Mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên trong chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa thực chứng và quan điểm của chủ nghĩa thực chứng về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên (Trang 58)

phê phán kinh nghiệm của Makhơ và Avenariut.

Khi đề xướng chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm, Makhơ có ý đồ vượt qua những vấn đề cơ bản của triết học mà triết học truyền thống đã nghiên cứu, tức là vượt ra ngoài phạm vi các vấn đề gọi là siêu hình học. Ông có tham vọng muốn xây dựng một loại nhận thức luận và phương pháp luận thống nhất các ngành khoa học tự nhiên, nhằm tìm nền tảng chung của các khoa học khác nhau. Đó cũng chính là lý luận triết học của nhiều người theo chủ nghĩa thực chứng đã nêu lên.

Mặc dù thừa nhận triết học của mình dựa trên nền tảng của chủ nghĩa thực chứng cũ, song chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm lại cho rằng, quan điểm của các nhà thực chứng giai đoạn đầu vẫn còn mang nặng dấu vết của triết học siêu hình truyền thống. Nếu chủ nghĩa thực chứng giai đoạn đầu cho rằng triết học và khoa học chỉ nghiên cứu các sự vật thuộc phạm vi hiện tượng, còn bản chất sự vật và những nguyên nhân gây nên những hiện tượng ấy đều không thuộc phạm vi nghiên cứu của tri thức thực chứng, thì các nhà phê phán kinh nghiệm lại không chấp nhận sự tồn tại của một bản chất nào đó ngoài phạm vi hiện tượng. Theo họ, thế giới mà khoa học và nhận thức con người vươn tới là kinh nghiệm trong cảm giác, còn sự phân biệt giữa vật chất

và tinh thần, giữa chủ quan và khách quan chỉ là sự phân biệt nội tại trong bản thân kinh nghiệm cảm giác.

Các nhà thực chứng giai đoạn đầu cho rằng, nhiệm vụ chủ yếu của triết học là gắn kết các môn khoa học cụ thể với nhau, xây dựng một hệ thống triết học tổng hợp mà nhờ đó, mới có thể miêu tả được bức tranh thế giới một cách bao quát và phát hiện ra cái gọi là quy luật tự nhiên không thay đổi, còn những người theo chủ nghĩa Makhơ lại từ bỏ ý đồ xây dựng hệ thống này. Giống như những người theo chủ nghĩa Cantơ mới, họ coi triết học là nhận thức luận khoa học - thứ nhận thức luận không quan tâm đến vấn đề nhận thức có phản ánh được thực tại hay không, mà chỉ quan tâm đến những ký hiệu và quan hệ giữa chúng vì mục đích của thực tiễn. Theo họ, nhiệm vụ căn bản của triết học là xác định những nguyên tắc điều hoà mối quan hệ ấy.

Makhơ đưa ra thuyết yếu tố, với quan niệm rằng, “hiện tượng có thể phân chia thành những yếu tố, những yếu tố này được xem là có mối liên hệ với một quá trình nhất định của vật thể và do quá trình ấy quyết định, chúng ta gọi chúng là cảm giác” [4, tr.245]. Makhơ nói: “Đối với chúng ta, vật chất không phải cái có thuộc tính thứ nhất, nói đúng hơn, đó là một yếu tố chúng được gọi là cảm giác trong một số quan hệ đã biết” [4, tr.245]. Như vậy, theo Makhơ, màu sắc, âm thanh, không gian, thời gian và các cảm giác (yếu tố ) của con người kết hợp lại với nhau. Trong quá trình kết hợp ấy, có bộ phận biến đổi thường xuyên và mất đi trong khoảnh khắc, có bộ phận lại ổn định lâu dài. Bộ phận ổn định lâu dài sẽ được ghi lại trong ký ức, được thể hiện bằng ngôn ngữ, được gọi là vật thể. Vì vậy, theo Makhơ, cái gọi là vật chất, là một thể phức hợp tương đối ổn định của những yếu tố cảm tính. Thực ra, theo Makhơ, yếu tố cũng chính là cảm giác. Nói vật chất là sự phức hợp của các yếu tố cũng có nghĩa là vật chất là sự phức hợp của cảm giác. Ông nói: “Thông thường người ta gọi những yếu tố ấy là cảm giác, nhưng vì từ cảm giác đã hàm chứa ý của một học thuyết phiến diện, nên chúng tôi chỉ nói yếu

tố” [4, tr.247]. Makhơ gọi “yếu tố” để thay cho “cảm giác” vì ông muốn tạo cho người ta một loại ấn tượng. Theo ông, nếu nói vật là phức hợp cảm giác thì thường làm cho người ta nghĩ đến nó chỉ có thể là cái chủ quan, cái tâm lý, do đó có tính phiến diện, nhưng nếu nói, vật là do yếu tố tạo nên thì có thể khắc phục được tính phiến diện ấy. Vì sao dùng yếu tố thay thế cảm giác thì có thể tránh được tính phiến diện? Makhơ nêu lên luận cứ chủ yếu là: yếu tố không giống như cảm giác, cảm giác là cái chủ động, là cái đơn thuần, là cái tâm lý. Còn yếu tố là cái phi tinh thần, phi vật chất, là cái trung hoà vượt lên sự đối lập giữa tinh thần và vật chất. Bản thân nó không phải là thực thể tinh thần, cũng không phải là thực thể vật chất, mà chỉ là một giả định, một loại quan hệ hàm số. Theo ông, tuy gọi yếu tố là cảm giác nhưng, cần hiểu, chỉ khi yếu tố nằm trong mối liên hệ nhất định giữa cái tâm lý và cái vật lý nó mới là cảm giác.

Như vậy, theo Makhơ, thế giới mà khoa học và nhận thức của con người đang vươn đến là sự phức hợp của những yếu tố, và vì vậy, thế giới sẽ thay đổi tuỳ theo cảm giác của con người. Điều đó có nghĩa là sự tồn tại của sự vật trên thế giới là tương đối, trong thế giới, không thể có tính tất nhiên khách quan không tuỳ thuộc vào cảm giác con người, liên hệ nhân quả giữa các sự vật, cũng là tương đối, không có ý nghĩa khách quan và tất nhiên. Do đó, nhiệm vụ của khoa học và nhận thức của con người, theo Makhơ, không phải là phát hiện tính tất nhiên khách quan và tính nhân quả, mà là căn cứ vào nguyên tắc hiệu quả tư duy để miêu tả hiện thực của phạm vi kinh nghiệm cảm giác và mối quan hệ qua lại giữa chúng. Nghĩa là, miêu tả mối liên hệ giữa các sự vật, liên hệ nhân quả mà triết học truyền thống và khoa học đã bàn đến như là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của những cảm giác (yếu tố). Makhơ gọi quan hệ phụ thuộc ấy là quan hệ hàm số về toán học. Ông không chỉ chủ trương dùng thuyết quan hệ hàm số thay thế thuyết quan hệ truyền thống mà còn chủ trương coi sự tồn tại của toàn bộ thế giới là sự tồn tại của

quan hệ hàm số. Ông tuyên bố: “Đối với tôi, thế giới không chỉ là tổng hoà của cảm giác. Cái mà tôi nói rõ là quan hệ hàm số của yếu tố” [4, tr.264].

Trước khi bàn về quan hệ hàm số, Makhơ đã khảo sát mối quan hệ giữa việc sử dụng khái niệm tính nhân quả theo nghĩa rộng của lĩnh vực vật lý học với việc sử dụng khái niệm tính nhân quả theo nghĩa rộng trong lĩnh vực sinh học (bao gồm cả tâm lý học). Ông nhận thấy, hiện tượng vật lý do nguyên nhân tác động quy định còn hiện tượng sinh học là do mục đích quyết định. Nói cách khác, hiện tượng vật lý do nguyên tắc nhân quả chi phối còn hiện tượng sinh học là do nguyên tắc mục đích chi phối. Sau khi tiến hành khảo sát, Makhơ đi đến nhận xét: Đối với hai lĩnh vực khoa học có tính chất hoàn toàn khác nhau như vật lý học và sinh học thì không có lý do gì cho rằng, loại này căn bản chỉ có thể giải thích bằng tính nhân quả, còn loại khác căn bản chỉ có thể giải thích bằng tính mục đích. Theo Makhơ, mỗi thể hữu cơ và các bộ phận hợp thành của nó đều phục tùng cả những quy luật của vật lý học. Mặc dù, tại thời điểm đó, trong nghiên cứu khoa học, người ta thường gặp tính chất hoàn toàn khác biệt giữa giới vô cơ và giới hữu cơ, nhưng Makhơ cho rằng, sự thống nhất giữa cái vô cơ và cái hữu cơ cuối cùng sẽ được chứng minh. Bởi vì, theo ông, bất kỳ giới vô cơ hoặc giới hữu cơ theo nghĩa rộng, đều phải được giải thích bằng quan hệ phụ thuộc nhau giữa các hiện tượng. Từ đó, Makhơ xây dựng thuyết quan hệ hàm số để diễn đạt “tính phụ thuộc của những yếu tố” trong thế giới.

Makhơ viết: “Từ lâu tôi đã có ý đồ dùng khái niệm hàm số toán học để thay đổi khái niệm nguyên nhân, tức dùng quan hệ phụ thuộc đặc trưng của hiện tượng để thay thế khái niệm nguyên nhân”[4, tr.268]. Hàm số của toán học là một khái niệm biểu thị quan hệ tương ứng giữa hai biến số trong quá trình biến đổi. Giả thiết có biến số là x, hàm số là y, y sẽ biến đổi theo sự biến đổi của x. Nếu cho biến số một giá trị nhất định, thì y, theo quan hệ xác định, sẽ có trị số tương ứng. Gọi y là hàm số của x, x là biến số của y, thì ta có quan

hệ: y=f(x). Makhơ cho rằng, khái niệm tính nhân quả là không phù hợp, dùng nguyên nhân nhất định để trình bày kết quả nhất định hoặc dùng kết quả nhất định quy về nguyên nhân nhất định, đó là một quan điểm xơ cứng. Theo Makhơ, dùng khái niệm hàm số biểu thị quan hệ phụ thuộc giữa các hiện tượng sẽ làm cho con người nhận thức chính xác hơn vì hàm số được tính toán chính xác. Do vậy có thể loại bỏ được những nhân tố chủ quan phiến diện tồn tại trong khái niệm nhân quả cũ. Điều đó sẽ giúp con người tránh được nguy cơ dẫn đến những nhầm lẫn siêu hình, vì thuyết quan hệ hàm số chỉ miêu tả các quan hệ phụ thuộc của yếu tố, nó không coi các thực thể như vật tự nó của siêu nghiệm là nguyên nhân. Vì vậy, Makhơ cho rằng, khái niệm hàm số “có thể phát huy tác dụng tích cực trong phạm vi vật lý học hoặc phạm vi sinh học và phù hợp với mọi yêu cầu của chúng” [4, tr.270]. Như vậy, theo Makhơ, các quan hệ phụ thuộc của các lĩnh vực khác nhau đều có thể diễn đạt chính xác qua quan hệ hàm số, do đó có thể tạo nên được sự

thống nhất của khoa học. Cũng như các triết gia của chủ nghĩa thực chứng sơ kỳ, Makhơ phủ

nhận tư duy khái niệm là phương thức có thể đạt đến bản chất của sự vật và tính quy luật khách quan của hiện tượng tự nhiên. Từ đó, ông cũng phủ nhận sự khác nhau về chất giữa nhận thức bản chất sự vật thể hiện trong khái niệm với nhận thức của kinh nghiệm đối với hiện tượng. Theo Makhơ, cái gọi là khái niệm không phải là sự phản ánh của tư duy con người đối với bản chất sự vật, đối với quy luật khách quan, mà khái niệm chỉ là một hoạt động phản ứng của con người. Nhà khoa học khi tiến hành quan sát trực tiếp đối với hiện thực kinh nghiệm và quan sát nhiều kinh nghiệm cùng loại thì tác dụng của tính nguyên tắc liên tục sẽ hình thành hệ thống phản ứng miêu tả đối với hiện thực ấy. Khái niệm, theo Makhơ, đã được hình thành trong quá trình như vậy. Chúng đều là sự quan sát các yếu tố cảm tính, vì vậy, không có sự khác biệt về nguyên tắc với kinh nghiệm cảm tính. Dựa trên quan điểm này, Makhơ

nhấn mạnh rằng, vật lý học cũng như khoa học tự nhiên chỉ có thể là vật lý có tính chất miêu tả. Nhằm chống lại ý đồ đòi hỏi vật lý phải đạt đến nhận thức bản chất của khoa học tự nhiên, ông cho rằng, ý đồ đó chỉ có thể là giả thuyết. Makhơ gọi đó là khoa học miêu tả mà trên thực tế là khoa học của chủ nghĩa kinh nghiệm, vì chủ nghĩa kinh nghiệm cho rằng, trong nghiên cứu khoa học cố nhiên không thể có chúa và linh hồn, cũng không thể có nguyên tử vì nguyên tử, chúa hay linh hồn không phải là cái hiện có trong kinh nghiệm, không thể mô tả với tính cách là hiện thực kinh nghiệm. Theo Makhơ, cái ngoài kinh nghiệm đối với khoa học và tư duy lý luận hoàn toàn là cái dư thừa, không phù hợp với nguyên tắc hiệu quả tư duy, vì vậy, chúng cần bị loại bỏ. Dựa trên quan điểm ấy, ông yêu cầu mọi cái như bản chất, thực thể, vật tự nó, v.v., những cái không thể thực chứng bằng kinh nghiệm đều cần phải vứt bỏ vì không hiệu quả. Quan điểm trên của Makhơ đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của các triết gia thực chứng lôgíc sau này.

Chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm đã cố gắng giữ lập trường trung lập trong triết học bằng cách xây dựng luận cứ cho lập trường thứ ba hoàn toàn xác định. Makhơ và Avênariút đã lý giải triết học của mình như là phương pháp mô tả thuần tuý những yếu tố trung lập của thế giới. Theo Avênariut, nhiệm vụ của triết học là tìm ra phương án sắp xếp các dữ liệu hiện có để nhận được bức tranh đơn giản nhất và dễ hình dung nhất về thế giới với một sự chi phí ít nhất về nỗ lực trí tuệ. Sau khi tuyên bố triết học của mình là “triết học đích thực của khoa học tự nhiên”, Avênariut cho rằng, nó cần phải hạn chế ở việc xây dựng các thủ thuật áp dụng nguyên tắc tiết kiệm tư duy.

Như vậy, theo chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm, triết học là một phương thức lý giải những yếu tố của thế giới đã được chủ thể quan sát. Đối tượng của triết học là sản phẩm hoạt động của chủ thể. Đó là các nguyên tắc và các thủ thuật sắp xếp những yếu tố của thế giới theo nguyên tắc tiết kiệm

tư duy. Theo họ, khi làm như vậy, nếu triết học không phải là khoa học theo nghĩa cơ bản của từ đó, thì dẫu sao nó cũng là tư duy khoa học.

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa thực chứng và quan điểm của chủ nghĩa thực chứng về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)