Chủ nghĩa thực chứng mới với việc xác định vai trò mới của triết học trong mối quan hệ

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa thực chứng và quan điểm của chủ nghĩa thực chứng về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên (Trang 64)

học trong mối quan hệ với khoa học tự nhiên.

Các nhà triết học của chủ nghĩa thực chứng mới đưa ra những quan niệm khác hẳn với các nhà thực chứng giai đoạn trước về đối tượng và vai trò của triết học. Nếu Makhơ và Avênariut cho rằng đối tượng của triết học là những nguyên tắc, những thủ thuật sắp xếp các ký hiệu, biểu tượng, với tư cách là sản phẩm của hoạt động chủ thể, thì theo các nhà triết học thực chứng mới, triết học không có đối tượng, triết học không phải là lý thuyết, không phải là hệ thống các tri thức mà là hệ thống các hoạt động phân tích - phân tích các ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ nhân tạo. Theo họ, triết học là một bộ phận của lôgíc học, nên triết học chỉ có thể tồn tại với tư cách là hoạt động phân tích về mặt lôgíc và về mặt ngôn ngữ để tìm ý nghĩa những mệnh đề và của những khái niệm của những lý thuyết khoa học.

Trong tác phẩm “Chuyên luận lôgíc - triết học”, Vítgenstêin viết: “Triết học không phải là một trong số các khoa học tự nhiên” [40, tr.5] và “triết học có mục đích làm sáng tỏ một cách có lôgíc các tư tưởng” [40, tr.5]. Theo ông, triết học không phải là cái mô tả, mà phải là cái có khả năng lý giải, làm sáng tỏ các tư tưởng. Mục đích của triết học là gỡ bỏ những nhầm lẫn. Do vậy, việc miêu tả cấu trúc và thuộc tính của các sự vật của thực tại khách quan là nhiệm vụ của các khoa học tự nhiên. Còn nhiệm vụ của triết học là nhận diện các điều kiện lôgíc cần phải có để thiết lập mối quan hệ giữa tồn tại và ngôn ngữ. Theo Vítgenstêin, các nhà triết học không nên quan tâm quá mức tới những gì của hiện thực hay bám sát những thành tựu của khoa học. Điều mà các nhà triết học cần quan tâm là những cái có thể (possible) hay chính xác hơn là những cái có thể nhận thức được (concivable). Điều này phụ thuộc vào những quan niệm của con người và phương thức mà những quan niệm đó ăn nhập

được với nhau qua ngôn ngữ. Do đó, cái có thể nhận thức được và cái không thể nhận thức được, cái có nghĩa và cái vô nghĩa phụ thuộc vào các quy tắc của ngôn ngữ và của ngữ pháp [40, tr.5].

Các nhà triết học của chủ nghĩa thực chứng mới chủ trương tìm sự chính xác từ lôgíc hiện đại, tiếp thu phương pháp luận của khoa học hiện đại nhằm lôgíc hoá, khoa học hoá triết học. Rátxen đã nêu rõ mục tiêu của ông là: Dựa trên nền tảng của chủ nghĩa kinh nghiệm, dựa vào kỹ thuật phân tích lôgíc hiện đại để phát triển cao độ và tìm ra cơ sở vững chắc cho tri thức nhân loại, tìm ra những luận cứ đáng tin cậy cho khoa học [5, tr.279]. Nhiệm vụ mà Rátxen đặt ra là đem lại bộ máy lôgíc hữu hiệu cho chủ nghĩa kinh nghiệm quá khứ. Do vậy, ông phân biệt rõ: “Chủ nghĩa kinh nghiệm phân tích hiện đại ... khác với chủ nghĩa kinh nghiệm của Lôccơ, của Béccơli và của Hium ở việc áp dụng toán học và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật lôgíc” [39, tr.778]

Có thể nói, Rátxen là người đầu tiên đã áp dụng phương pháp phân tích lôgíc hiện đại vào lý luận nhận thức và phổ biến nó vào việc giải quyết những vấn đề triết học. Ông đã sử dụng học thuyết lôgíc học làm cơ sở để xây dựng quan điểm triết học của mình. Ông khẳng định rằng, cơ sở của triết học của ông là lôgíc học của ông: “Lôgíc học của tôi là mang tính nguyên tử luận...do vậy tôi đề nghị gọi triết học của tôi là nguyên tử luận lôgíc” [37, tr.178]. Ông đã viết trong tác phẩm Nguyên tử luận lôgíc (1924): “Tôi cho rằng lôgíc học mang tính nền tảng đối với triết học, và cần phải đánh giá các trường phái thực ra là theo lôgíc học của chúng chứ không phải theo siêu hình học của chúng” [37, tr.323]. Rátxen cho rằng, tính không rõ ràng về mặt lôgíc trong việc sử dụng ngôn ngữ đan xen với những tiền đề triết học sai lầm là nguyên nhân thất bại của triết học truyền thống. Vì vậy, để khắc phục những sai lầm của triết học truyền thống, cần phải đưa phương pháp phân tích lôgíc làm nền tảng cho triết học. Ông viết: “Những thành tựu của toán học nửa sau thế kỷ

XIX đã đạt được nhờ suy luận tỉ mỉ và có cân nhắc. Tôi quyết định rằng cần phải áp dụng phương pháp như vậy vào cả vấn đề triết học” [37, tr.324]. Rátxen coi phương pháp phân tích lôgíc là phương pháp duy nhất có hiệu quả để giải quyết những vấn đề triết học. Ông nhấn mạnh: “Mỗi vấn đề triết học đều là vấn đề phân tích” [38, tr.264].

Quan điểm đưa lôgíc học vào làm cơ sở cho triết học của Rátxen được các nhà triết học của chủ nghĩa thực chứng mới đồng tình. R.Cácnáp, nhà triết học thực chứng lôgíc tiêu biểu của nhóm Viên, cũng khẳng định: “Nghiên cứu lôgíc trở thành chủ đề trung tâm của nghiên cứu triết học: Lôgíc cung cấp phương pháp nghiên cứu cho triết học giống như toán học cung cấp phương pháp nghiên cứu cho vật lý học” [29, tr.66].

Các triết gia của chủ nghĩa thực chứng mới tiếp tục tập trung phê phán triết học truyền thống, phê phán lối tư biện kiểu cũ và khẳng định sự thiếu vắng nội dung khoa học của toàn bộ triết học trước kia. Thời kỳ đầu khi nghiên cứu về lý thuyết nghĩa, Vítgenstêin đã cho rằng, một mệnh đề có nghĩa hay vô nghĩa thể hiện ở việc nó có miêu tả được sự kiện hiện thực hay không. Theo Vítgenstêin, một mệnh đề được gọi là có nghĩa khi nó thoả mãn được hai điều kiện cần thiết: Thứ nhất, mệnh đề cần phù hợp với quy tắc cú pháp lôgíc; Thứ hai, mệnh đề cần phải miêu tả được thực tại. Nếu sự kiện mà mệnh đề miêu tả tồn tại thực thì mệnh đề đó sẽ là mệnh đề có nghĩa, nếu ngược lại thì mệnh đề đó là vô nghĩa.

Vítgenstêin phân chia ba loại mệnh đề: Mệnh đề có nghĩa là mệnh đề của các khoa học tự nhiên; mệnh đề thiếu nghĩa là mệnh đề kiểu lặp lại và mâu thuẫn vì không miêu tả đúng thế giới hiện thực; mệnh đề không có nghĩa là mệnh đề của triết học truyền thống.

Trong tác phẩm Chuyên luận lôgíc – triết học, Vítgenstêin cho rằng: “Đa số những mệnh đề và những vấn đề triết học (truyền thống) không phải là sai lầm mà là vô nghĩa. Đó là lý do tại sao không thể trả lời được cho những

vấn đề như vậy mà chỉ có thể chỉ ra tính vô nghĩa của chúng. Đa số những mệnh đề và những vấn đề ấy đều bắt nguồn từ sự không hiểu biết của chúng ta về lôgíc của ngôn ngữ”. Vítgenstêin đã lý giải nguyên nhân dẫn đến sự vô nghĩa của các mệnh đề của triết học truyền thống là do “chúng muốn đề cập đến những cái không thể đề cập được”, bởi vì, ngôn ngữ và thực tại là đồng nhất về cấu trúc, nên nếu “mệnh đề biểu đạt một cấu trúc không tương ứng với bất kỳ một cấu trúc nào của thực tại thì nó là vô nghĩa” [17, tr.57]. Do vậy theo Vítgenstêin, chỉ có các mệnh đề của khoa học tự nhiên mới là mệnh đề có nghĩa: “Toàn bộ các mệnh đề chân thực (đúng) là tổng thể các mệnh đề của khoa học tự nhiên” và “không thể nói gì hơn nữa ngoài những mệnh đề của khoa học tự nhiên” [17, tr.57].

Tư tưởng phê phán triết học truyền thống của Vítgenstêin đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của nhóm Viên. So với các triết gia của chủ nghĩa thực chứng mới thì các triết gia của nhóm Viên tỏ ra quyết liệt hơn trong việc phê phán những mệnh đề của triết học truyền thống. Cácnáp cho rằng, trong lịch sử, các nhà triết học có những cuộc tranh luận về duy vật, duy tâm; nhất nguyên, đa nguyên; có thể biết, không thể biết, v.v... đó là những cuộc tranh luận vô bổ, không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, khẩu hiệu nổi tiếng mà nhóm Viên đưa ra là: “Bác bỏ siêu hình”, tức là bác bỏ tính chất siêu hình của triết học truyền thống vì nó đã nghiên cứu những điều vô nghĩa. Chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc đặc biệt quan tâm đến việc vạch ranh giới giữa khoa học và siêu hình. Do ảnh hưởng quan niệm của chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm, họ cho rằng, những mệnh đề toán học và khoa học kinh nghiệm là có nghĩa, còn những mệnh đề siêu hình là không có nghĩa. Để trả lời câu hỏi: phân biệt hai loại mệnh đề này như thế nào? Họ đã nêu lên nguyên tắc thực chứng, nguyên tắc này bao gồm hai điểm: Một là, nghĩa của mệnh đề là do điều kiện thực chứng của nó quyết định. Hai là, một câu nói về nguyên tắc nếu được thực chứng thì câu nói đó mới có nghĩa.

Lợi dụng chiếc dao sắc của nguyên tắc thực chứng, Cácnáp và đồng sự của ông đã cắt bỏ nhiều mệnh đề mà họ cho là vô nghĩa của triết học truyền thống. Theo họ, những vấn đề mà các nhà triết học trong lịch sử bàn đến là những vấn đề không có giá trị về mặt khoa học vì nó không được kiểm chứng. Ví dụ, vấn đề mà các nhà triết học truyền thống thường đưa ra như: Liệu phía sau thế giới kinh nghiệm của chúng ta có sự tồn tại của “vật tự nó” không? Theo các nhà thực chứng lôgíc, với một mệnh đề như vậy là không thể kiểm chứng được. Vì về nguyên tắc, không thể thiết kế một loại tiêu chuẩn để kiểm nghiệm sự tồn tại của “vật tự nó”, cho nên mệnh đề ấy là vô nghĩa. Thêm nữa, các triết gia thực chứng lôgíc còn cho rằng, một tư tưởng dù khẳng định hay phủ định sự tồn tại của “vật tự nó” cũng đều là siêu hình, đều không có nghĩa [5, tr.303]. Tương tự như vậy, các nhà thực chứng lôgíc cũng phủ định sự tồn tại của đấng tối cao. Theo họ, câu hỏi “có sự tồn tại của chúa trời hay không” là sự vô nghĩa về mặt khoa học, bởi vì, không có một phương thức nào có thể kiểm nghiệm được điều đó bằng thực nghiệm [45, tr. 9].

Các nhà thực chứng lôgíc mong muốn xây dựng một loại ngôn ngữ có hiệu quả nhất và được tiếp thu rộng rãi để thực hiện một sự tổng hợp lớn, thống nhất các môn khoa học. Để làm được điều này, các nhà thực chứng lôgíc tìm đến một ngôn ngữ khoa học chung, theo họ, đó là ngôn ngữ của vật lý học. Slích cho rằng, khoa học vật lý có tầm quan trọng nhất đối với triết học. Bởi lẽ, trong vật lý học có hai yếu tố thống nhất với nhau mà hai yếu tố này lại tách biệt nhau trong tất cả các khoa học khác: Thứ nhất, phải nói đến tính chính xác của vật lý học, khả năng định lượng của các quy luật vật lý là cái làm cho vật lý khác với tất cả các khoa học khác, nhất là khác với các khoa học lịch sử; thứ hai là, đối tượng nghiên cứu của vật lý học, không phải là cái trừu tượng như toán học, mà là cái cụ thể [36, tr.1]. Theo Slích, vật lý học được khẳng định là có tầm quan trọng nhất đối với triết học, điều này trở

nên rõ ràng hơn bao giờ hết bởi vật lý học hiện đại tỏ ra là một học thuyết chính xác và trụ vững hơn so với các khoa học khác.

Khi đi xác định vật lý học là khoa học chính xác làm chỗ dựa cho triết học, Slích và Cácnáp đã cho rằng, ngôn ngữ của vật lý học là ngôn ngữ phổ biến của khoa học. Theo các triết gia này, cái gọi là “hệ thống ngôn ngữ chủ nghĩa vật lý” là hệ thống ngôn ngữ được cấu thành do quan sát trực tiếp được cung cấp từ trong kinh nghiệm. Cácnáp cho rằng, ngôn ngữ của bất kỳ môn khoa học nào đều có thể phiên dịch ra ngôn ngữ vật lý, mà không làm thay đổi nội dung của nó.

Theo Cácnáp, khoa học là một hệ thống thống nhất. Trong hệ thống lớn ấy, các môn khoa học tuy có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu khác nhau nhưng đều có thể tìm được ngôn ngữ thống nhất với nhau. Ông khẳng định: Ngôn ngữ vật lý là ngôn ngữ thông dụng, bởi vì, nó có thể đồng thời thực hiện sự truyền đạt và sự kiểm nghiệm giữa các chủ thể quan sát nên nó là ngôn ngữ của hệ thống khoa học. Theo ông, mọi khoa học đều có thể phiên dịch thành vật lý học, nói cách khác, mọi khoa học về cơ bản đều là vật lý học. Siêu hình học sẽ bị loại bỏ vì không có ý nghĩa. Trong thế giới chỉ có một loại đối tượng, đó là những sự kiện vật lý, ngay cả hiện tượng tâm lý cũng không nằm ngoài loại đối tượng đó. Cácnáp lập luận: Theo kết quả nghiên cứu của chủ nghĩa hành vi, cái mà tâm lý học miêu tả chính là “hành vi kinh nghiệm”, có nghĩa là trạng thái tâm lý được biểu hiện bằng hành vi, mà “hành vi kinh nghiệm” chính là một loại của sự kiện vật lý. Vì vậy, Cácnáp cho rằng, thế giới là toàn bộ các sự kiện vật lý, quy luật vật lý bao trùm toàn bộ thế giới. Do đó, dựa vào vật lý học, người ta có thể tìm sự thống nhất lôgíc, tìm ngôn ngữ chung của mọi khoa học. Khi khoa học đã có sự thống nhất thì triết học sẽ thực hiện chức năng chính đáng nhất của mình là phân tích lôgíc về khoa học. Vì vậy, Cácnáp khẳng định: Triết học là lôgíc học khoa học.

Như vậy, có thể thấy chủ nghĩa thực chứng lôgíc hoàn toàn phủ nhận những giá trị của triết học truyền thống. Nhiệm vụ và mục đích của triết học, được họ xác định lại chỉ còn là “sự phân tích về mặt lôgíc ngôn ngữ khoa học”, “là sự phân tích ký hiệu học”, là “sự phê phán ngôn ngữ”. Mặc dù họ thừa nhận triết học mới của họ “được thực hiện trong mối liên hệ chặt chẽ với các khoa học thực nghiệm”, nhưng vị trí của hoạt động triết học trong khoa học thực nghiệm chỉ là “giải nghĩa các mệnh đề của khoa học thực nghiệm thông qua sự phân tích lôgíc”.

Quan niệm về triết học của chủ nghĩa thực chứng mới có sự thay đổi vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, khi Vítgenstêin thay đổi lập trường, chuyển từ việc đề cao ngôn ngữ lý tưởng sang việc chú trọng phân tích ngôn ngữ hàng ngày. Tuy nhiên, ở cả hai giai đoạn sơ kỳ và hậu kỳ, Vítgenstêin đều loại bỏ vai trò của triết học truyền thống. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ “chữa bệnh” cho triết học. Tuy nhiên, “đơn thuốc” của ông ở hai thời kỳ có sự khác nhau. Nếu như thời kỳ đầu Vítgenstêin phê phán triết học truyền thống vô nghĩa vì không biểu đạt được mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thực tại, vì “đề cập đến những cái không đề cập được” thì sang giai đoạn hậu kỳ, Vítgenstêin cho rằng, triết học sai lầm vì đã hiểu sai và sử dụng sai ngôn ngữ. Theo Vítgenstêin, ngôn ngữ hàng ngày hoàn toàn đúng đắn. Chỉ cần chúng ta dùng ngôn ngữ hàng ngày theo thói quen, trong giao tiếp ngôn ngữ sẽ phát hiện ra cách dùng muôn màu muôn vẻ của chúng. Vítgenstêin đưa ra phương pháp trò chơi ngôn ngữ là một phương pháp phân tích đặc biệt (bao gồm tổng thể các thủ thuật) nhằm giải thích rõ ngôn ngữ, các chức năng, các hình thức hoạt động của nó. Phương pháp này được xem như là việc tìm kiếm lối thoát ra khỏi những cạm bẫy đa dạng của các khái niệm có đầy rẫy trong các suy luận triết học trừu tượng. Trong tác phẩm Những nghiên cứu triết học,

Vítgenstêin viết: “Tất cả những gì mà tôi có thể đem lại - đó là phương pháp... kết quả đúng hay sai không quan trọng, điều quan trọng là phương pháp đã

tìm ra”. Và “ Không có một phương pháp triết học duy nhất, nhưng nó giống như nhiều phương pháp cứu chữa các loại bệnh khác nhau” [5, tr.318]. Theo Vítgenstêin, thực chất của triết học là tổng thể những thủ thuật, những thói

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa thực chứng và quan điểm của chủ nghĩa thực chứng về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên (Trang 64)