứ mệnh truyền bá quốc ngữ của “Đông Dương tạp chí”. Đến những năm 30, “Nam Phong tạp chí” dần suy sụp khi Phạm Quỳnh chủ trương làm chính trị và bỏ làm báo, thì vừa kịp lúc Hoàng Tích Chu sáng lập “Đông Tây”, nhanh chóng “làm nóng” làng báo Bắc Kì đang có nguy cơ đi vào
thoái trào. Năm 1932, khi “Đông Tây” bị đóng cửa vì tính chất đấu tranh quá mạnh mẽ của mình, cờ được trao vào tay Nhất Linh và hội Tự lực văn đoàn với báo “Phong hóa”. Không làm độc giả thất vọng, “Phong hóa” đã làm quá tốt sứ mệnh của mình, tiếp tục con đường làm cải tiến mạnh mẽ báo chí Việt Nam mà những tờ báo trước đó đã đi. Có thể nói, báo chí Hà thành đã thực sự hoàn thành cuộc chạy tiếp sức suốt nửa đầu thế kỉ 20 mà ở mỗi chặng đều thấy nổi bật lên những cá tính sáng tạo độc đáo và không hề trùng lặp.