Thời kì chuyển giao giữa hai thế kỉ, đặc trưng tổng thể của quan hệ quốc tế và cấu trúc cục diện quốc tế sẽ như thế nào? Điều đó liên hệ trực tiếp đến cộng đồng quốc tế cũng như sự phát triển của các nước trong thế kỉ XXI.
Phán đoán đúng đắn về tình hình quốc tế đặt cơ sở cho hình thành chính sách ngoại giao. Thời kì hiện nay được xác định là thời kì sau chiến tranh lạnh, được đánh dấu bằng cuộc chiến tranh Kosovo vào nửa đầu năm 1999. Ý nghĩa của sau chiến tranh lạnh đồng nghĩa với việc xuất hiện một hệ thống các mối quan hệ mới. Vậy hệ thống này là như thế nào? Theo Bàng Trung Anh( Pang zhongying), tình thế chiến lược toàn cầu mới về cơ bản đã được thiết lập và ảnh hưởng toàn diện của Mỹ với tư cách là nước lớn “siêu cường” duy nhất đối với công việc quốc tế đang gia tăng. Mỹ trở thành người lãnh đạo trật tự mới của thế giới, người giữ cân bằng quyền lực và là người vạch ra các quy tắc [28; 8]. Theo tác giả, trật tự quan hệ quốc tế trong thời kì này là trạng thái của một vị thế yếu. Thời kì này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài, sức mạnh to lớn của nước Mỹ chỉ là một tất yếu chứ chưa phải là điều kiện đầy đủ để thiết lập bá quyền, trật tự bá chủ ổn định vẫn chưa được thiết lập. Do đó, Trung Quốc cần tích cực thúc đẩy đa cực hóa mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy kiến tạo mới nên trật tự quốc tế dựa trên cơ sở của nguyên tắc “cầu đồng tồn dị, chung sống hòa bình”. Trung Quốc đề xuất 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, thiết lập một trật tự mới về kinh tế quốc tế. Ý tưởng của Trung Quốc về trật tự quốc tế vốn lấy quan niệm đa cực hóa làm trung tâm và căn cứ cơ bản. Trong thời đại sau chiến tranh lạnh chủ trương đa cực hóa thể hiện nguyên tắc và tinh thần “cầu đồng tồn dị, chung sống hòa bình cùng nhau phồn vinh”,v.v. Đặng tiểu Bình vạch rõ; bất kể quan hệ quốc tế có thay đổi thế nào chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn là: “phản đối chủ nghĩa bá quyền, chính sách dựa vào sức mạnh, bảo vệ hòa bình thế giới; thiết lập trật tự mới về chính sách quốc tế và trật tự mới về kinh tế quốc tế” [28; 9].
Như vậy, có thể thấy, các quốc gia trên thế giới đều đang tích cực hướng đến xây dựng nền văn hóa hòa bình, tránh mọi xung đột và bạo lực có thể xảy ra. Điều đó được cụ thể hóa trong các chiến lược cũng như phương châm, triết lý hành động của các nhà nước – dân tộc cũng như trên phạm vi và quy mô toàn cầu. Họ nhận thức được rằng, khi xử lý mối quan hệ giữa các
nền văn minh và văn hóa nên tránh 3 khuynh hướng đó là: chủ nghĩa bá quyền văn hóa, chủ nghĩa cô lập văn hóa và chủ nghĩa cực đoan văn hóa, tích cực đề xướng và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh. Trong tình hình mới khi mà sự tương tác giữa các nền văn minh và văn hóa ngày càng mạnh mẽ, làm thế nào để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các nền văn minh và văn hóa khác nhau là một vấn đề trọng đại đặt ra trước loài người. Cho nên chúng ta càng đặc biệt tránh các khuynh hướng trên.
Thứ nhất, chủ nghĩa bá quyền văn hóa - đây là thứ chủ nghĩa dựa trên sức mạnh của kinh tế, tài chính, quân sự, lấy các giá trị văn hóa của mình làm thước đo cho các nền văn hóa khác, tự xưng là bá chủ văn hóa thế giới, áp chế phủ nhận và ra sức làm thay đổi sự phát triển của các nền văn hóa khác, từ đó khống chế, làm suy yếu và tiêu diệt các nền văn hóa khác và các quan niệm giá trị khác. Chủ nghĩa bá quyền văn hóa khước từ đối thoại, đòi hỏi tất cả các nền văn minh yếu khác phụ thuộc vào cái gọi là văn minh chủ đạo của mình. S. Huntington cho rằng: “tính đa dạng của văn minh và văn hóa đã tạo ra thách thức đối với niềm tin vào tính phổ quát của văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Mỹ. Nói theo cách quy phạm, niềm tin vào chủ nghĩa phổ quát của Phương Tây khẳng định nhân dân toàn thế giới cần tin vào các quan niệm giá trị, các thể chế và văn hóa của Phương Tây là những tư tưởng cao cả nhất, tiến bộ nhất, tự do nhất, duy lý nhất, hiện đại nhất và văn minh nhất của loài người” [50; 6].
Thứ hai, chủ nghĩa cô lập văn hóa bỏ qua mối quan hệ tác động tích cực tồn tại giữa các nền văn minh và các văn hóa khác nhau trong lịch sử mà nhấn mạnh phiến diện vào việc bảo tồn tính độc đáo văn hóa của mình. Chủ nghĩa cô lập văn hóa ngoan cố cho rằng, giữa các nền văn minh và văn hóa khác nhau có một thứ tính “bất khả thông ước”, do đó, để bảo vệ văn hóa bản địa chưa bị ô nhiễm và còn mang phong vị nguyên sơ, nó phản đối tất cả các nền văn hóa ngoại lai, hoàn toàn cách ly văn hóa của mình với văn hóa bên ngoài, tự cô lập mình lại. Nhưng chúng ta cần chú ý rằng, tất cả các nền văn
hóa bản địa ở một mức độ nào đó cũng là kết quả sáng tạo, giao lưu và dung hợp giữa các nền văn hóa khác nhau, do đó không có một nền văn hóa nào là mang tính thuần túy. Việc đóng cửa cô lập và không giao lưu với thế giới bên ngoài chỉ mang lại những hậu quả nguy hại.
Thứ ba là chủ nghĩa cực đoan văn hóa. Một mặt chủ nghĩa cực đoan văn hóa là biểu hiện của chủ nghĩa cô lập văn hóa đã phát triển tới đỉnh điểm, nhưng sự khác biệt giữa hai bên là rõ ràng, dễ nhận biết. Chủ nghĩa cực đoan văn hóa không chỉ phản đối giao lưu, tham khảo và hấp thu lẫn nhau giữa các nền văn hóa mà còn dùng phương thức bạo lực và đổ máu để tiêu diệt các nhân tố văn hóa dị đoan. Ví dụ: tháng 3/2001 nhà đương cục taliban của Afghanistan đã dùng thuốc nổ và hỏa pháo phá hủy đại phật Pamiang, v.v. [50; 7]. Mặt khác, chủ nghĩa cực đoan văn hóa cũng là sản phẩm của chủ nghĩa bá quyền văn hóa. Trong lịch sử thế giới đầy rẫy những trang đẫm máu về việc văn minh Kito giáo tuyệt diệt các nền văn hóa bản địa, ngoại lai; hay mưu đồ xóa sổ nền văn minh Do Thái của các tín đồ Nazi… ngày nay khi nền văn minh của loài người đã phát triển cao, bóng đen của chủ nghĩa cực đoan văn hóa trước sau vẫn tồn tại, nó hiện hình ở những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc trên khắp thế giới.
Tóm lại, ba khuynh hướng nguy hiểm trên đây đã phủ định khả năng tiến hành giao lưu giữa các nền văn minh và văn hóa khác nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và sự tồn tại của tính đa dạng văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa cần lấy việc tôn trọng tính đa dạng văn hóa, thúc đẩy đối thoại bình đẳng và dung hợp giữa các nền văn minh để xác lập mối quan hệ tương tác văn hóa tích cực, đặt hy vọng vào việc thông qua đối thoại để đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau, thông qua hiểu biết lẫn nhau để thực hiện hòa bình và hợp tác.
Thực ra đối thoại giữa các nền văn minh đã có lịch sử lâu đời. Một số nhà tư tưởng đã từng đưa ra những ý tưởng về đối thoại giữa các nền văn minh. Triết gia Trung Hoa cổ đại Khổng Tử từng đề ra luận điểm: “hòa nhi
bất đồng”, trong đó hàm nghĩa về đối thoại giữa các nền văn minh, hay Bakhtin nhà triết học người Nga có thể nói là người đã đặt nền móng cho triết học đối thoại, đề cao nguyên tắc đối thoại, và phát triển hơn nữa là Sorokin, chủ trương xây dựng thứ văn hóa tích hợp, văn hóa hòa bình – vốn là thứ văn hóa được đề cao trong kỉ nguyên mới. Văn hóa này được đề cao xuất phát từ chính kinh nghiệm đau thương và sự trải nghiệm đẫm màu của thế kỷ trước với hai cuộc thế chiến. Sự trải nghiệm đau đớn ấy khiến người ta nhận ra rằng “lịch sử không thể đi lên bằng máu”. Ngày nay, trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, sự giao lưu hợp tác giữa các quốc gia ngày càng rộng mở thì việc đề xướng lại đối thoại giữa các nền văn minh trong bối cảnh quốc tế mới có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới phát triển theo phương hướng đa cực hóa, nhưng sự hình thành cục diện đa cực hóa đòi hỏi phải trải qua một quá trình lâu dài bởi những xu hướng đối lập hiện vẫn tồn tại và trong xu hướng đấu tranh quyết liệt. Việc đề xuất các luận thuyết về “đụng độ giữa các nền văn minh” và “cáo chung của lịch sử” biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền trong lĩnh vực văn hóa đều cảnh tỉnh chúng ta, nếu không áp dụng phương thức tương tác tích cực giữa các nền văn minh, loài người có thể sẽ đi lại vết xe đổ. Tháng 10/1994, Ủy ban Trị lý toàn cầu do các nhân sỹ nổi tiếng của trên 20 quốc gia hợp thành đã thông qua báo cáo “chân trời tựa láng giếng” kêu gọi sự xác lập “đối thoại về các nền văn minh”, tháng 5 năm 1995, các học giả Nhật Bản và trên 10 nước Đông – Tây Âu đã cử hành cuộc đối thoại Synaya thứ 2 tại Rumani, đề xuất đối thoại và giao lưu giữa các trung tâm văn minh khác nhau. Tháng 10 cùng năm, tổng thống Đức lúc bấy giờ đã công bố bài nói quan trọng “Thay chiến tranh văn hóa toàn cầu bằng đối thoại văn hóa”. Tháng 12/1997 Hội nghị thượng đỉnh đã công bố Tuyên ngôn Teheran, “nhấn mạnh sự tích cực tương tác, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, các tôn giáo khác nhau, bác bỏ các lý luận đụng độ làm nảy sinh không tin cậy lẫn nhau và làm suy yếu cơ sở
giao lưu hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia” [50; 8], tháng 9/1998, tại Đại hội đồng lần thứ 53 của Liên hợp quốc, tổng thống Iran Khatami đã chính thức đề xướng lấy năm 2001 là năm “đối thoại giữa các nền văn minh khác nhau của Liên hợp quốc” và đã được tán đồng rộng rãi. Tháng 9/2000 trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh nghìn năm của Liên hợp quốc, nguyên thủ, bộ trưởng ngoại giao nhiều nước cùng nhiều học giả nổi tiếng đã tham gia hội nghị bàn tròn về đối thoại giữa các nền văn minh, tìm kiếm xem làm thế nào để đồng thời với việc thừa nhận các giá trị phổ quát là bảo vệ và tôn trọng tính đa dạng văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng nên một chuẩn thức quan hệ quốc tế mới về đối thoại giữa các nền văn minh. Tuyên ngôn nghìn năm của LHQ thông qua ngày 8/9 chỉ rõ: loài người có tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, giữa người và người cần tôn trọng lẫn nhau. Không nên sợ cũng không nên áp chế những khác biệt bên trong các xã hội và giữa các xã hội mà phải bảo vệ chúng như tài sản quý giá của loài người. Cần tích cực xúc tiến văn hóa hòa bình và đối thoại giữa các nền văn minh” [50; 8].
Đối thoại giữa các nền văn minh do LHQ khởi xướng và thúc đẩy là một bước phát triển quan trọng trong lịch sử văn minh loài người và lịch sử quan hệ giữa các quốc gia. Đối thoại giữa các nền văn minh góp phần vào việc phát hiện bản chất của văn minh, thúc đẩy tiến bộ loài người, bảo vệ tính đa dạng văn hóa, là nhịp cầu tạo nên sự tương tác tích cực giữa các nền văn minh.
Sở dĩ có điều này là do, tất cả đều nhận thức được rằng, giữa các nền văn minh khác nhau không những tồn tại sự khu biệt và cạnh tranh mà đồng thời cũng tồn tại mối quan hệ ảnh hưởng, vay mượn, dung hợp lẫn nhau. Chính sự bổ sung này giữa các nền văn minh mới hình thành nên thế giới đa dạng về văn hóa. Cạnh tranh và dung hợp giữa các nền văn minh khác nhau trước sau vẫn là động lực bên trong sự tiến bộ và phát triển của xã hội loài người. Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây trong xã hội loài người tiến trình toàn cầu hóa kinh tế có bước phát triển mới, cạnh tranh và dung hợp giữa các nền văn minh khác nhau tăng cường hơn. S.Huntington trong bài “sự
đụng độ giữa các nền văn minh” đưa ra kết luận gây tranh cãi về sự cạnh tranh và đụng độ giữa các nền văn minh khác nhau nơi chuyển giao thế kỷ và trong thế kỷ XXI: nguồn gốc chủ yếu của các cuộc xung đột và chia rẽ lớn nhất của loài người không còn là các nhân tố kinh tế nữa. “Nguồn gốc chủ yếu của sự chia rẽ và xung đột lớn nhất của loài người sẽ là sự khác biệt giữa các nền văn minh khác nhau. Cục diện thế giới trong tương lai ở mức độ rất lớn sẽ được quyết định bởi sự tương tác giữa 7-8 nền văn minh. Ranh giới giữa các nền văn minh sẽ là chiến tuyến trong tương lai. Hạt nhân của xung đột sẽ là mâu thuẫn giữa phương Tây và các nước thuộc văn minh Hồi giáo – Nho giáo. Sự đe dọa của các lực lượng kết hợp Nho giáo và Hồi giáo khiến cho lợi ích, các quan niệm và giá trị quyền lực của phương Tây bị thách thức….” [8; 2]. Đây là một nhận thức cực kỳ phiến diện, trong thực tế toàn cầu hóa làm cho các nền văn minh và các xã hội phụ thuộc nhau ở mức độ cao. Trong tiến trình toàn cầu hóa, một mặt, chúng ta thấy sự xung đột lẫn nhau giữa các nền văn minh, thậm chí có thể thấy sự hủy diệt. Mặt khác, chúng ta cũng thấy các nền văn minh khác nhau qua dung hợp mà hình thành nên các nền văn minh mới. Sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế tất yếu dẫn đến một nền văn minh mang tính phổ quát. Tuy nhiên, nền văn minh mang tính phổ quát này không vì thế mà gạt bỏ tính đa dạng. Nền văn minh trong tương lai sẽ vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đa dạng. Do vậy, chúng ta cần đề xướng sự giao lưu và đối thoại giữa các nền văn minh khác nhau. Thông qua giao lưu và đối thoại, các nền văn minh khác nhau nhất định có thể hấp thu những nhân tố hợp lý của đối phương, tạo động lực phát triển mới.
2.2.2. Tại sao lại có sự chung sống giữa các nền văn minh và giải pháp cho sự chung sống
Khái niệm chung sống giữa các nền văn hóa là kết quả của hai logic trái ngược nhau. Nó vừa là sản phẩm của LHQ, tổ chức đối thoại giữa các nền văn hóa – vừa là sản phẩm của thương mại hóa, văn hóa và truyền thông. Tính chất hai mặt này là tất yếu và nó cũng là khởi nguồn của sự giải phóng. Đó là
vì văn hóa truyền thông đã tuân thủ những giá trị cũng như lợi ích mà khái niệm chung sống giữa các nền văn hóa có thể trở thành trụ cột thứ ba của quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Đa dạng văn hóa là một lý tưởng, các công ty truyền thông đa quốc gia cũng có tham vọng trở thành biểu tượng của lý tưởng này [9; 116]. Chính vì điều này mà sự chung sống giữa các nền văn hóa - một khái niệm chuẩn đang được xây dựng trở nên lôi cuốn. Nó tương xứng với toàn cầu hóa kĩ thuật và toàn cầu hóa kinh tế và yêu cầu phải tạo ra những quy tắc chính trị mới để nghiên cứu về một mô hình rộng mở hơn. Đây vừa là