Không thể nói đến báo chí mà quên đề cập đến độc giả, đặc biệt là lớp độc giả bình dân, đại chúng. Thời bấy giờ, người đọc bình dân không có nhiều điều kiện để mua sách, một loại văn hóa phẩm quá trịnh trọng. Người bình dân có thể không cần quan tâm đến những gì trong cuốn sách mà họ cảm thấy là ít liên quan đến mình. Nhưng tờ báo lại là chuyện khác: giản tiện hơn, đáp ứng một cách đa dạng hơn nhu cầu thông tin của độc giả. Chỉ với một tờ báo, người ta có thể đọc truyện ngắn, tiểu thuyết bên cạnh những thông tin khác về xã hội, kinh tế, quảng cáo… Nắm bắt được điều này, hàng loạt tờ báo ở Hà Nội đã cải tiến theo hướng đó, điển hình là tuần báo “Phong hóa” với việc đáp ứng trọn vẹn nhu cầu được cười, được giải trí của độc giả.
Ngoài ra một điểm nữa cũng cần phải nhắc đến là chính đội ngũ độc giả đông đảo về số lượng và đa dạng về nhu cầu đã góp phần thúc đẩy nghề báo trở thành một nghề chuyên nghiệp. Thời điểm đó, ở Hà thành, hầu như những tờ báo có sức ảnh hưởng lớn nhất đều có trang, mục dành riêng cho văn học với nhiều thể loại: thơ, phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết nhiều kỳ... Theo thời gian, thưởng thức văn học trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo người đọc, nhất là lớp trung lưu ở thành thị. Trên cơ sở này, đội ngũ độc giả chuyên nghiệp đã ra đời. Có cầu thì có cung, để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của độc giả, một lớp các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp đã ra đời. Nghề báo nhờ đó mà từng bước trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuần báo “Đông Tây” chính là một ví dụ sinh động cho điều đó. Trong khi độc giả đã gần như ngán ngẩm và bội thực vì kiểu văn biền ngẫu và những câu chữ nhịp nhàng, đều đều nhàm tẻ trên báo chí hồi đó thì
“Đông Tây” xuất hiện với những cách tân mạnh mẽ trong việc sử dụng câu
chữ đơn giản, trong sáng, thuần Việt, chú trọng nhu cầu thông tin và cách trình bày thông tin trên báo chí. Chưa bàn đến sự táo bạo và tài năng của Hoàng Tích Chu vội, nếu không được độc giả ủng hộ, liệu “Đông Tây” có
làm được kì tích 5000 bản phát hành, có trở thành tờ báo bán chạy nhất đất Bắc Kì vào những năm 30 được hay không?
Nhờ có công chúng, độc giả mà nhà báo có được điểm tựa vững chắc để đối diện với bộ máy quyền lực. Người trí thức đã thoát khỏi thân phận của một ông quan ăn lộc và phụng sự triều đình để giải phóng năng lực tư duy trong việc nhận diện và phản biện những tồn tại của thể chế xã hội đương thời.