8. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Hải Dương là tỉnh mới được tái lập từ 01/01/1997, là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Hưng Yên, trong tam giác tăng trưởng kinh tế: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương nằm cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông, cách thành phố Hải Phòng 45km về phía Tây, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Đông giáp thành phố Hải Phòng, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Tây giáp tỉnh Hưng Yên. Là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, về con người và các tiềm năng phát triển khác.
Với địa hình bằng phẳng đã tạo điều kiện cho Hải Dương phát triển hệ thống giao thông, tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh. Hệ thống giao thông gồm đường bộ, đường thủy và đường sắt được phân bố hợp lý, giao lưu thuận lợi tới các tỉnh thành khác trong cả nước. Riêng đường bộ có 4 tuyến đường quốc lộ qua tỉnh dài 99 km, đều là đường cấp I cho 4 làn xe đi lại thuận tiện; đường sắt có tuyến Hà Nội – Hải Phòng chạy song song với quốc lộ 5, đáp ứng vận chuyển hàng hóa, hành khách qua 7 ga trong tỉnh. Tuyến kép – Bãi Cháy chạy qua huyện Chí Linh là tuyến đường vận chuyển hàng lâm nông thổ sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc ra nước ngoài qua cảng Cái Lân, cũng như hàng nhập khẩu và than cho các tỉnh; đường thủy với 400 km đường sông cho tàu, thuyền 500 tấn qua lại dễ dàng, cảng Cống Câu công suất 300.000 tấn/ năm và hệ thống bến bãi đáp ứng về vận tải hàng hóa bằng đường thủy một cách thuận tiện. Sông ngòi của tỉnh khá dày đặc, có khả năng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng và phát triển giao thông thủy. Hệ thống giao thông trên bảo đảm cho việc giao lưu kinh tế từ Hải Dương đi cả trong nước và nước ngoài thuận lợi. Nằm ở vị
trí có nhiều hướng tác động mang tính liên vùng, Hải Dương đóng vai trò làm cầu nối giữa thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng, thành phố du lịch Hạ Long, cung cấp sản phẩm hàng hóa quan trọng và là địa bàn tham gia quá trình trung chuyển hàng hóa trong vùng và cả nước. Vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện cơ bản góp phần làm cho quá trình CNH, HĐH ở Hải Dương diễn ra nhanh chóng với nhiều khu CN và cụm CN được hình thành.
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Vào giai đoạn từ tiết lập xuân đến tiết thanh minh (khoảng đầu tháng 2, đầu tháng 4 dương lịch có hiện tượng mưa phùn và nồm là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1300 – 1700 mm, nhiệt độ trung
bình hàng năm là 23,3 oC, số giờ nắng trong năm là 1524 giờ, độ ẩm trung bình là
85 – 87%. Nhìn chung, điều kiện khí hậu của tỉnh thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái và động thực vật cũng như các hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, điều kiện khí hậu vào mùa đông rất thuận lợi cho việc phát triển cây rau màu, thực phẩm, nhất là khả năng trồng rau xuất khẩu. Hải Dương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như: Dưa hấu, rau ngắn ngày, củ đậu (Kim Thành, Gia Lộc), gạo nếp (Kim Thành, Thanh Hà), hành tỏi (Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn), cà rốt (Cẩm Giàng), hoa cảnh (Gia Lộc, thành phố Hải Dương), vải thiều (Thanh Hà, Chí Linh)... góp phần phát triển các ngành CN chế biến, nông sản, thủy sản và các ngành nghề truyền thống.
Với lợi thế về vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên khác, trong những năm qua kinh tế của Hải Dương phát triển khá nhanh. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 9,8%/năm. Qui mô kinh tế của tỉnh được nâng lên, tổng sản phẩm năm 2010 gấp 2,3 lần so với năm 2005. GDP bình quân đầu người đạt 17,9 triệu đồng, tương đương 946 đô la. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch từ 27,1% - 43,6% - 29,3% năm 2005 sang 23% - 45,4% - 31,4% năm 2010. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tương đương từ 70,5% - 15,9% - 13,6%
năm 2005 sang 54,5% - 27,3% - 18,2% năm 2010. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của quá trình đô thị hóa, khi nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp xuất hiện thu hút lực lượng lao động từ các lĩnh vực nông – lâm - thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
So sánh tổng quan về vị trí địa lý của Hải Dương so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng có thể thấy Hải Dương có những thế mạnh và những mặt hạn chế riêng: Đồng bằng sông Hồng (hay châu thổ sông Hồng) là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, vùng đất bao gồm 11 tỉnh và thành phố như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Gần như đồng nghĩa với đồng bằng sông Hồng là vùng trung châu, khác với vùng chân núi trung du và núi cao thượng du. Không giống như vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là không có núi, do đó khu vực này thường được gọi là châu thổ sông Hồng. Giáp với Hải Dương là các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh – khu vực kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc của vùng đồng Bằng sông Hồng. Nếu như Hà Nội có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kinh tế xã hội của cả nước với địa hình bằng phẳng, đất đai phù sa màu mỡ do có sông Hồng bồi đắp thì Hải Phòng lại được coi là thành phố cảng lớn nhất phía Bắc, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ vùng duyên hải Bắc Bộ, là nơi có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, trên hai hành lang – một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Với lợi thế cảng nước sâu nên vận tải biển rất phát triển, đồng thời là một trong những động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Còn Quảng Ninh là tỉnh nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người Việt Nam: có rừng vàng, biển bạc, sông núi, nước non, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc và có đường biển thông ra thế giới. Quảng Ninh có thể kết nối với Hải Phòng để phát triển thành cụm cảng quốc tế phía Bắc, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng thành trung tâm
trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của Miền Bắc ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Cuối cùng là Bắc Ninh, cũng là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Tỉnh có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và thủ đô Hà Nội. Nhìn từ vệ tinh, tỉnh Bắc Ninh nằm ở phía Bắc của đồng bằng châu thổ Sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng, được ngăn cách với vùng trung du và miền núi phía Bắc bởi hệ thống sông Cầu. Ngoài ra, Bắc Ninh còn có hai hệ thống sông lớn là sông Thái Bình và sông Đuống. Hệ thống sông ngòi đã tạo nên một mạng lưới vận tải đường thủy quan trọng, kết nối các địa phương trong tỉnh và nối liền tỉnh Bắc Ninh với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, chúng còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư trong tỉnh. Bắc Ninh ở vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không. Các tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc Việt Nam, với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước. Có thể thấy, cùng nằm trong khu vực trọng điểm. Rõ ràng xét về vị trí địa lý, Hải Dương không có nhiều điều kiện thuận lợi như các tỉnh thành lân cận, đặc biệt không có cảng biển phục vụ cho nhu cầu mở rộng giao lưu kinh tế. Trong thực tế, Hải Dương vẫn chưa thực sự phát huy được những lợi thế của mình. Thành phố Hải Dương nằm trên trục quốc lộ 5, trục giao thông động lực quốc gia, cách thủ đô Hà Nội 57km và cách thành phố Hải Phòng 45km. Đây là trung tâm Chính trị - Kinh tế -Văn hóa - Khoa học kỹ thuật của tỉnh Hải Dương, có vị trí trung độ của tỉnh nên càng có lợi thế trong việc phát huy tính chất của một đô thị hành chính và kinh tế và là hạt nhân thúc đẩy quá trình CNH, HĐH của Hải Dương. Song Hải Dương vẫn chưa phát huy được vai trò là gạch nối giữa Hà Nội và Hải Phòng, chưa tận dụng được tối đa những thế mạnh về vị trí địa lý làm tiền tố để phát triển các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.