thời đại toàn cầu hóa
Đến cuối thế kỷ XX, các cơ sở toàn cầu của xung đột trong xã hội đã biến đổi - cả trên diễn đàn quốc tế, cũng như ở trong nước. Trước đây, các mâu thuẫn dân tộc, giai cấp, chính trị, hệ tư tưởng (sự đối kháng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, giữa chế độ dân chủ và chế độ cực quyền, giữa chính quốc và thuộc địa, giữa dân tộc áp bức và dân tộc bị áp bức) đã sinh ra chiến tranh khu vực, chiến tranh thế giới, nội chiến, các xung đột đa dạng, đã trở thành mảnh đất nuôi dưỡng cho chủ nghĩa quân phiệt và tệ sùng bái cá nhân phát triển, cho tổ hợp công nghiệp - quân sự phát triển vượt lên trước.
Được đặt lên hàng đầu bây giờ là các mâu thuẫn và xung đột giữa các nền văn minh; chính chúng sẽ chiếm ưu thế ở thế kỷ XXI - không những trong không gian toàn cầu mà còn cả ở bên trong các nước, đặc biệt là ở một nước đa sắc tộc, đa dân tộc và đa tôn giáo. Nguy cơ xung đột tự huỷ diệt giữa các
nền văn minh đang tăng lên. Do vậy, khi hình thành văn hoá hoà bình và phi bạo lực, khắc phục tệ sùng bái chiến tranh, lòng thù hận và bạo lực đã hình thành hàng nghìn năm, dừng lại ở lời kêu gọi giáo dục các thế hệ tương lai theo tinh thần khoan dung, hợp tác, tôn trọng văn hoá và giá trị của các nhóm xã hội khác, là chưa đủ. Cần phải hiểu được nguyên nhân chủ quan và khách quan của xung đột giữa các nền văn minh, tạo ra các biện pháp thích hợp và có hiệu quả nhằm ngăn chặn và giải quyết chúng, nhằm phát triển đối thoại làm nguyên tắc giữa các nền văn minh.
Xuyên suốt trong lịch sử quan hệ giữa các nhà nước là những cuộc chiến tranh. Có thể nói chiến tranh như một hiện tượng chính trị gắn liền với việc xuất hiện nhà nước. Vì quân đội và nền kinh tế quân sự bảo đảm các nhu cầu sống còn của nhà nước và nhận được sự ủng hộ có ưu tiên của những người cầm quyền, các vũ khí và vật liệu hoàn hảo nhất thường được sáng chế và áp dụng ở đây. Lĩnh vực này thường phát triển với tốc độ đi trước.
Với mỗi giai đoạn mới trong phát triển của xã hội và nhà nước, với mỗi nền văn minh thế giới mới thì càng có nhiều người bị thu hút vào quân đội, những mất mát trong xung đột quân sự cũng tăng lên. Chứng tỏ cho điều đó là số liệu về độ dài thời gian của các cuộc chiến tranh, về số lượng của quân đội và số lượng người hy sinh trong xung đột quân sự. Gánh nặng của chủ nghĩa quân phiệt trở nên không gánh vác nổi đối với xã hội. Nó trở nên vô cùng nguy hiểm khi vũ khí hạt nhân và vũ khí huỷ diệt hàng loạt được phổ biến và nhân loại bị đặt bên bờ của sự tự huỷ diệt. Ý thức về điều đó đã bắt đầu làm thay đổi cách tiếp cận của xã hội và của giới cầm quyền đối với chiến tranh như phương tiện đạt tới các mục đích chính trị.
Tính chất của chiến tranh, mục đích của nó, động cơ của các bên tham chiến đã thay đổi qua các thời đại. Từ cuối thế kỷ XX, cùng với việc bắt đầu hình thành xã hội hậu công nghiệp, chiến tranh giữa các nền văn minh đã được đặt lên hàng đầu; chúng sẽ chiếm ưu thế ở thế kỷ XXI. Đó là xung đột giữa các văn hoá, các tôn giáo, các tâm tính khác nhau, mặc dù cũng có thể
phát hiện ra các nguyên nhân dân số và kinh tế ở đây. Do vậy, kinh nghiệm phong phú về chiến tranh hiện đại giữa các nền văn minh đã được tích luỹ. Điều đó cho phép xác định các đặc điểm đặc trưng của chúng.
Thứ nhất, động cơ cơ bản, đẩy các quốc gia tới bạo lực vũ trang, không phải là lợi ích thuần tuý kinh tế hay tư tưởng hệ, mà là sự đối kháng văn minh. Hai cuộc thế chiến trong thế kỷ XX đều có nguyên nhân từ việc tranh giành, phân chia thị trường và thuộc địa thì vào những năm cuối của thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI nguyên nhân của các cuộc chiến đã thay đổi. Ví dụ như cuộc chiến ở Nam Tư (1994), các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông v.v.. hầu như là những cuộc chiến mang tính sắc tộc, tôn giáo
Thứ hai, là những khác biệt về chế độ văn hoá - xã hội, về loại hình văn hoá và tâm tính trong các loại hình văn minh khác nhau. Theo phân loại của P.Sorokin, nếu các nền văn minh phương Tây, Á - Âu và gần đây là Nhật Bản có chế độ văn hoá xã hội cảm tính thì đặc trưng cho các nền văn minh phương Đông, đặc biệt là nền văn minh Hồi giáo, là sự chiếm ưu thế của chế độ lý tưởng hóa. Người khởi xướng xung đột và chiến tranh giữa các nền văn minh thường là các đại diện theo chủ nghĩa cực đoan của nền văn minh Hồi giáo, những người được các tư tưởng của đạo Hồi khích lệ. Trong thế giới hiện đại, chủ nghĩa nguyên giáo Hồi giáo đóng vai trò người khởi xướng vô số xung đột và chiến tranh giữa các nền văn minh. Kết hợp hài hoà các đặc điểm của chế độ văn hoá xã hội tích cực - tình cảm, nền văn minh Nhật Bản đã tiến gần tới loại hình văn hoá xã hội tích hợp. Nền văn minh Trung Quốc cũng đang phát triển theo phương hướng đó. Các nền văn minh Tây Âu và Á - Âu cũng có tiền đề để chuyển sang loại hình văn hoá xã hội tích hợp.
Thứ ba, là những khác biệt về xu hướng dân số của các nền văn minh khác nhau. Thiết chế cơ bản đối với con người, gia đình là sự kế tục nòi giống, là sự quan tâm tới các thế hệ tiếp theo, vì điều đó mà con người thuộc bất kỳ nền văn minh nào cũng đều sẵn sàng hy sinh, tham gia vào xung đột với các cộng đồng khác nhằm giành lấy "chỗ đứng" cho con cháu mình. Ở
nửa sau thế kỷ XX, những khác biệt về tốc độ tăng lên dân số đã tăng lên đáng kể tại các nền văn minh khu vực khác nhau. Xu hướng này sẽ được giữ lại cả ở thế kỷ XXI. Điều đó trở thành nguồn gốc của cuộc chiến tranh nhằm phân chia lại không gian sống và nguồn dự trữ cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Thứ tư, động cơ không kém mạnh mẽ đối với xung đột giữa các nền văn minh là lợi ích kinh tế, là hố ngăn cách ngày một tăng giữa các nền văn minh giàu và nghèo, hố ngăn cách mà các xu hướng dân số lại góp phần đào sâu thêm.
Thứ năm, nguy cơ xung đột quân sự giữa các nền văn minh tăng lên do chính sách hiếu chiến của các công ty xuyên quốc gia. Các công ty này sử dụng quá trình toàn cầu hoá để bòn rút các tài nguyên, tài chính và trí tuệ từ các nước kém phát triển, qua đó hạn chế các quốc gia này phát triển và thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn. Đồng thời với quá trình này cũng tạo ra các nước hiếu chiến nhất của thế giới thứ ba với vũ khí hiện đại nhất có thể được sử dụng để chống lại các nền văn minh phát triển (ví dụ Triều Tiên). Hậu quả của chính sách như vậy là tai hại không những đối với các nền văn minh phát triển mà còn đối với toàn thể nhân loại, làm tăng nguy cơ xung đột tự huỷ diệt toàn cầu giữa các nền văn minh.
Thứ sáu, thúc đẩy chiến tranh giữa các nền văn minh là tính bất ổn định về địa chính trị, là sự thiếu vắng một cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn và điều tiết xung đột giữa các quốc gia, là sự đối đầu giữa các nền văn minh trong đó các nước phát triển thường cố ủng hộ một bên trong xung đột giữa các nền văn minh. Ví dụ như: xung đột quân sự năm 1997 - 1999 tại Balcan, Nam Tư trước kia, nơi mà nền văn minh phương Tây và khối quân sự của nó (NATO) đã nhiều lần ủng hộ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo nhằm chống lại nền văn minh Chính Thống giáo.
Do vậy, việc đặt lên hàng đầu chiến tranh giữa các nền văn minh không phải là ngẫu nhiên, nó được quyết định bởi các nguyên nhân văn hoá xã hội, dân số, kinh tế và chính trị sâu sắc. Đó là những nhân tố chủ yếu, rất mạnh
mẽ, chiếm ưu thế ở cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, dẫn tới xung đột và chiến tranh giữa các nền văn minh, còn trong tương lai - xung đột tự huỷ diệt giữa các nền văn minh, có thể đem cái gì đối lập lại với chúng? Các nhân tố phản kháng là gì?