- Triển vọng về nền kinh tế
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và trên thế giới (Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam từ năm
2006 đến năm 2010 đạt 6,7%/ năm), dự đoán trong những năm tiếp theo nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa.
- Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam
Thị trường bán lẻ của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn trong khu vực (tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bán lẻ Việt Nam là 25%), với quy mô thị trường tiêu thụ rộng lớn: dân số đông (gần 87 triệu người năm 2011), dự báo đến năm 2020 dân số Việt Nam là khoảng 100 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ dưới tuổi 30 cao (57%). Do vậy Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức mua lớn với tiềm năng mạnh mẽ chưa được khai thác. Hơn nữa, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã có xu hướng thay đổi: Từ mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống, cửa hàng chuyển sang mua sắm khối lượng lớn cho cả tuần tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và qua mạng Internet, đời sống vật chất được nâng lên đã làm cho sức mua của tầng lớp dân cư liên tục tăng…Đây là một cơ hội vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nói chung và công ty Siêu thị Hà Nội nói riêng mở rộng mạng lưới kinh doanh bán lẻ của mình.
- Triển vọng hợp tác
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã chính thức ra mắt vào ngày 5/10/2007, với vai trò là cầu nối giữa các nhà bán lẻ trong nước với nhau nhằm tạo nên sức mạnh tập thể cho các doanh nghiệp này, để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình trong bối cảnh làn sóng gia nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Công ty Siêu thị Hà Nội là một thành viên của hiệp hội này, đây là cơ hội thuận lợi vì thông qua hiệp hội này công ty có thể tìm các đối tác đầu tư trong nước, liên doanh, liên kết với các đối tác này nhằm gia tăng nguồn lực tài chính và chủ động về nguồn hàng của mình.
Song bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy cơ, đe dọa đến thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nói chung và công ty siêu thị Hà Nội nói riêng bằng sự gia nhập của nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam. Điển hình là:
+ Bourbon của Pháp (Big C) hiện có 7 siêu thị hoạt động tại Hà Nội và Hải Phòng.
+ Metro Cash & Carry của Đức với 3 siêu thị hoạt động tại Hà Nội
+Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã tham gia vào thị trường Việt Nam theo hình thức liên doanh.
Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài này có tiềm lực rất mạnh về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, với những lợi thế này mà giá bán trên thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài thường thấp hơn từ 5 -10% so với giá bán của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, cuộc chiến về giá đã làm cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam điêu đứng. Đứng trước tình thế đó các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và công ty Siêu thị Hà Nội nói riêng cần phải phát huy tối đa những lợi thế sẵn có của mình, gia tăng nguồn lực tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...Đồng thời phải có những giải pháp và chiến lược kinh doanh hữu hiệu nhằm giữ vững và gia tăng thị phần của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.