của các nhà triết học thực chứng sơ kỳ.
Với tư cách là người đặt nền móng cho chủ nghĩa thực chứng, Côngtơ muốn xây dựng một hệ thống triết học thực chứng có sự gắn kết đặc biệt với sự phát triển của khoa học tự nhiên thực nghiệm. Ý đồ của Côngtơ là xây dựng triết học thực chứng thành triết học hoàn thiện nhất của tinh thần khoa học ở thời đại ông. Với khả năng luận chứng chặt chẽ, theo Côngtơ, triết học thực chứng sẽ đem lại phương tiện để tìm ra các quy luật lôgíc của trí tuệ con người và sẽ cung cấp khả năng đảm nhiệm vai trò chỉ đạo các lĩnh vực cơ bản của hiện thực. Ông muốn dùng nguyên tắc chủ nghĩa thực chứng xây dựng hệ thống thống nhất của khoa học để thay thế siêu hình tư biện, đặt khoa học dưới triết học.
Côngtơ cho rằng, triết học phải căn cứ vào khoa học tự nhiên thực nghiệm, phải lấy những sự việc và những tri thức có thể quan sát và thực nghiệm được làm nội dung. Côngtơ phủ nhận việc triết học nghiên cứu vấn đề bản thể luận hay thế giới quan. Ông chủ trương đặt triết học thực chứng của ông vượt ra ngoài sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Ông khẳng định rằng, chủ nghĩa thực chứng “thỏa mãn và điều hoà mọi cái có thể đứng vững trong chủ trương đối địch giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh, vì vậy nó sẽ vứt bỏ cả hai cái” [4, tr.73].
Côngtơ nhiều lần nhấn mạnh, triết học thực chứng của ông là những tri thức thực tại, có ích, đó là những tri thức nghiên cứu thuộc phạm vi hiện tượng, còn bản chất của sự vật là gì, nguyên nhân nào gây nên những hiện tượng ấy, v.v. đó không phải là vấn đề thuộc phạm vi của tri thức thực chứng và sự nghiên cứu đối với chúng đều đi ngược lại tinh thần của chủ nghĩa thực chứng. Ông nói rằng, “tinh thần thực chứng thực sự nghiên cứu quy luật bất biến của đối tượng để thay thế cái gọi là nguyên nhân”. Ông cho rằng, khoa học chỉ có thể mô tả sự thực, mà không thể trình bày rõ sự thực, khoa học chỉ hỏi thế nào mà không hỏi vì sao, nó chỉ biết như vậy mà không cần biết vì sao như vậy. Ví dụ: Với định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, con người chỉ cần biết các loại hiện tượng của vũ trụ phục tùng quy luật ấy là được, chỉ cần biết sức hút không đổi giữa mọi vật tỷ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. “Còn xác định sức hút ấy và bản thân khối lượng ấy là gì, những vấn đề này chúng ta đều cho rằng không có cách nào giải quyết, và không thuộc phạm vi triết học thực chứng mà chúng ta nhường chúng cho các nhà thần học tưởng tượng, hoặc giao cho các nhà siêu hình thực hiện những luận chứng vặt vãnh” [4, tr.74-75].
Theo Côngtơ, nếu các môn khoa học tự nhiên thực nghiệm có đối tượng nghiên cứu là các loại sự vật tự nhiên và hiện tượng đặc thù có thể quan sát được nhằm mục đích tìm tòi quy luật của chúng, thì nhiệm vụ của triết học
thực chứng là khảo sát các quy luật của các môn khoa học tự nhiên cũng như các phương pháp vận dụng, tổng hợp để nêu lên những quy luật và phương pháp nói chung. Nhiệm vụ chủ yếu của các triết gia thực chứng là khẳng định sự khác biệt giữa các môn khoa học đặc thù, đồng thời chỉ ra sự thống nhất giữa chúng, xây dựng tổng hợp thực nghiệm. Côngtơ có ý đồ dùng nguyên tắc của chủ nghĩa thực chứng xây dựng hệ thống thống nhất của khoa học để thay thế siêu hình tư biện, đặt khoa học dưới triết học.
Như vậy, theo Côngtơ, triết học thực chứng căn cứ vào những kết quả của các khoa học cụ thể, xác định mối quan hệ giữa những dữ liệu do các khoa học này mang lại để thực hiện nhiệm vụ xây dựng “lý luận về khoa học”, tức là quy mọi khoa học về hình thức “khoa học chặt chẽ” nhờ xây dựng một sự phân loại khoa học thống nhất. Nói cách khác, theo ông, triết học thực chứng là sự tổng hợp của các khoa học cụ thể. Các khoa học cụ thể có nhiệm vụ phân loại các sự kiện, còn triết học thực chứng thì phân loại các khoa học.
Theo Côngtơ, để đạt được sự tổng hợp thực nghiệm, trước hết phải tiến hành phân loại khoa học. Trong Giáo trình triết học thực chứng, ông phân khoa học thành sáu loại: toán học, thiên văn học, vật lý học, hoá học, sinh học, xã hội học. Theo ông, trong số các khoa học này thì toán học là công cụ có sức mạnh nhất, là khoa học phổ biến nhất giúp cho con người thăm dò quy luật tự nhiên.
Côngtơ cho rằng, phân loại khoa học nên xuất phát từ khoa học trừu tượng nhất, chung nhất đến khoa học phức tạp hơn, cụ thể hơn. Ví dụ: Toán học trừu tượng hơn thiên văn học, thiên văn học lấy toán học làm tiền đề, toán học đi trước văn học. Sinh học nghiên cứu những quy luật chung của sự sống thì trừu tượng hơn xã hội học chuyên nghiên cứu con người trong xã hội, và vì vậy, xã hội học lấy sinh học làm tiền đề, sinh học phát triển trước xã hội học. Tóm lại, theo Côngtơ, khoa học phát triển trước là khá trừu tượng và đơn
thuần, khoa học sau khá cụ thể, phức tạp. Toán học là khoa học đơn thuần trừu tượng nhất, xã hội học là khoa học phức tạp nhất, cụ thể nhất. Ông cho rằng, sự phân loại khoa học của ông thống nhất với lịch sử phát triển của khoa học. Khoa học phát triển sớm nhất là toán học, còn xã hội học, đến thời của ông mới chính thức được hình thành.
Theo Côngtơ, mỗi môn khoa học đều có phương pháp và trình tự nghiên cứu đặc thù của nó. Tuy nhiên, các khoa học đều có sự liên hệ với nhau và đều cần áp dụng một phương pháp nghiên cứu thống nhất. Các môn khoa học phát triển sau cần phải lấy khoa học phát triển trước làm tiền đề, khoa học phát triển sau cần phải vận dụng phương pháp của khoa học phát triển trước. Toán học phát triển rất sớm, là khoa học trừu tượng nhất, vì vậy, phương pháp toán học tất nhiên trở thành phương pháp của tất cả các khoa học khác. Trong hệ thống phân loại khoa học của Côngtơ, khoa học nào càng cách xa toán học thì phương pháp nghiên cứu của khoa học đó càng phức tạp. Nhưng bất cứ ngành khoa học nào, dù là xã hội học, theo Côngtơ, cũng cần áp dụng toán học.
Triết học thực chứng của Côngtơ khẳng định rằng, khoa học nói chung không thể dựa vào thần học và siêu hình mà tự bản thân nó phải là một hệ thống có sự gắn kết chặt chẽ của các khoa học đặc thù. Sự gắn kết chặt chẽ đó thể hiện là một hệ thống sắp xếp từ giản đơn đến phức tạp, từ chung chung đến đặc thù, từ trừu tượng đến cụ thể. Các ngành khoa học đặc thù đều có đối tượng nghiên cứu riêng của mình, nghiên cứu các loại hiện tượng khác nhau hoặc các mặt khác nhau của sự vật, nhưng đều lấy giới hạn là các quan hệ song song và nối tiếp của các hiện tượng. Các ngành khoa học đặc thù có phương pháp nghiên cứu riêng của mình nhưng chúng lại thống nhất. Vì vậy, nhiệm vụ của các triết gia thực chứng là khẳng định sự khác biệt giữa các môn khoa học đặc thù đồng thời chỉ ra sự thống nhất giữa chúng, xây dựng hệ thống khoa học tổng hợp thực nghiệm.
Khi nói về lợi thế của triết học thực chứng và về công dụng của nó trong hệ thống chung của các khoa học cụ thể, Côngtơ chỉ ra bốn đặc điểm cơ bản của nó:
Một là, việc nghiên cứu triết học thực chứng sẽ đem lại phương tiện thống nhất hợp lý để tìm ra các quy luật lôgíc của trí tụê con người;
Hai là, khả năng luận chứng chặt chẽ của triết học thực chứng sẽ giúp
nó đảm nhiệm vai trò chỉ đạo trong việc cải tạo chung hệ thống giáo dục và đào tạo, ở đó nhu cầu nắm vững tổng thể các tư tưởng thiết thực về mọi lĩnh vực cơ bản của hiện thực ngày càng tăng. Côngtơ xem sự khám phá ngày càng sâu cái tạo nên thực chất của các khoa học cụ thể là đặc biệt quan trọng - đó là những phương pháp cơ bản và những kết quả quan trọng của chúng;
Ba là, việc nghiên cứu chuyên ngành các khoa học triết học thiết thực
sẽ tạo đà cho sự tiến bộ của các khoa học thiết thực riêng lẻ;
Bốn là, đặc điểm quan trọng của triết học thiết thực là ở chỗ có thể xem
nó như là cơ sở vững chắc duy nhất của việc cải tạo xã hội [16, tr.112-113]. Tiếp tục phát triển quan điểm của Côngtơ, Minlơ cũng cho rằng triết học và mọi tri thức của loài người chỉ nên giới hạn trong phạm vi kinh nghiệm. Triết học cần trở thành lý luận nghiên cứu thực tế kinh nghiệm và phương pháp khoa học. Ông phủ nhận việc triết học nghiên cứu vấn đề thế giới quan hay đi tìm bản chất và cơ sở thế giới bên ngoài kinh nghiệm. Theo Minlơ, việc xây dựng hệ thống tri thức siêu kinh nghiệm, tìm bản chất, cơ sở của thế giới ngoài kinh nghiệm là điều vừa không thể làm được, lại vừa không cần thiết. Ông nói rằng: “chân lý do trực quan nhận thức được là tiền đề xuất phát căn bản của mọi chân lý khác”. Trực quan ở đây, theo ông, là trực quan cảm tính, tức trực quan kinh nghiệm. Nhiệm vụ của triết học là tìm kiếm sự ổn định tương đối và cái có trật tự trong kinh nghiệm chủ thể, hay nói cách khác, tìm hiểu quan hệ nhân quả giữa các kinh nghiệm hay lôgíc của chúng. Trên thực tế, Minlơ muốn coi triết học là lôgíc học. Ông mở rộng tác dụng
của lôgíc học, đòi hỏi lôgíc học phải trở thành một loại nhận thức luận, phương pháp luận phổ biến đối với các khoa học tự nhiên, các khoa học tinh thần như tâm lý học, luân lý học, đạo đức học, v.v..
Lôgíc học của Minlơ chống lại sự thổi phồng tác dụng của phép diễn dịch lý tính của những người theo chủ nghĩa diễn dịch. Ông chống lại quan điểm cho rằng, mọi chân lý mà con người tìm được là do con người sử dụng phép diễn dịch, do suy luận từ một số ít khái niệm và mệnh đề rõ ràng, tất nhiên và có ý nghĩa phổ biến. Tuy nhiên, Minlơ vẫn thừa nhận tác dụng của diễn dịch lý tính trong nhận thức khoa học. Theo ông, toán học là một môn khoa học diễn dịch điển hình, những thuật ngữ toán học được vận dụng rộng rãi trong các môn khoa học tự nhiên và có tác dụng ngày càng lớn. Vì vậy, phép diễn dịch trong khoa học tự nhiên sẽ ngày càng có tác dụng, các ngành khoa học cần phải sử dụng phương pháp lôgíc diễn dịch suy luận. Tuy nhiên, theo Minlơ, đó lại không phải là phương pháp tiếp thu được chân lý và tri thức mới. Minlơ nhấn mạnh tác dụng của phép quy nạp kinh nghiệm. Ông cho rằng, mọi suy luận và chứng minh, mọi chân lý, v.v. đều do phép quy nạp và sự giải thích về phép quy nạp tạo nên. Chỉ có phép quy nạp mới làm cho con người có thể suy luận từ cái đã biết ra cái chưa biết, từ sự thực đã quan sát ra sự thực chưa quan sát... từ đó, thúc đẩy tri thức và khoa học phát triển. Minlơ đặt ra nhiệm vụ cho mình là xây dựng phép quy nạp khoa học. Những tư tưởng lôgíc học của Minlơ có ảnh hưởng từ tính chất duy danh và tín hiệu học trong tư tưởng của Hốpxơ. Ông xuất phát từ tam đoạn luận truyền thống để lý giải chung về vấn đề quy nạp. Ông cho rằng, cách thức lý giải của thuyết tam đoạn luận là sự biến dạng của suy lý từ cái cụ thể này đến cái cụ thể khác và vì vậy kết luận mà nó rút ra được là từ sự quy nạp không đầy đủ. Dưới ảnh hưởng của những tác phẩm của Bêcơn và các nhà triết học khác quan tâm đến lôgíc học, đặc biệt dựa vào tác phẩm “Oócganông mới”, Minlơ đã đưa ra năm quy tắc của lôgíc quy nạp thực nghiệm (năm quy tắc đó là: Sự phân biệt duy
nhất; sự tương tự duy nhất; sự giống nhau và khác nhau dưới hình thức kết hợp; những mẫu thừa; những biến đổi kèm theo) [28, tr.45]. Bằng việc đưa ra phương pháp quy nạp, Minlơ muốn nhấn mạnh việc thông qua nghiên cứu thực nghiệm để phát hiện mối liên hệ nhân quả của sự vật, phát hiện quy luật tự nhiên, có tác dụng quan trọng thúc đẩy con người hướng về thực tế, chống chủ nghĩa duy tâm tư biện, giúp con người nhận thức giới tự nhiên và phát triển khoa học. Ông khẳng định: Nhận thức về luật nhân quả là “cột trụ chủ yếu của khoa học quy nạp” [4, tr.104]. Tiền đề của khoa học quy nạp là giả thiết: Mỗi sự kiện xảy ra đều theo luật nhân quả. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là thông qua khoa học, phát hiện mối liên hệ nhân quả giữa các sự vật.
Trong khi tranh luận với những người theo chủ nghĩa diễn dịch, Minlơ chú trọng khảo sát một số tính chất của toán học. Theo ông, toán học có một số đặc tính khác với khoa học kinh nghiệm nói chung, ví dụ: “Mệnh đề của hình học không thay đổi theo sự liên tục của sự kiện”, và chân lý của toán học “không có quan hệ gì với quy luật nhân quả”. Nhưng Minlơ cho rằng, không thể vì vậy mà xem mệnh đề toán học là mệnh đề có sẵn, hoặc cho nhà toán học tuỳ ý định nghĩa được mệnh đề. Định lý toán học (ví dụ, định lý hình học Ơclít) suy luận từ giả thiết giá trị thật và giả và giả thiết thường đề cập đến sự kiện. Hệ thống toán học là một hệ thống diễn dịch, được suy luận từ một số định đề và giả thiết chung. Nhưng những định đề và giả thiết chung đó xét đến cùng cũng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, “chúng là kết quả của quan sát và kinh nghiệm...đều lấy căn cứ của các giác quan làm cơ sở” [4, tr.102].
Đại biểu lớn nhất của chủ nghĩa thực chứng Anh cuối thế kỷ XIX là Spenxơ - người chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng của Côngtơ. Khi nói về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, Spenxơ luôn nhấn mạnh: Khoa học và triết học đều lấy hiện tượng làm đối tượng nghiên cứu, triết học thực chứng phải là quá trình tổng kết dữ liệu của các khoa học riêng biệt, khái quát hoá các quy luật biến đổi chung nhất của những hiện tượng - các quy luật
trùng hợp với nhau trong mọi khoa học riêng biệt. Theo Spenxơ, triết học chỉ khác với các khoa học ở mức độ phổ quát của các quy luật mà nó khảo cứu. Theo ông, triết học chỉ hệ thống hoá kinh nghiệm như tổng thể những hiện tượng mà một phần đã được các khoa học riêng biệt mô tả. Giống như Côngtơ, Spenxơ cho rằng, khoa học không thể biết được bản chất của sự vật, mà chỉ biết được những hiện tượng bên ngoài của sự vật, khoa học chỉ dừng lại ở những mối liên hệ, quan hệ thường xuyên, ổn định của chúng. Ông nói: “Thành tựu cao nhất của khoa học là giải thích các loại trật tự của hiện tượng”, “khi khoa học làm như vậy, không mảy may vượt qua phạm vi hệ thống kinh nghiệm của chúng ta” [4, tr.113].
Spenxơ tiến hành phân loại tri thức dựa trên nền tảng của chủ nghĩa kinh nghiệm. Ông chia tri thức làm ba loại: tri thức cấp thấp nhất, tri thức khoa học và tri thức triết học. Ba loại tri thức này đều là tri thức của hiện tượng. Sự khác nhau của chúng, theo Spenxơ, không phải là ở bản chất bên trong mà là sự khác nhau về mức độ liên quan bên ngoài. Ông viết: “ Tri thức