Quỹ đầu tư chứng khoán ở Thái Lan

Một phần của tài liệu Phân loại Quỹ đầu tư chứng khoán (Trang 40)

III. Kinh nghiệm hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán ở một số nước

2. Hoạt động của các Quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường mới nổ

2.2. Quỹ đầu tư chứng khoán ở Thái Lan

Chỉ sau khi thị trường chứng khoán Thái Lan ra đời được một năm (năm 1974), chính phủ Thái Lan đã rất chú trọng đến việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh chứng khoán và tăng cường khả năng huy động vốn bằng cách thiết lập Quỹ đầu tư chứng khoán dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhờ đó giúp giới đầu tư Thái Lan vốn rất bỡ ngỡ với thị trường chứng khoán có thể có được một phương thức đầu tư mới đơn giản và an toàn hơn nhờ tính đầu tư chuyên nghiệp của quỹ. Tuy nhiên phải đến hai năm sau, hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán Thái Lan mới chính thức đi vào hoạt động. Trải qua nhiều thăng trầm, đến những năm 90, kể từ khi Luật chứng khoán và giao dịch chứng khoán mới ra đời vào năm 1992 thì hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán ở Thái Lan mới phát triển rực rỡ. Sự thành công này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân phối và dịch vụ của các Quỹ đầu tư. Các quỹ đã xây dựng được các kênh phân phối rất mạnh thông qua việc liên kết với các ngân hàng thương mại lớn. Góp thêm vào sự phát triển của các quỹ còn phải kể đến các văn bản luật và quy chế của uỷ ban chứng khoán hoạt động khá hiệu quả do được soạn thảo bởi những người có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng khuyến khích việc liên doanh với nước ngoài để thành lập Quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ nhằm tranh thủ vốn và kỹ năng của đối tác nước ngoài. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là cùng với sự hoạt động của các tổ chức tín thác đầu tư, Thái Lan cũng đã có một sự quan tâm đúng mức đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán.

* Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam rút ra từ thực tiễn hoạt động của các Quỹ đầu tư chứng khoán tại một số nước

Dù ở thị trường phát triển hay thị trường mới nổi thì các Quỹ đầu tư chứng khoán vẫn có những nét tương đồng và chúng đều tuân theo một quy luật phát triển chung. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế chính trị mà Quỹ đầu tư chứng khoán ở từng nước lại có những đặc trưng riêng. Là một nước đi sau, Việt Nam có thể học tập được những kinh nghiệm quý báu này để áp dụng một cách linh hoạt, giúp cho hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán có thể phát triển lớn mạnh, phát huy được tối đa tính ưu việt của mình.

Một yếu tố cần để giúp cho Quỹ đầu tư chứng khoán có thể hình thành và phát triển chính là những người đầu tư cá nhân. Quỹ đầu tư chính là cầu nối giúp các cá nhân với số vốn ít ỏi của mình có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán trong một danh mục đầu tư đa dạng và rủi ro được giảm xuống ở mức thấp nhất. Chúng ta có thể nhận thấy rằng các thị trường phát triển có hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán đã có một lịch sử phát triển lâu đời, cũng như các thị trường mới nổi có ngành Quỹ đầu tư chứng khoán đang bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển cũng đều có số lượng người tham gia đầu tư chứng khoán rất đông. Tỷ lệ người am hiểu và tự mình trực tiếp kinh doanh chiếm rất nhỏ, đa số đều thông qua Quỹ đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, ở Việt Nam, với tỷ lệ người am hiểu thị trường chứng khoán còn thấp, vốn đầu tư nhỏ thì việc làm cấp bách trước mắt chính là thu hút đông đảo dân chúng tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, khâu đào tạo nguồn nhân lực cho các Quỹ đầu tư chứng khoán cũng phải được chú trọng. Theo kinh nghiệm của Thái Lan, để hoạt động đầu tư có hiệu quả, chính phủ nước này đã quan tâm đúng mức đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam cần phải tìm ra được những giải pháp để có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ nhân viên không chỉ giỏi về mặt kỹ năng chuyên môn mà còn có đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo tính công khai, công bằng trong thị trường và cũng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.

Trên thế giới hiện nay, Quỹ đầu tư chứng khoán đang tồn tại dưới hai mô hình, mô hình tín thác và mô hình công ty. Việc lựa chọn áp dụng mô hình Quỹ đầu tư chứng khoán nào để phù hợp với điều kiện kinh tế, hệ thống pháp luật của từng nước có ý nghĩa quan trọng và mang tính quyết định đến quá trình hình thành và phát triển hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán. Đối với thị trường mới nổi, đặc biệt là tại các nước Châu Á, các quỹ dạng tín thác được hình thành trước. Khi hệ thống Quỹ đầu tư chứng khoán đã phát triển tới một trình độ nhất định thì các nước mới áp dụng mô hình Quỹ đầu tư dạng công ty. Trong khi đó, tại các nước phát triển thì lại áp dụng một cách đồng thời cả mô hình công ty và mô hình tín thác. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì các nước này đã phát triển ở một trình độ cao, hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ nên đã góp phần tạo ra một cơ chế hình thành và phát triển các Quỹ đầu tư một cách linh hoạt, tạo ra sự cạnh tranh giữa các định chế đầu tư. Chính vì vậy, với một đặc điểm tương tự như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia… trong buổi đầu hình thành Quỹ đầu tư chứng khoán thì đối với điều kiện Việt Nam hiện nay, việc lựa chọn mô hình tín thác sẽ là tối ưu nhất.

Có một đặc điểm giống nhau ở cả thị trường phát triển lẫn thị trường mới nổi là điểm xuất phát của Quỹ đầu tư chứng khoán là Quỹ đầu tư dạng đóng được hình thành và phát triển trước Quỹ đầu tư dạng mở. Đặc trưng của Quỹ đóng là cơ cấu vốn ổn định, giúp cho các tổ chức quản lý quỹ còn ít kinh nghiệm trong thời gian đầu thành lập có thể quản lý tốt nguồn vốn của mình.

Trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam quy mô còn nhỏ bé, kinh nghiệm thực tiễn trong việc điều hành hoạt động của Quỹ đầu tư còn hạn chế, thì việc hình thành các Quỹ đóng sẽ là phù hợp hơn cả.

Tuỳ theo hệ thống pháp luật của từng nước mà các Quỹ đầu tư chứng khoán có thể chịu sự quản lý ở các cấp khác nhau. Tuy nhiên, do tầm quan

trọng và ảnh hưởng to lớn của các Quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường tài chính nên đại đa số các nước đều áp dụng việc các quỹ chịu sự quản lý ở cấp trung ương. Ở cấp trung ương các quỹ có thể được quản lý bởi Bộ tài chính như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay là Uỷ ban chứng khoán nhà nước như Mỹ đang thực hiện. Do mục tiêu đầu tư của các quỹ là vào thị trường chứng khoán nên hợp lý nhất là để Uỷ ban chứng khoán nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy rằng, ở hầu hết các nước đều có hệ thống văn bản pháp lý ở cấp độ cao nhất điều chỉnh hoạt động của Quỹ đầu tư, hay tối thiểu là các chương lớn trong Luật chứng khoán. Chính vì vậy, đối với loại hình hết sức phức tạp như Quỹ đầu tư, thì Việt Nam nên sớm ban hành luật để tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hoạt động của các quỹ. Ngoài ra, do Quỹ đầu tư cũng chỉ mới xuất hiện nên Việt Nam cũng ngay từ đầu nên thực hiện các chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế nhằm phát triển Quỹ đầu tư chứng khoán. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, nhờ vào việc áp dụng một chính sách thuế hợp lý mà hệ thống Quỹ đầu tư của Nhật đã thu hút được nhiều nhà đầu tư góp phần thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ.

Sự thành công hay thất bại của việc kinh doanh Quỹ đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân phối và dịch vụ. Việc hỗ trợ của các ngân hàng được thể hiện qua những nỗ lực trong việc phân phối là chìa khoá cho sự thành công của các Quỹ đầu tư chứng khoán Thái Lan. Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng thương mại hiện đang là những tổ chức tham gia lớn nhất trên thị trường tài chính với hệ thống kênh phân phối rộng khắp đã được thiết lập từ lâu và không ngừng được mở rộng. Vì vậy, việc phân phối với hệ thống ngân hàng để có thể tận dụng được hệ thống kênh phân phối lớn sẵn có này sẽ là một lợi thế không nhỏ cho các Quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh nghiệm liên doanh với nước ngoài để thành lập Quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ nhằm tranh thủ vốn và kỹ năng của đối tác nước ngoài của Thái Lan cũng là

điều mà Việt Nam nên học tập. Hiện nay, các điều kiện, nguồn lực của Việt Nam để hình thành và phát triển Quỹ đầu tư rất còn hạn chế nên việc dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, việc liên doanh phải hết sức thận trọng để một mặt tạo điều kiện cho các Quỹ đầu tư chứng khoán trong nước phát triển, mặt khác tránh được sự thao túng thị trường từ bên ngoài.

Chương II

Một phần của tài liệu Phân loại Quỹ đầu tư chứng khoán (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(105 trang)
w