MỘT SỐ YÊU CẦU CHUNG

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIÁO DỤC NỘI DUNG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG TRONG MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 70)

- Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh về phổ biến, giáo dục pháp luật phải theo yêu cầu chung của kiểm tra, đánh giá Quyết định số 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 05/10/2006 (40/2006/QĐ-BGDĐT) về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông; đồng thời quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Giáo dục công dân theo Thông báo số 300/TB- BGDĐT ngày 8/5/2009.

- Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh môn Giáo dục công dân nói chung và tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng cần hướng vào các yêu cầu sau :

+ Quán triệt đặc trưng của môn học, môn GDCD là một môn học có tính tính thực tiễn và tính giáo dục cao. Dạy học môn GDCD không chỉ cung cấp kiến thức, mà điều quan trọng là hình thành các kĩ năng, thái độ và phương thức hành vi ứng xử ở học sinh. Vì vậy, cần khắc phục tình trạng thiên về kiểm tra tái hiện (ghi nhớ) kiến thức, tăng cường mức độ thông hiểu và yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức theo hướng ra đề “mở” để học sinh liên hệ, phân tích, bình luận, biểu đạt chính kiến và định hướng hành vi của mình. Mặt khác, phải bảo đảm sự cân đối, hợp lí giữa các yêu cầu kiểm tra về kiến thức, kĩ năng và các yêu cầu về thái độ đối với học sinh. Bên cạnh việc kiểm tra kiến thức, cần chú ý kiểm tra các kĩ năng như kĩ năng nhận xét, đánh giá, kĩ năng vận dụng bài học để giải quyết các vấn đề, tình huống và thực hành trong cuộc sống; kiểm tra thái độ, tình cảm của học sinh đối với các vấn đề mà bài học đặt ra. Từ đó, thúc đẩy HS tích cực rèn luyện theo yêu cầu của các chuẩn mực bài học, rèn luyện năng lực tự học và tư duy độc lập.

+ Việc kiểm tra phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học và trung thực. Cụ thể kiểm tra phải đưa lại những thông tin chính xác, phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh để trên cơ sở đó giáo viên có sự điều chỉnh phù hợp về phương pháp dạy học, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh. Bài kiểm tra được coi là có độ tin cậy nếu kết quả đánh giá phản ánh đúng năng lực học tập của học sinh dựa theo các tiêu chí đánh giá.

+ Phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ của môn học để xây dựng đề kiểm tra, từ đó mới xác định được mức độ đạt yêu cầu của chuẩn, làm căn cứ để điều chỉnh việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

+ Phải có sự phân hoá mức độ cho các loại đối tượng học sinh khác nhau nhằm khuyến khích HS phấn đấu vươn lên. Nhìn chung, đề kiểm tra phải phù hợp với số đông HS (đại trà) và dành một số nội dung cho HS khá và giỏi.

- Đổi mới công cụ kiểm tra, đánh giá :

+ Đổi mới các hình thức đề kiểm tra, kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm khách quan, tự luận và hình thức quan sát hoạt động, nghiên cứu sản phẩm hoạt động của học sinh, các hình thức kiểm tra đánh giá thông qua các hoạt động ngoài lớp của học sinh, hoạt động thực hành, rèn luyện trong cuộc sống hằng ngày. Cần kết hợp một cách hợp lí giữa câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề kiểm tra.

+ Kết hợp việc kiểm tra, đánh giá bằng điểm số với nhận xét của giáo viên. Trong các bài kiểm tra của học sinh, giáo viên phải nhận xét và sửa lỗi khi cho điểm. Việc nhận xét và sửa lỗi có tác dụng rất quan trọng trong việc giúp học sinh nhận thức được các lỗ hổng về kiến thức và kĩ năng cần khắc phục. Mặt khác, việc nhận xét, đánh giá kết quả học tập môn học của học sinh không nên chỉ căn cứ vào điểm số mà còn căn cứ vào tinh thần thái độ học tập và tham gia các hoạt động, việc thực hành rèn luyện trong cuộc sống.

- Phối hợp các lực lượng trong việc kiểm tra, đánh giá:

Để củng cố và tăng cường ý thức rèn luyện của học sinh ở mọi nơi, mọi lúc theo yêu cầu trên, trong đổi mới kiểm tra môn Giáo dục công dân cần có sự phối hợp tham gia của các lực lượng, cụ thể:

+ Tự kiểm tra, đánh giá và kiểm tra, đánh giá của học sinh và tập thể học sinh.

+ Kiểm tra, đánh giá của các lực lượng giáo dục trong nhà trường như giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn khác, cán bộ Đoàn.

+ Kiểm tra, đánh giá của gia đình và cộng đồng.

Để thực hiện việc tốt việc phối hợp các lực lượng trong việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân cần phải thường xuyên liên hệ, kịp thời thu nhận những thông tin nhận xét, đánh giá của các lực lượng trên về thái độ, hành vi của học sinh, mặt khác có những hình thức khuyến khích học sinh tự liên hệ, tự kiểm tra, tự đánh giá và kiểm tra, đánh giá lẫn nhau.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIÁO DỤC NỘI DUNG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG TRONG MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w