3.3.1.1. Mất và phá huỷ nơi cư trú
Mối đe dọa chính đối với ĐDSH là nơi cư trú của sinh vật bị phá hủy. Mất nơi cư trú là nguy cơ đầu tiên làm cho các loài động vật có xương sống bị tuyệt chủng và đó cũng là nguy cơ đối với cả động vật không xương sống, thực vật, các loài nấm v v...Thường là kết quả trực tiếp do các hoạt động của con người và sự tăng trưởng dân số, là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy
giảm loài, quần thể và hệ sinh thái. Một trong những hoạt động chính ở đây là phá rừng đã làm mất nơi ở của nhiều loài động vật và thực vật.
● Tình hình trên thế giới :
Vào năm 1980, rừng che phủ khoảng 3.600 triệu ha, chiếm gần 28% bề mặt trái đất (không tính vùng Groenland và Châu Nam Cực). Khoảng 2.150 triệu ha được tìm thấy ở các nước đang phát triển, trong đó 1.935 triệu ha ở các nước nhiệt đới và 1.450 triệu ha ở các nước công nghiệp hóa. Mười năm sau, rừng trên thế giới chỉ còn 3.400 triệu ha, mất khoảng gần 6% so với năm 1980, tỉ lệ che phủ của rừng trên hành tinh là 26% so với 28% của 10 năm trước. Trong 200 triệu ha rừng mất đi, 154 triệu ha ở các nước nhiệt đới (trung bình khoảng 11,4 triệu ha mỗi năm) và 36 triệu ha ở các nước công nghiệp hóa.
Bảng 21: Diện tích rừng nguyên thủy và hiện tại
Khu vực Rừng nguyên sinh (Km2) Rừng hiện nay (Km2) % (Rừng hiện nay / Rừng nguyên sinh) Châu Phi 6799000 2302000 34 Châu Á 15132000 4275000 28 Trung Mỹ 1779000 970000 55 Bắc Mỹ 10877000 8438000 78 Nam Mỹ 9736000 6800000 70 Châu âu 4690000 1521000 32 Liên Xô 11759000 8083000 69
Châu Đại Dương 1431000 929000 65
Thế giới 62203000 33363000 54
(Nguồn: Theo FAO, 2002)
Theo Ryan thì nạn phá rừng là nguyên nhân tuyệt chủng mỗi ngày của ít nhất một loài chim, một loài hữu nhũ hoặc một loài thực vật. Có ít nhất 500.000 động vật không xương sống khó tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng vì môi trường nhiệt đới ẩm của chúng bị phá hoại.
3.3.1.2. Khai thác quá mức
Khai thác quá mức là nguyên nhân thứ 2 sau nguyên nhân mất nơi cư trú và là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn các loài đến tuyệt chủng.
Cộng đồng dân cư ở Hà Nội, đặc biệt ở vùng gồi đò Sóc Sơn, VQG Ba Vì, RĐD Hương Sơn… vẫn sử dụng nguồn tài nguyên sinh vật như khai thác củi, động vật hoang dã, nguồn lợi thủy sản… nhằm thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống. Khi dân số vẫn còn ít, phương pháp thu hái thô sơ, con người khai thác tài nguyên sinh vật và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, không làm cho các loài trở nên tuyệt chủng. Khi dân số tăng lên, nhu cầu khai thác tài nguyên cũng tăng lên, các phương pháp khai thác dần dần được cải tiến và trở nên hữu hiệu hơn, đã tiêu diệt số lượng lớn cá thể làm cho quần thể của nhiều loài không còn khả năng phục hồi, dẫn đến tuyệt chủng. Sự khai thác của con người đã gây nguy cơ ảnh hưởng đến 1/3 số loài động vật có xương sống đang có nguy cơ bị tuyệt chủng (Groombridge, 1992). Nhiều loài như tê giác hay một số loài khác , số lượng hiện nay còn quá ít đến mức không thể nào phục hồi lại được nữa.
Buôn bán động thực vật hoang dã đã trở thành nghề kinh doanh siêu lợi nhuận, đang diễn ra một cách mạnh mẽ, chịu sự chi phối của sự phát triển KT-XH toàn cầu và tuân thủ theo những quy luật của kinh tế thị trường. Sự buôn bán động thực vật hoang dã đã gây ảnh hưởng nặng nề cho ĐDSH của nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia đã có những nỗ lực để ngăn chặn phòng ngừa nhằm bảo vệ các loài động thực vật hoang dã thông qua công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là công ước CITER) được 147 nước ký kết vào năm 1975. Ở Việt Nam trong những năm gần đây việc buôn bán và xuất khẩu các sản phẩm sinh vật, các động vật và thực vật, kể cả những loài được bảo vệ, phát triển nhanh chóng, dẫn đến suy thoái nhiều loài động vật như Tê giác, hổ, báo, voi..., các loài cây như Pơmu, Trầm hương, Sâm ngọc linh...ngày càng trở nên rất hiếm. Nhiều loài như Tê tê, các loài rùa, rắn, kỳ đà, ếch, ba ba đang được xuất khẩu một cách ồ ạt sang Hồng Kông, Trung Quốc..là mối đe dọa với ĐDSH.
Do săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép: Để chứng minh tốc độ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, chúng ta có thể nhận thấy rằng giai đoạn trước năm 1990 việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã chỉ mới sử dụng trong phạm vi miền núi, chưa thực sự trở thành kinh tế hàng hóa mang tính quốc gia và quốc tế. Khoảng từ 1990 đến nay, xu hướng tiêu dùng xã hội đã khiến việc sử dụng động vật hoang dã trở thành phổ biến trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, hầu hết các loài động vật hoang dã bị khai thác săn bắt với tốc độ cao làm đẩy nhanh sự suy giảm các loài. Hiện có khoảng hơn 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 20 loài đặc biệt quý hiếm đã được kinh doanh sử dụng trên thị trường Việt Nam. Phần lớn các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Các loài bị khai thác bất hợp pháp chủ yếu là: Rắn, kỳ đà, tê tê, rùa các loại, thú rừng, mèo, lợn rừng, hươu nai, khỉ các loại, cầy các loại, gấu, sơn dương, chim. Nhiều nhất vẫn là các loài rùa, rắn. Tỷ lệ các loài được khai thác ở Việt Nam là: thú rừng chiếm 20%, rắn 45%, rùa các loại 30%, chim 3%, còn lại là các loài khác.
Săn bắn quá mức, đánh cá quá mức, hoặc thu hoạch quá mức một loài hoặc một quần thể có thể dẫn tới sự suy giảm của loài hoặc quần thể đó. 3.3.1.3. Sự thay đổi trong thành phần HST
Chẳng hạn như mất hoặc suy giảm của một loài có thể dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học. Ví dụ, nỗ lực loại trừ chó sói châu Mỹ ở miền nam California dẫn đến việc giảm sút các quần thể chim hót trong vùng. Khi quần thể chó sói châu Mỹ giảm sút, quần thể con mồi của chúng, gấu trúc Mỹ, sẽ tăng lên. Do gấu trúc Mỹ ăn trứng chim, nên khi số lượng chó sói ít hơn thì số lượng gấu trúc ăn trứng chim lại nhiều lên, kết quả là số lượng chim hót sẽ ít đi.
3.3.1.4. Sự nhập nội các loài ngoại lai
Sự nhập nội các sinh vật ngoại lai có thể phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái và ảnh hưởng đến các quần thể động vật hoặc thực vật bản địa. Những kẻ xâm chiếm này có thể ảnh hưởng bất lợi cho các loài bản địa do quá trình sử dụng các loài bản địa làm thức ăn, làm nhiễm độc chúng, cạnh tranh với chúng hoặc giao phối với chúng. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh chóng do không có các loài thiên địch, bành chướng lãnh thổ làm mất nơi cư trú của nhiều loài khác.
● Trường hợp Lục bình (Eichhornia crassipes)
Loài thực vật này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, đã được du nhập vào Florida vào khoảng những năm 1880. Đây là loài cỏ cực xấu cho môi trường dưới nước hay trên cạn.
Trong vòng vài năm, loài này đã che phủ 1 diện tích mặt nước lên đến 125.000 acre ở Floride. Tỉ lệ tăng trưởng của chúng được xem là lớn nhất trong tất cả các loài được biết hiện nay: quần thể lục bình có thể gia tăng gấp đôi trong vòng 12 ngày.
Hơn nữa, chúng còn ngăn cản sự lưu thông, cản trở việc câu cá và bơi lội, và ngăn cản sự thâm nhập ánh sáng và oxy vào trong nước. Lục bình làm suy giảm độ đa dạng sinh học trong các thủy vực nước ngọt. Loài này đã xuất hiện ở Châu Phi từ đầu thế kỷ 20 và người ta đã cảnh báo về sự hiện diện của chúng ở châu thổ sông Nil và ở Natal, Nam Phi cũng như ở Zimbabwe vào năm 1937.
3.3.1.5. Gia tăng dân số
Đe dọa lớn nhất đối với ĐDSH là số lượng và tốc độ gia tăng dân số của loài người, dân số Hà Nội có xu hướng tăng (kể cả tăng cơ học). Ngày lại ngày, ngày càng nhiều người, đòi hỏi ngày càng nhiều không gian sống, tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên và tạo ra ngày càng nhiều chất thải trong khi dân số thế giới liên tục gia tăng với tốc độ đáng báo động. Sự gia tăng dân số loài người sẽ làm giảm đa dạng sinh học theo các hướng sau:
- Gây biến đổi nơi cư trú do sự phát triển nông nghiệp, đô thị, công nghiệp, và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Gây ô nhiễm đất, nước và không khí.
- Khai thác quá mức các nguồn tài nguyên làm giảm cả về kích cỡ và đa dạng di truyền của các quần thể loài thương mại, chẳng hạn như cá.
- Nhập nội các loài ngoại lai làm phá huỷ các nguồn tài nguyên đất, nước và đôi khi còn đem đến cả những dịch bệnh cùng với những loài này. Ngoài ra, chúng có thể cạnh tranh với những loài động, thực vật bản địa về thức ăn và nơi cư trú. Một số loài động vật, như mèo và cáo, còn trực tiếp tiêu diệt các loài bản địa.
- Gây ra sự ấm toàn cầu do tăng phát thải lượng cacbon dioxit và các khí khác vào khí quyển, chúng làm biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên ở mọi nơi. Một trong các nguyên nhân của việc tăng mức cacbon dioxit là do đốt các nhiên liệu có nguồn gốc cacbon như than, dầu và gas.
3.3.1.6. Ô nhiễm môi trường
Hiện nay chất lượng môi trường nhiều nơi, nhiều lúc đã đến mức báo động. Nhiều thành phần môi trường bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm do các nguồn thải khác nhau (nước thải, khí thải, chất thải rắn) là nguyên nhân đe doạ đến ĐDSH, gây chết, làm giảm số lượng cá thể, gián tiếp làm huỷ hoại nơi cư trú và môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã.
Việc tiếp nhận nước thải với hàm lượng dinh dưỡng cao đã gây sự phú dưỡng của hầu hết các hồ ở Hà Nội và các khu dân cư, đô thị. Sự phú dưỡng đã gây hiện tượng nở hoa thực vật nổi ở các hồ nội địa là nhóm tảo lam tấm
(Microcystis spp), là loại tảo độc nguy hại tới môi trường sống của nhiều loại động vật thuỷ sinh và chất lượng nước.
Ngoài ra, thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp, nguồn thải từ các nhà máy, xí nghiệp có các hóa chất độc hại không dược xử lý đổ vào môi trường đã gây những ảnh hưởng lớn đến đời sống của giới sinh vật và đe dọa sức khỏe con người ở thành phố Hà Nội.
Khí hậu toàn cầu đang biến đổi theo xu hướng tăng nhiệt độ trái đất. Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng biến đổi này. Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các điều kiện môi trường. Các loài và các quần thể có thể bị suy giảm nếu chúng không thể thích nghi được với những điều kiện mới hoặc sự di cư.
3.3.1.8. Công tác quản lý còn yếu kém
Đánh giá những tồn tại của công tác bảo vệ môi trường và ĐDSH, tại nghị quyết số 41 – NQ/TW, Bộ Chính trị đã nhận định:… TNTN trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch, ĐDSH bị đe dọa nghiêm trọng”. Sở dĩ có tình hình trên vì ngoài những lý do nêu trên, công tác bảo vệ, quản lý ĐDSH của ta còn nhiều yếu kém, tồn tại trong đó phải kể tới tình trạng quản lý các hồ ở Hà Nội hiện nay chưa có sự quản lý thống nhất. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng hồ (điều hòa, thủy sản, du lịch, văn hóa – lịch sử… ) dẫn tới ngành chức năng liên đới đứng ra quản lý. Có thể cùng có tới 4 đơn vị quản lý ở Hồ Gươm. Hiện nay, có một số cơ quan cùng tham gia quản lý các hồ ở nội thành Hà Nội như Công ty thoát nước, Công ty đầu tư và khai thác Hồ Tây, Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, Công ty Hà Thủy, Công ty Công viên, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, Vườn thú Hà Nội, UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ…