8. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Về tài nguyên
Tài nguyên đất: Tỉnh Hải Dương có 84.900 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 54.421 ha chiểm 64,1%, diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 9.147 ha, chiếm 10,77%; diện tích đất chuyên dùng là 13.669 ha chiếm 16,1%; diện tích đất ở là 5.688,3 ha, chiếm 6,7% và diện tích đất chưa sử dụng, sông suối đá là 6.368 ha, chiếm 7,5%. Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm là 83.124 ha, chiếm 78,66%, riêng đất lúa có 72.500 ha gieo trồng được 2 vụ, diện tích đất trồng cây lâu năm là 10.636 ha, chiếm 10%, diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản là 7.276 ha chiếm 6,88%, diện tích đất trống đồi trọc cần phủ xanh là 7.396 ha diện tích đất mặt nước chưa được khai thác là 1.364 ha.
Hải Dương được chia làm 2 vùng: vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi nằm ở phía Bắc tỉnh, chiếm 11% diện tích tự nhiên gồm 13 xã thuộc thị xã Chí Linh và 18 xã thuộc huyện Kinh Môn; là vùng đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng đồng bằng còn lại chiếm 89% diện tích đất tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc, Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành và thành phố Hải Dương. Đất đai bằng phẳng, màu mỡ, chủ yếu là đất phù sa sông Thái Bình bồi đắp thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Đất đồi núi chiếm khoảng 11% diện tích đất tự nhiên tập trung ở 13 xã thuộc thị xã Chí Linh và 18 xã của huyện Kinh Môn. Vùng đất này nghèo dinh dưỡng, tầng mặt mỏng, nghèo mùn, độ phì thấp, chủ yếu phù hợp trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả như vải thiều, dứa, cây công nghiệp như chè, lạc...
Tài nguyên rừng: toàn tỉnh có 9.147 ha, tỷ lệ che phủ đạt 5,9%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 3.104 ha, diện tích rừng trồng là 6.043 ha. Tỉnh Hải Dương dự kiến đầu tư gần 414 tỷ đồng để quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020; trong đó vốn bảo vệ rừng hơn 11,5 tỷ đồng, vốn phát triển rừng hơn 298,3 tỷ đồng, vốn các hoạt động khác hơn 104 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu sử dụng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; thu hút mọi nguồn lực xã hội và sự tham gia của các thành phần kinh tế vào các hoạt
động lâm nghiệp, đảm bảo đóng góp của ngành lâm nghiệp ngày càng tăng vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, nâng cao mức sống của người dân vùng đồi rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, giữ ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 10.189,2 ha; tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cao độ che phủ của rừng. Về kinh tế rừng, kết hợp xây dựng vốn rừng với kinh doanh rừng, phát triển chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng lâm sản trong tỉnh, tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp. Hải Dương triển khai trồng 1.911 ha rừng nguyên liệu, 530 ha sưa; trồng 109 ha rừng trên đất chưa có rừng; trồng mới 50 ha chè chất lượng cao. Tỉnh chú trọng khai thác gỗ rừng trồng sản xuất, chủ yếu là rừng trồng sản xuất đạt tuổi thành thục công nghệ, với diện tích khai thác chính đến năm 2020 là 2.441 ha; sản lượng khai thác đạt 87.876 m3 gỗ; khai thác lâm sản ngoài gỗ, tận thu nhựa thông 30 tấn/năm; khai thác và sử dụng hợp lý hạt dẻ, cây dược liệu. Tỉnh rà soát lại các cơ sở chế biến hiện có, đầu tư cải tạo nâng cấp nhà xưởng, thay thế dây chuyền công nghệ hiện đại; tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như: đồ gỗ nội thất, đồ mộc mỹ nghệ… Để có nguồn giống cây, tỉnh tập trung phát triển các vườn ươm các loại giống cây, nhất là bầu chè giống chất lượng cao; nhân các giống cây ăn quả, cây bản địa, tre lấy măng và các loại cây lấy gỗ khác. Trong đó, dự án vườn ươm Mai Thành với diện tích 1,75 ha tại Côn Sơn (Chí Linh), có công suất 100 - 150 vạn cây/năm; dự án Sưa Nguyệt Hậu 1,5 ha, tại ranh giới 2 xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An (Chí Linh), có công suất từ 20 - 30 vạn cây/năm; dự án vườn ươm tại xã Thượng Quận (Kinh Môn) 0,5 ha, công suất 5 - 7 vạn cây/năm. Tỉnh cũng chuyển hóa rừng giống thông mã vĩ khu Đền Sinh - Côn Sơn 7 ha; thông nhựa khu Côn Sơn 14 ha; keo tai tượng khu Côn Sơn 20 ha; xây dựng hệ thống phòng chống cháy rừng; mở mới 1,5 km, nâng cấp 42 km đường lâm nghiệp.
Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của Hải Dương có nhiều loại tuy không nhiều nhưng một số loại có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp như: đá vôi với trữ lượng hơn
250 triệu tấn, cao lanh 40 vạn tấn, đất chịu lửa 8 triệu tấn… là nguyên, vật liệu xây dựng và nguyên liệu làm sành, sứ . Ngoài ra còn có đất sét trắng, silic, bôxit, than đá, than bùn, thủy ngân và nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất vật liệu xây dựng… Đây là các nguồn nguyên liệu quý để phát triển công nghiệp.
Tài nguyên nước: Hải Dương có nguồn tài nguyên nước khá phong phú. Hệ thống sông ngòi khá dày đặc, bao gồm hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, các sông trục Bắc Hưng Hải và An Kim Hải, có khả năng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, cung cấp nguồn nước cho nhu cầu sản xuất của các ngành, đồng thời cũng là những tuyến giao thông thủy, tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hóa trong tỉnh, cũng như giữa Hải Dương với các tỉnh khác trong vùng. Tuy nhiên, sông ngòi nhiều thường gây nên úng lụt, rất khó khăn trong việc phòng chống lụt bão và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống dân sinh.
Tài nguyên du lịch: Không chỉ có tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước hay khoáng sản, tài nguyên du lịch của Hải Dương cũng khá phong phú và đa dạng, nhất là trên hai vùng miền núi phía Đông Bắc tỉnh là Chí Linh và Kinh Môn. Chí Linh núi đồi trùng điệp, có độ cao trung bình không quá 400m, rừng cây xanh tốt, cảnh quan đẹp, nhiều hồ nước tự nhiên, nhiều di tích, di chỉ văn hóa. Kinh Môn thuộc vùng núi đá vôi với nhiều hang động kỳ thú. Nơi đây còn lưu lại di tích của người thời đại đồ đá mới: Núi An Phụ với đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo) trên đỉnh và tượng đài người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ở chân núi; Hang động Kính Chủ và vùng núi đá vôi Dương Nham gắn liền với những trang sử hào hùng chống quân Nguyên của nhân dân ta. Các huyện thuộc vùng đồng bằng cũng có tiềm năng du lịch phong phú nhờ có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, làng quê trù phú, mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Bắc Bộ: khu miệt vườn vải thiều Thanh Hà nổi tiếng với cây vải tổ; làng Cò (Chi Lăng Nam) huyện Thanh Miện ...Tài nguyên thiên nhiên thuận lợi là cơ hội để Hải Dương khai thác và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, mở ra khả năng huy động các nguồn lực cho sự phát triển.
Bên cạnh những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản thì song song với nó là những vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay, theo đánh giá của Sở tài nguyên và Môi trường thì môi trường của Hải Dương đã có sự ô nhiễm, tuy chưa đến mức nghiêm trọng song từng thành phần môi trường như nước, không khí, đất ở một số khu vực, nhất là khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đang có xu hướng ô nhiễm gia tăng... việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm nguồn nước và đất. Riêng trong năm 2013 theo số liệu của trung tâm quan trắc và phân tích môi trường đo đạc, phân tích thì có tới 19 con sông chảy qua địa bàn tỉnh gồm sông Thương, Phả Lại, Kinh Thầy, Đông Mai, Thái Bình, Kinh Môn, Văn Úc, Đá Vách, Hàn Nhuận, Đò Đáy – Tràng Thưa – Đĩnh Đào, Chi An, Lạch Tray, Cầu Xe, Cẩm Giàng, sông Rạch, sông Bính, sông Luộc, sông Hương và sông Sặt, số liệu cho thấy hầu hết các sông này đều bị ô nhiễm COD, BOD, TSS, dầu mỡ. Riêng sông Thái Bình, sông Rạch, sông Bính có những điểm bị ô nhiễm nặng. Các sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải đều bị ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng và hàm lượng E.Coli cao. Dù có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm môi trường nhưng thực trạng ô nhiễm ở Hải Dương vẫn không thuyên giảm, thậm chí số lượng các cơ sở vi phạm ngày càng tăng nhanh. Kết quả thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho thấy, số lượng các cơ sở vi phạm môi trường trong hai năm 2010 – 2011 lên tới 244 đơn vị, gấp hai lần giai đoạn 2003 – 2009. Sở đã tiến hành xử phạt hành chính 64 cơ sở với tổng tiền phạt 2,161 tỷ đồng, tạm đình chỉ 2 cơ sở sản xuất trên địa bàn. Hầu hết các cơ sở được thanh kiểm tra đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn; không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; quản lý, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định; không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; không ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc có nhưng không thực hiện đầy
đủ; không nộp phí bảo vệ môi trường… Ngoài việc ô nhiễm tài nguyên đất, nước
thì tài nguyên khoáng sản của tỉnh cũng đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt do khai thác trái phép. Hiện nay, việc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm
vật liệu xây dựng của tỉnh Hải Dương chưa được quy hoạch chi tiết. Hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu căn cứ vào nhu cầu thực tế của nhà đầu tư với những công trình cụ thể, chưa có những đánh giá khoa học, chưa phân tích thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như nhu cầu thực tế của xã hội. Bên cạnh đó, công nghệ khai thác còn lạc hậu, không tận thu hết khoáng sản. Vì chưa có quy hoạch cụ thể nên tình trạng khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh diễn ra phổ biến.
Hải Dương cần có những giải pháp hiệu quả để khắc phục những tồn đọng trên bởi bảo vệ môi trường không chỉ là một nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc mà còn là vấn đề sống còn, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.